Theo Wall Street Journal, NATO tuyên bố, đề xuất này là một phần trong chương trình nghị sự sâu rộng của NATO nhằm bàn về những biện pháp đáp trả dài hạn trong bối cảnh Nga ngày càng quyết đoán.
Đề xuất đề nghị triển khai 4.000 binh sĩ tới Đông Âu nằm dưới sự chỉ huy trực tiếp của NATO trong thời bình. Trong đó, các tiểu đoàn từ 800 đến 1.000 binh sĩ sẽ được triển khai đến Ba Lan, Lithuania, Latvia và Estonia.
Một phát ngôn viên NATO cho biết, liên quân muốn củng cố khả năng phòng thủ ở phía Đông bằng việc tạo ra một lực lượng luân phiên và 6 trung tâm chỉ huy quy mô nhỏ trong khu vực cũng như chương trình huấn luyện, tập trận chuyên sâu.
Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận chung.
Theo đó, nếu kế hoạch trên được thông qua, Anh – hiện triển khai 150 binh sĩ tại các nước vùng Baltic sẽ phải chấp nhận để lực lượng này nằm dưới quyền chỉ huy và điều động của NATO.
Động thái trên được cho là nhằm giúp NATO gửi “thông điệp” tới Moscow rằng, liên minh quân sự này có khả năng điều phối tốt và cam kết bảo vệ hầu hết các quốc gia thành viên.
“Động thái trên được đưa ra nhằm chuyển đến Nga thông điệp rằng, NATO nghiêm túc về việc: Họ sẽ bảo vệ các vùng lãnh thổ NATO”, cựu Đại sứ Mỹ Steven Pfifer bình luận.
Tuy nhiên, NATO cũng có kế hoạch ít tham vọng nhất sẽ là triển khai một tiểu đoàn duy nhất tới khu vực.
Trước đó, một số nước Baltic như Ba Lan, Estonia, Lithuania, Latvia đang kêu gọi NATO tăng cường hiện diện trong khu vực để chống lại những mối đe dọa tiềm năng từ Nga.
Tuy nhiên, một số nước khác, bao gồm Đức, được cho là đang tỏ ra thận trọng với việc triển khai binh sĩ ồ ạt tới gần biên giới Nga vì quan ngại sự đáp trả từ Nga đối với những động thái như vậy.
Trả lời phỏng vấn của tờ Wall Street Journal, các nhà ngoại giao cũng như các quan chức quân sự đều cho rằng, động thái này chắc chắn sẽ chọc giận Moscow. Nga đã nhiều lần tuyên bố xem NATO là mối đe dọa an ninh và Tổng thống Vladimir Putin từng cảnh báo NATO đang đẩy mạnh bành trướng tới Đông Âu kể từ cuộc khủng hoảng Ukraine.
Theo đó, các nhà quan sát tin rằng, Moscow sẽ xem việc triển khai một đội quân đông đảo tới các khu vực biên giới là hành vi vi phạm một thỏa thuận được ký vào năm 1994 ngăn cấm các động thái như vậy.
Maria Zakharova, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga cho biết, giới chức trách nước này sẽ xem xét cẩn thận thông tin trước khi đưa ra bất cứ phản ứng nào.