Dân Việt

Giữ hồn vía linh vật Việt

Mỵ Lương 29/10/2015 08:14 GMT+7
Gần 100 hiện vật tiêu biểu như vật tổ thuộc văn hóa Đông Sơn, hình tượng rồng, hình tượng kỳ lân, hình tượng rùa, long mã… đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội) giúp người xem hiểu rõ ý nghĩa biểu tượng văn hóa độc đáo của linh vật Việt Nam.

Cách thức mới để hiểu nguồn cội

Chương trình trưng bày chuyên đề “Linh vật Việt Nam” được Bảo tàng Lịch sử quốc gia khai mạc vào sáng 28.10  đã thu hút được sự chú ý của rất nhiều khách tham quan, nhà nghiên cứu di sản văn hóa. Trong thời gian gian qua, việc sư tử đá ngoại lai xuất hiện như linh vật trong các công sở, địa điểm công cộng, đặc biệt là tại những di tích khiến dư luận không khỏi bức xúc. Bởi vậy, trưng bày chuyên đề lần này giúp công chúng gần xa có cái nhìn rõ nét hơn về những giá trị trong nghệ thuật của linh vật Việt.

img

Ông Delsol (78 tuổi)  - Việt kiều Pháp say sưa làm hướng dẫn viên cho vợ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.  Ảnh: Mỵ Lương

Quan sát ông Delsol Nguyen (78 tuổi)  - Việt kiều Pháp hướng dẫn chi tiết cho vợ mình là bà Paulety Nguyen từng hình tượng con nghê, con rồng... mới thấy hết được khả năng của người hướng dẫn viên đặc biệt này. Ông Delsol cho biết: “Tuy có nhiều lần về Việt Nam nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi đến với Bảo tàng Lịch sử quốc gia để tìm hiểu về linh vật Việt Nam và văn hóa của người Việt. Những hiện vật được bài trí bắt mắt, chú thích cụ thể giúp tôi dễ hiểu hơn khi xa quê hương đã rất lâu. Đây là cơ hội tốt giúp cho vợ tôi hiểu hơn về văn hóa của người Việt, mà nếu tôi chỉ nói không thì vợ tôi không thể hiểu được”.

Cũng hướng dẫn những học sinh đến với bảo tàng thông qua tiết học ngoại khóa của môn  lịch sử, cô Nguyễn Thị Nguyệt- giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Siêu cho biết: “Buổi học ngoại khóa với 75 em học sinh tham gia học theo chuyên đề từng tháng do nhà trường tổ chức. Chuyến đi thực tế sẽ mang đến cho các em cảm giác hiểu sâu về lịch sử mà không bị nhàm chán là chỉ có học thuộc trả bài trên lớp. Bởi nếu chỉ giảng giải cho các em trên lớp qua sách giáo khoa thì các em không thể hình dung và nắm bắt hết được những kiến trúc lịch sử gắn liền với những hiện vật như: Trống đồng Đông Sơn, sư tử - nghê... Với thế hệ trẻ, phải hiểu được ý nghĩa thì mới yêu quý và biết cách giữ gìn linh vật được tổ tiên truyền lại”.

Điều đặc biệt trong trưng bày chuyên đề lần này còn thí điểm ứng dụng công nghệ trình chiếu, tương tác 3D (trình chiếu 3D Hologram) một số hiện vật đặc sắc nhưng không có điều kiện giới thiệu trong phòng trưng bày, nhằm giúp khách tham quan có được những trải nghiệm thú vị và cảm nhận sự phong phú, đa dạng của sưu tập linh vật Việt Nam hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Nhận định về chuyên đề  trưng bày này, PGS -TS Đỗ Văn Trụ- Tổng Thư ký Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho biết: “Đây là dịp tuyên truyền quảng bá kho tàng di sản rất phong phú tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia vì tại đây có hệ thống những hiện vật tương đối đầy đủ nhiều bộ sưu tập, phong phú và đa dạng. Qua đây cũng sẽ lấy ý kiến công chúng để tiến tới lựa chọn những tài liệu hiện vật cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia sau này. Không chỉ công chúng mà những nhà quản lý sẽ hiểu các giá trị của những hiện vật để biết cách sử dụng hiện vật cho đúng, tránh trường hợp có những linh vật ngoại lai trong di tích như hiện nay”.

Bảo tàng cần tương tác

Nhìn nhận từ thực tế hiện nay về hệ thống bảo tàng có khả năng tổ chức hoạt động cũng như về lĩnh vực bảo tàng học, ngành bảo tàng nước ta vẫn còn nhiều bất cập, do chưa đáp ứng được yêu cầu xã hội, đặc biệt là chưa phản ánh được đầy đủ những giá trị văn hoá, những truyền thống quý giá qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Nhiều bảo tàng na ná giống nhau, chưa có điểm nhấn thu hút du khách.

TS Vũ Quốc Hiền - nguyên Phó Giám đốc bảo tàng Lịch sử quốc gia nhận định, những linh vật trưng bày lần này có những loại cụ thể, có nguồn gốc gắn trên những di tích nơi thờ tự của Việt Nam. Có những linh vật nguồn gốc Việt Nam, cũng có những linh vật có sự giao thoa với nhiều nền văn hóa khác như Ấn Độ, Trung Quốc đã được Việt hóa và được người Việt thừa nhận.

 “Để thu hút công chúng phải có sự tương tác giữa hai phía công chúng và  bảo tàng. Công chúng cần có tri thức nhận định mới có thể trải nghiệm khi đến bảo tàng. Như đến với chương trình trưng bày chuyên đề “Linh vật Việt Nam” cũng cần có những kiến thức nhất định và sự trau dồi giáo dục lịch sử từ gia đình, nhà trường, xã hội. Nếu là người ham mê và có kiến thức nền, khi đến tham quan sẽ cảm thấy rất thú vị và thu nạp được thêm nhiều thông tin. Tuy nhiên, sẽ là khó đối với những người chưa thực hiểu biết và có thể gọi là chưa có kiến thức nền hiểu về di sản linh vật Việt”- ông Hiền cho biết. 

  Linh vật (những con vật huyền thoại hoặc có thật được linh thiêng hóa) được con người sáng tạo và sử dụng như những biểu tượng văn hóa để truyền đạt ý tưởng và niềm tin tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo. Số hiện vật đặc biệt quý hiếm được trưng bày lần này bao gồm gương đúc nổi hình rồng (chất liệu đồng, thế kỷ 1 -3), lá đề hình phượng (chất liệu đất nung thời Lý), bộ tượng khỉ “Tam không” (chất liệu đá, thời Lý), cặp sư tử chầu (chất liệu gỗ thời Nguyễn)…