Trước nhu cầu về nguồn mô, tạng ngày càng lớn, tối 26.10, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ phát động phong trào đăng ký hiến tặng mô, tạng. Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã tự nguyện đăng ký hiến tạng, mô, bộ phận cơ thể sau khi chết.
Để hiểu rõ hơn xung quanh vấn đề hiến mô, tạng, ngày 28.10, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế).
Ông Nguyễn Hoàng Phúc.
“Nửa đêm Bộ trưởng gọi điện động viên chúng tôi”
Nhiều người đang cho rằng, hành động của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến là làm hình ảnh? Ông nghĩ sao?
- Nếu để làm hình ảnh thì tại sao cách đây 2 năm - khi Bộ trưởng đăng ký hiến mô, tạng mọi người lại không hay biết? Để làm hình ảnh tại sao bà không ngồi im chỉ đạo mọi người làm, mà bà lại chấp nhận là người “đứng mũi” - làm Chủ tịch Hội Vận động hiến tặng mô, tạng Việt Nam để đi vận động, kêu gọi mọi người tham gia?
Phải những ai trong nghề mới biết, việc kêu gọi, vận động hiến mô, tạng là công việc khó khăn thế nào. Đó là rào cản về hiểu biết, rào cản về quan niệm “chết phải toàn thây”, rào cản về tâm lý của người thân... Để thuyết phục được một người đồng ý hiến, hoặc người thân gia đình chấp nhận cho nội tạng không phải chuyện dễ dàng.
Khó khăn chồng chất, vậy tại sao Bộ trưởng lại chấp nhận lăn xả mà không ngại “búa rìu” của dư luận? Đó chính là xuất phát từ việc bà thực sự mong muốn đẩy nhanh việc hiến ghép tạng.
Bộ trưởng nói, nếu là một người dân bình thường, bà cũng đăng kí hiến mô, tạng. Vậy thì không có lý do gì khi bà là một nhà quản lý, làm người đứng đầu ngành y lại phải do dự trước việc làm này?
Gần 23h đêm 27.10, tôi rất bất ngờ và cảm động khi nhận được cuộc điện thoại của Bộ trưởng. Bà gọi điện cho tôi, giọng vừa run run, xúc động, vừa vui mừng thông báo trên fanpage đã có hàng trăm người bày tỏ mong muốn được đăng ký hiến mô, tạng.
Bộ trưởng còn động viên chúng tôi cố gắng, dặn dò mọi người phải đơn giản mọi thủ tục để bất kỳ ai có ước nguyện đều có thể đăng ký.
Chỉ hơn 1 ngày sau lễ phát động, chúng tôi đã nhận được gần 100 đơn đăng ký hiến mô, tạng. Có người đến trực tiếp đến trung tâm, có người đăng ký qua mail, qua điện thoại, fanpage…
Vậy thử hỏi, có mấy vị chính khách, vị lãnh đạo nào vừa nói lại vừa làm được như vậy?
Ông cũng là một lãnh đạo trung tâm đi vận động người dân đăng ký hiến mô, tạng, ông cũng đã đăng ký hiến?
- Nếu chúng tôi không phải là những người tiên phong, gia đình chúng tôi không phải là những người dám đặt bút vào lá đơn đó, vậy thử hỏi khi đi kêu gọi thì có mấy người đăng ký?
Tôi may mắn được gia đình, bạn bè hiểu và chia sẻ. Vợ tôi là một trong những người đầu tiên gửi lá đơn đăng ký hiến tạng đến trung tâm.
Bạn bè tôi, có những người là dân thường, có người là quan chức, có người là doanh nhân… tất cả đều ủng hộ. Họ ủng hộ không phải bằng lời nói, mà họ đã đặt bút ký hiến thân thể không một chút đắn đo, vụ lợi.
Thậm chí, tôi có người bạn từ vợ, chồng, các con đến người giúp việc cũng hào hứng đến xin được hiến tạng sau khi chết.
Một ca ghép nội tạng.
“Đừng bao giờ nghĩ mình quá già để đăng ký”
Ông có thể cho biết nhu cầu về ghép nội tạng và thực tế chúng ta đã thực hiện được bao nhiêu ca ghép mô, tạng?
- Hiện Việt Nam có khoảng hơn 6.000 người suy thận chờ ghép. Bên cạnh đó, chỉ tính tại một số thành phố lớn đã có trên 1.500 người có chỉ định ghép gan; khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc; hàng trăm người chờ ghép tim, phổi.
Trong khi đó, số ca ghép mô, tạng thực hiện được trong 20 năm qua, theo số liệu thống kê tính đến hết ngày 30.9.2015, là rất khiêm tốn: Ghép thận 1.116 ca, ghép gan 48 ca, ghép tim 13 ca, ghép thận - tụy 1 ca, ghép giác mạc riêng Bệnh viện Mắt Trung ương từ năm 2005 đến nay ghép được 1.401 ca.
Thưa ông, có không ít người đang băn khoăn, không biết mình có quá già để đi đăng ký hiến tạng?
- Đừng bao giờ nghĩ mình không đủ sức khỏe hoặc quá già để đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não. Trong thực tế, việc không may như bị tai nạn dẫn tới tử vong, rồi chết não có thể không bao giờ xảy đến, nhưng ý nguyện đẹp của bạn sẽ không bao giờ mất.
Một trường hợp mà báo chí thế giới đã thông tin, đó là lãnh tụ Cuba Fidel Castro, cách đây hơn 40 năm, ông là người đầu tiên ở đất nước này đăng ký hiến tạng khi chết não. Hiện ông đã già, thân thể ông có thể không lấy được nữa, ông cũng không bị tai nạn, nhưng tấm lòng của ông đã động viên dân chúng rất nhiều.
Có thể trái tim, lá gan, thận... của bạn ở tuổi 80, 90 không còn sử dụng được nữa, nhưng giác mạc của bạn vẫn giúp 2 người khác nhìn thấy ánh sáng.
Vậy thủ tục để đăng ký hiến mô, tạng được quy định thế nào, thưa ông?
- Bất kỳ ai từ đủ 18 tuổi, có đủ năng lực hành vi dân sự có quyền đăng ký hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc sau khi chết, chết não.
Những người muốn đăng ký hiến mô, tạng có thể đến các cơ sở y tế gần nhất hoặc đến thẳng Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người để được tư vấn, trợ giúp và đăng ký hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc sau khi chết, chết não.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!