Chàng thanh niên Ahmed đặt chân tới Syria năm 2013 và gia nhập một tiểu đoàn Hồi giáo chống lại chính quyền Tổng thống Bashar Assad. Anh vừa trở về quê nhà sau khi được thả từ một nhà tù Nga và đã quyết định trải lòng về khoảng thời gian cầm súng trên chiến trường Syria.
“Đó là một căn bệnh. Đó là một dịch bệnh”, Ahmed nói về việc anh và nhiều nam thanh niên trong làng đổ xô tới Syria thánh chiến.
Ahmed, một thanh niên làng Novosasitli từng tới Syria tham chiến trong vài tháng đang cầu nguyện trước gương tại nhà. Ảnh Dmitri Beliakov/Washington Post
Ahmed là một trong ít nhất 20 trai tráng ở làng Novosasitli từng sang Syria tham chiến. Ngôi làng này có khoảng 2.000 dân, phần lớn đều theo đạo Hồi.
Nhiều người là các tín đồ đạo Hồi cực đoan bảo thủ nên dễ dàng bị những chiến binh Hồi giáo cực đoan ở Syria dụ dỗ tham gia cuộc thánh chiến.
Khi Nga phát động chiến dịch không kích ở Syria hồi tháng trước, Tổng thống Vladimir Putin từng khẳng định, lý do chính khiến ông quyết định can thiệp quân sự vào đất nước Trung Đông xuất phát từ những mối đe dọa ngày càng gia tăng bởi các chiến binh người Nga đang chiến đấu bên trong các nhóm khủng bố, cực đoan tại Syria.
Nhà lãnh đạo Nga quan ngại, những chiến binh này có thể trở về từ chiến trường Syria reo rắc những vụ tấn công khủng bố kinh hoàng trên chính mảnh đất quê hương.
Đầu tháng này, Tổng thống Putin cũng cho hay, có khoảng 7.000 công dân từ các quốc gia từng thuộc Liên Xô đang chiến đấu trong hàng ngũ của tổ chức khủng bố khét tiếng Nhà nước Hồi giáo. Trong khi đó, theo một ước tính, số lượng công dân Nga tham chiến tại Syria ngày càng tăng cao.
Theo những người dân địa phương tại làng Novosasitli, phần lớn những người đã rời bỏ quê hương tới Syria là bạn học. Họ có thể học cùng một trường Hồi giáo ở tại quê nhà hoặc ở Trung Đông. Họ gia nhập các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Syria, trong đó có tổ chức Nhà nước Hồi giáo. 7 người đã bỏ mạng tại chiến trường này. Trong khi đó, một vài người khác may mắn trở về quê hương an toàn.
Toàn cảnh ngôi làng Novosasitli. Ảnh Dmitri Beliakov/Washington Post
Ahmed cho biết, anh và 4 người bạn khác, cũng sinh ra và lớn lên ở làng Novosasitli, bị dụ dỗ sang Syria tham chiến khi đang học tại Ai Cập. Họ đã chiến đấu tại chiến trường ở miền Bắc Syria, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ dù trước đó chưa từng cầm súng. Ahmed từng suýt bị bắn chết khi đi lạc tới gần một trạm kiểm soát của đối thủ.
Chiến binh này bị bắt tháng 3.2014. Sau khi thụ án tại một nhà tù Nga được 1 năm, Ahmed được ân xá và ra tù.
"Tôi chưa bao giờ lên kế hoạch ở lại Syria mãi mãi", Ahmed cho hay.
Trong khi đó, ông Akhyad Abdullayev, người đứng đầu làng Novosasitli 45 tuổi cho biết: "Phần lớn các chàng trai đã quay trở về. Một số người phải trả giá trong nhà tù. Những chiến binh quay trở về từ chiến trường Syria đang làm lại cuộc đời và sống bình yên trong làng".
Trưởng làng Akhyad Abdullayev. Ảnh Dmitri Beliakov/Washington Post.
Ngoài ra, ông Akhyad Abdullayev còn chia sẻ, thỉnh thoảng trong khi trò chuyện với những người trở về từ Syria, ông cũng hỏi họ liệu họ còn muốn quay lại nơi đó không.
"Đôi khi chúng tôi hỏi đùa: Cậu sẽ tới đó một lần nữa chứ?", ông Abdullayev nói.
"Và câu trả lời là: “'Không bao giờ”, vị trưởng làng Novosasitli cho hay.
Cảnh thanh bình ở làng Novosasitli, nơi hàng chục trai tráng đổ xô tới Syria tham chiến.
Không riêng gì ở làng Novosasitli, người dân trên khắp khu vực Dagestan – nơi phần lớn dân số theo đạo Hồi – đang nói chuyện về chiến sự Syria. Nhiều người ở đây có bạn bè, người thân đã bỏ nhà ra đi, chiến đấu trong hàng ngũ các nhóm khủng bố, cực đoan trên chiến trường ác liệt này.
“Mọi người ở đây đều nói về Syria”, ông Abu-Muhammad Aliev, một nhà báo kiêm doanh nhân có tiếng ở Makhachkala, thủ phủ của Dagestan cho hay.
Theo ông Abu-Muhammad Aliev, những thanh niên trẻ tuổi thất nghiệp quậy phá, thường xuyên bị cảnh sát theo dõi tại Dagestan là đối tượng chính dễ bị dụ dỗ bỏ quê nhà tới Syria tham chiến.
Trên thực tế, Dagestan cũng là khu vực bất ổn, thường xuyên xảy ra các vụ bạo lực, tấn công khủng bố. Năm 2013, 341 người trong đó bao gồm cảnh sát và các chiến binh nổi dậy đã thiệt mạng trong các vụ bạo lực, tấn công khủng bố ở Dagestan.
Năm 2014, con số giảm xuống còn 208 người. Sự suy giảm trên được cho là do năm 2013 Nga đã phát động một chiến dịch chống khủng bố triệt để, quy mô lớn để đảm bảo an ninh, trật tự cho Thế Vận hội Sochi. Chiến dịch trên đã làm suy yếu các nhóm nổi dậy ở Dagestan cũng như những vùng lân cận.