Ế do không đạt yêu cầu
Gia đình ông Trần Thanh Toại chuyên làm nghề sấy lúa thuê ở ấp Thới Bình (xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ). Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa thu hoạch rộ vụ lúa hè thu là lò sấy lúa công suất 22 tấn/ngày đêm của ông hoạt động không ngừng nghỉ. Tuy nhiên, mấy tháng qua lò sấy lúa của ông luôn trong tình cảnh ế ẩm.
Ông Toại cho biết: "Mấy năm trước, trung bình 1 vụ lúa hè thu, tôi làm dịch vụ sấy thuê cũng thu khoảng 50 triệu đồng. Năm nay lò sấy rất ít khách nên chẳng thu được bao nhiêu". Còn ông Trần Chí Tâm làm nghề sấy lúa thuê hơn 10 năm ở ấp Thới Phong, xã Thới Đông (huyện Cờ Đỏ) cho rằng: “Bây giờ lò sấy lúa nhỏ lẻ chỉ hoạt động cầm chừng vì không đáp ứng nhu cầu công suất lớn của thương lái”.
Theo ông Tâm, mấy năm trước, với chiếc lò sấy 11 tấn lúa/ngày đêm, tới vụ hè thu, ông sấy được khoảng 300 tấn lúa thì năm nay chỉ làm được 70 tấn. Đồng thời, hiện giá sấy lúa đã giảm 20.000 đồng/tấn (còn từ 120.000 - 140.000 đồng/tấn), nhưng cũng rất ít người đến sấy.
Theo thống kê của Phòng NNPTNT huyện Cờ Đỏ, toàn huyện có khoảng 200 lò sấy nhưng phần lớn công suất nhỏ nên dần dần không đáp ứng được nhu cầu của thương lái.
Ông Lâm Minh Trí - Trưởng phòng NNPTNT huyện Cờ Đỏ cho biết: “Số lò sấy hiện nay chỉ sấy được 40% sản lượng lúa hè thu. Tuy nhiên, những lò sấy nhỏ, thủ công thường sấy lúa không đạt chất lượng cao. Nhiệt độ sấy chỉ dưới 40oC, không đạt tiêu chuẩn để xay xát, làm gạo xuất khẩu. Vì vậy các lò sấy nhỏ lẻ đều bị ế ẩm”.
Theo thống kê chung, toàn vùng ĐBSCL hiện có khoảng 9.600 lò sấy, sấy được 40 - 45% lúa vụ hè thu. Phần lớn đều là lò sấy thủ công, công suất nhỏ nên rất dễ bị ế ẩm.
Yêu cầu cấp thiết cải tiến công nghệ
Trong khi nhiều lò sấy nhỏ lẻ ế ẩm thì những lò sấy đầu tư công nghệ cao, sấy lúa đạt chất lượng lại ăn nên làm ra.
Ông Nguyễn Văn Nhơn - chủ 8 lò sấy ở xã Phú Hưng (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) cho biết: “Vấn đề sấy lúa trong vụ hè thu không phải là chuyện giá cả mà là ở chất lượng. Nhiều lò sấy giá tới 180.000 đồng/tấn, cao hơn nơi khác 40.000 - 50.000 đồng mà thương lái vẫn tới sấy. Bởi vì chất lượng lúa sấy tốt, khi xay tỷ lệ gạo gãy thấp, thương lái sẽ có lợi nhuận hơn nhiều so với sấy ở những lò thủ công”.
Theo ông Nhơn, hộ làm dịch vụ sấy phải có từ 4 lò sấy trở lên và có cả kho chứa lúa cho thương lái thì họ mới chịu tới sấy. Đồng thời, bộ phận quạt, lò đốt phải đạt tiêu chuẩn để sấy lúa khô đều, xay ra gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu...
Ông Phạm Văn Quỳnh - Giám đốc Sở NNPTNT Cần Thơ cho rằng: “Để tăng cao hiệu quả hoạt động của các lò sấy thì cần đổi mới kỹ thuật trang thiết bị máy móc, hạ giá thành. Đồng thời phát triển đồng bộ các dịch vụ hỗ trợ, các nhà vận chuyển và phối hợp với cánh đồng mẫu lớn, với từng vùng sản xuất để các nhà máy sấy có thể được đặt hàng dịch vụ...”.
Còn TS Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho rằng: “Những lò sấy nhỏ lẻ, thủ công bây giờ không còn đáp ứng được nhu cầu sấy lúa chất lượng cao. Vì vậy, cần phải đầu tư để nâng cao công suất, đổi mới dây chuyền công nghệ để đáp ứng nhu cầu. Trong đó, việc cơ giới hóa, hiện đại hóa trong khâu sấy rất quan trọng, nhất là trong điều kiện khan hiếm lao động và thương lái thu mua lúa tươi ngay tại ruộng thì khâu sấy rất cần thiết...”.
Hoàng Mai