Các đại biểu thảo luận tại hội nghị.
Ông Nguyễn Bá Ngãi - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết trong số 10 vấn đề đã được thống nhất, có một số điểm quan trọng đã được thống nhất:
Thứ nhất, các nước thống nhất rằng Indonesia cần phải có những nỗ lực quyết liệt hơn nữa trong việc giải quyết tình trạng khói mù hiện nay, đồng thời xử lý nghiêm minh nạn chặt phá rừng.
Thứ hai, các nước thành viên cam kết hỗ trợ và hợp tác để giải quyết vấn đề khói mù xuyên biên giới, đặc biệt là 3 nước Indonesia, Singapore, Malaysia cần có những ký kết song phương nhằm cùng phối hợp giải quyết.
Thứ ba, để xử lý hiên tượng thời tiết El Nino sẽ xảy ra sắp tới, Trung tâm khí tượng Đông Nam Á cần cung cấp thông tin nhanh nhất, kịp thời nhất để các nước thành viên nhanh chóng lên phương án ứng phó. Cần tăng cường hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc để xử lý khói mù”.
Trước đó, trong sáng 29.10, tại Hội nghị lần thứ 11 các quốc gia thành viên tham gia Hiệp định ASEAN về kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới (COP 11) do Bộ NN&PTNT chủ trì tổ chức tại Hà Nội, nhiều đại biểu quốc tế đã nhận định, tình trạng ô nhiễm khói mù xuyên quốc gia trong thời gian gần đây là nghiêm trọng nhất lịch sử ASEAN.
Thời gian qua, hàng loạt các quốc gia khu vực Đông Nam Á đang phải đối mặt với tình trạng khói mù, một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là do cháy rừng tại Indonesia. Khói mù từ những vụ cháy rừng ở nước này đã nhanh chóng lan sang các nước láng giềng Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia, Singapore và thậm chí cả Thái Lan, Brunei, Việt Nam. Theo phân tích của các chuyên gia, tình trạng khói mù ở khu vực Đông Nam Á sẽ tiếp tục kéo dài sang quý 1.2016.
Hiện nay khói dày đặc phủ kín 6 tỉnh của Indonesia, ít nhất 25,6 triệu người hít phải khói mù và hàng chục nghìn người điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp. Các trường học đóng cửa, các chuyến bay bị hủy. Các nước Malaysia, Singapore, Philippines cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.