Dân Việt

Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi: Xử lý hình sự mới ngăn chặn được

Minh Trung 29/10/2015 10:37 GMT+7
“Phải đưa nghị định quản lý thức ăn chăn nuôi thành pháp lệnh hoặc luật quản lý thức ăn chăn nuôi như nhiều nước, mới đủ sức mạnh xử lý vi phạm. Quy định rõ liều lượng, chủng loại chất cấm không được sử dụng. Và phải coi tội mua bán chất cấm như buôn lậu ma túy, có khung xử lý hình sự”, Ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam bày tỏ

Tại Hội thảo “Loại bỏ chất cấm trong chăn nuôi” tổ chức sáng 28.10 ở TP.HCM, ông Phan Xuân Thảo - Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM cho biết: Từ đầu năm 2015 đến nay, Chi cục qua kiểm tra tại các cơ sở giết mổ đã phát hiện có 23/120 lô heo và 95/516 mẫu dương tính với chất cấm. Ngoài ra, khi tiến hành lấy 159 mẫu thịt tươi trên địa bàn thành phố, phát hiện 2 mẫu dương tính. Ngoài ra, Viện Vệ sinh y tế công cộng thành phố đã lấy 15 mẫu thịt heo tại các siêu thị, cửa hàng, chợ... và phát hiện 4 mẫu có tồn dư chất cấm.

img

Ảnh minh họa

Ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam bày tỏ: “Khi các công ty, nhà máy làm thức ăn chăn nuôi bị phát hiện có chất cấm, chỉ phạt từ 80-100 triệu đồng thì không thấm vào đâu. Những năm qua, Nhà nước đã ban hành hàng loạt các quyết định về quản lý thức ăn chăn nuôi, trong đó cấm 22 loại hóa chất. Đến năm 2014, bộ có văn bản bổ sung thêm 4 loại chất cấm. Tuy nhiên, ra văn bản thì dễ nhưng thực thi mới khó. Chính vì vậy từ 2005 đến nay mới có việc sử dụng tràn lan chất cấm và kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi”.

Làm sao để thịt heo nhiều nạc, ngon mà vẫn đảm bảo an toàn? Theo tiến sĩ Vương Nam Trung - Trưởng bộ môn Dinh dưỡng và Thức ăn chăn nuôi, Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ: “Đơn giản là dùng con giống, chuồng trại, dinh dưỡng, chăm sóc... Chúng ta cũng có thể dùng các biện pháp dinh dưỡng thay thế, dùng các thức ăn bổ sung”.

Ông Phan Xuân Thảo đề xuất tiếp tục kiểm tra lấy mẫu đột xuất với các nơi nuôi, giết mổ, mua bán thịt heo. Những nơi từng vi phạm buộc phải lấy mẫu kiểm tra và trả chi phí để nâng cao ý thức của người chăn nuôi. Còn theo ông Lê Bá Lịch: “Phải đưa nghị định quản lý thức ăn chăn nuôi  thành pháp lệnh hoặc luật quản lý thức ăn chăn nuôi như nhiều nước, mới đủ sức mạnh xử lý vi phạm. Quy định rõ liều lượng, chủng loại chất cấm không được sử dụng. Và phải coi tội mua bán chất cấm như buôn lậu ma túy, có khung xử lý hình sự”.