Đó là một trong vô vàn những câu chuyện xúc động về những người đã dũng cảm vượt qua rào cản tâm lý, rào cản từ gia đình, xã hội để cho đi sự sống.
Người mẹ nói trên là bà Vũ Thị Mừng, quê ở tỉnh Lâm Đồng. Bà Mừng có con trai tên Quang (31 tuổi) không may bị tai nạn lao động và được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Dù các bác sĩ đã tận tình cứu chữa, nhưng tình trạng của Quang diễn tiến quá nặng và không hồi phục dẫn đến chết não.
Dù rất đau buồn, nhưng khi được các bác sĩ tư vấn về việc hiến tạng cứu người, bà Mừng đã quyết định hiến tạng của con mình cho các bệnh nhân khác.
Bà Mừng đã quyết định hiến toàn bộ cơ thể con trai để cứu những bệnh nhân khác (ảnh chụp màn hình).
Quyết định này cũng là điều “không tưởng” với bà Mừng. Bởi trước nay, ở quê bà chưa có tiền lệ đó và cũng có giây phút bà nghĩ “chết phải toàn thây”. Nhưng ý nghĩ đó đã dừng lại khi bà xúc động tưởng tượng tới cảnh trái tim của con sẽ được đập tiếp trong lồng ngực ai đó.
“Khi chết, nếu chôn sẽ biến thành đất, thành cát bụi. Trong khi đó, các bác sĩ nói rằng, nếu hiến tạng sẽ mang lại sự sống cho 6 người khác, nên tôi đã đồng ý hiến toàn bộ tạng và mô của con cho bệnh viện”, bà Mừng chia sẻ.
Chính sự hy sinh của người mẹ này đã tạo nên “kỳ tích” cho y học Việt Nam.
Ngay sau khi nhận được sự đồng ý của gia đình bệnh nhân, ngày 3.9 vừa qua, Bệnh viện Chợ Rẫy đã thông báo tới Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người để tìm người ghép phù hợp. Sau khi rà soát các chỉ số, các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức đã quyết định chọn 2 bệnh nhân đều là người Hà Nội: Một bệnh nhân ghép gan và bệnh nhân ghép tim 37 tuổi.
Hai người được ghép đều đã ở tình trạng “thập tử nhất sinh”. Bệnh nhân 37 tuổi suy tim giai đoạn cuối, thời gian sống chỉ còn tính bằng tuần, còn bệnh nhân được ghép gan bị xơ gan giai đoạn cuối, cũng phải từng ngày giành giật sự sống.
Khi đã chọn được bệnh nhân để ghép, các bác sĩ đã phải chạy đua với thời gian, vượt quãng đường gần 2.000km vận chuyển nội tạng cứu người. Đây là hành trình vận chuyển nội tạng dài nhất ở Việt Nam.
“Nếu được quyết định lại, tôi vẫn sẽ làm như vậy. Bởi khi biết những người nhận tạng của con hiện đang khỏe mạnh, tôi rất hạnh phúc. Dù con đã mất, nhưng tôi vẫn có cảm giác con vẫn còn sống đâu đó”, bà Mừng xúc động chia sẻ.
Bệnh nhân 37 tuổi hồi phục sau ca ghép tim ở Bệnh viện Việt Đức hồi tháng 9.2015. (Ảnh: NLĐ)
Trước sự hy sinh của bà Mừng, ông Nguyễn Hoàng Phúc (Phó giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người) đã phải thốt lên: “Đó là một người mẹ anh hùng!”. Bởi theo ông Phúc, để quyết định như người mẹ ấy, không phải ai cũng làm được.
Ông Phúc kể, ở Bệnh viện Việt Đức cách đây không lâu có một gia đình có 2 người con, người anh bị tai nạn giao thông và người em bị suy thận giai đoạn cuối. Người anh bị tai nạn quá nặng nên đã dẫn đến chết não.
Biết được hoàn cảnh, các bác sĩ ở đây đã khuyên gia đình nên lấy thận của anh để tái sinh sự sống cho người em. Tuy nhiên, do quan niệm quá nặng nề, gia đình nhất quyết phản đối việc đó. Người anh chết, còn người em đều đặn vài lần mỗi tháng phải đến bệnh viện chạy thận. Một thời gian ngắn sau, người em cũng ra đi.
“Không ít gia đình có con bị chết não, nhưng họ vẫn cố tin rằng sẽ có một phép màu nào đó đến với người thân. Vì thế, việc vận động họ đồng ý hiến tạng là điều “không tưởng”. Nhưng với bà Mừng, bà sẵn sàng hiến thân thể con để người khác được sống. Sự hy sinh của người mẹ ấy thật khó để diễn tả bằng lời”, ông Phúc nói.
1 người chết có thể cứu 8 người sống “Theo thống kê của Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, mỗi năm có khoảng 10.000 người chết vì tai nạn giao thông. Chỉ cần 1% trong số người chết đó đăng ký hiến tạng thì có thể cứu sống được hàng ngàn người khác. Bởi 1 người chết não có thể hiến được toàn bộ nội tạng và có thể cứu được 8 người khác. Trên thế giới, có đến 90% số tạng được lấy từ người chết não, còn ở Việt Nam thì ngược lại - có đến 90% tạng được lấy từ người hiến sống”, ông Phúc cho biết. |