Theo quy chuẩn quy hoạch đô thị, khoảng cách từ khu nghĩa trang đến khu dân cư tối thiểu phải là 1,5km. Thế nhưng, tốc độ đô thị hóa ở Hà Nội đang diễn ra nhanh khiến những nghĩa trang xưa kia nằm tách biệt, cách xa làng xã nay lẩn khuất, xen kẽ trong những khu dân cư đông đúc.
Nằm ở giữa ngã 3 đường Lê Văn Lương – Nguyễn Tuân – Hoàng Minh Giám, nghĩa trang Quán Dền (phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) đã tồn tại hàng trăm năm với diện tích hơn 11ha.
Ông Nghênh, quản trang của nghĩa trang Quán Dền cho biết, ngày trước nghĩa trang rộng hơn nhưng sau khi thành phố thu hồi đất làm đường và các khu đô thị, nghĩa trang bị thu hẹp lại. Hiện nghĩa trang có hơn 5.000 ngôi mộ, trong đó mộ chôn khô là hơn 4.000 ngôi và mộ xây nhưng chưa có di cốt khoảng 1.000 ngôi.
“Nghĩa trang có từ xa xưa nên các ngôi mộ chôn tự phát ở khắp nơi. Đường đi lối lại như mê cung, đến tôi nhiều khi còn bị lạc. Nhiều gia đình đi làm ăn xa lâu ngày về viếng mộ người thân phải mất hàng giờ đồng hồ mới tìm thấy mộ”, ông Nghênh chia sẻ.
Cũng theo ông Nghênh, chỉ những người dân có hộ khẩu ở trên địa bàn phường, quận mới được chôn cất ở nghĩa trang Quán Dền.
Nằm sâu trong con ngõ 68/123 đường Cầu Giấy (phường Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội), một nghĩa trang tự phát với hơn 200 ngôi mộ nằm xen kẽ trong khu dân cư đông đúc.
Nhiều ngôi mộ nằm ngay sát nhà dân, chỉ cách nhau một bức tường.
Nhiều gia đình mở cửa ra là thấy mồ mả. “Chúng tôi ở đây lâu rồi nên cũng thành thói quen, không sợ gì cả”, một người dân chia sẻ.
Theo những người dân sinh sống ở đây, nghĩa trang này đã tồn tại được hơn 20 năm. Khu nghĩa trang không có tường bao xung quanh, nhiều ngôi mộ nằm thụt thò sát mép đường gây nguy hiểm cho người dân trong việc đi lại.
Nghĩa trang Láng Hạ thuộc Hợp tác xã Thương mại Láng Hạ nằm trên đường Vũ Ngọc Phan (Đống Đa, Hà Nội) với quy mô hơn 1.000 ngôi mộ.
Ông Phạm Duy Thanh (66 tuổi), quản trang nghĩa trang Láng Hạ cho biết, ngày trước xung quanh nghĩa trang chỉ toàn là ruộng đồng. Sau này, thành phố cho quy hoạch xây nhà, xây các khu chung cư... nhưng không cho di dời các ngôi mộ nên nghĩa trang nằm lọt thỏm giữa những khu nhà.
Cũng theo ông Thanh, hiện nghĩa trang không còn cho chôn cất nữa mà chỉ khuyến cáo các gia đình chuyển đi.
Nghĩa trang nằm ở rất gần khu dân cư, chỉ cách một con ngõ rộng chừng 2 mét. Khu nghĩa trang được xây tường bao và gắn thêm rào chắn bằng sắt để ngăn cách với bên ngoài.
Một nghĩa trang lâu đời nằm sát với khuôn viên chùa Láng, phố Chùa Láng (Đống Đa, Hà Nội).
Hàng ngàn ngôi mộ được chôn cất tự phát nằm lọt thỏm giữa những khu dân cư đông đúc.
Nghĩa trang không có tường bao xung quanh. Những ngôi mộ nằm sát đường ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
Thành phố Hà Nội hiện có nhiều nghĩa trang lớn đã được quy hoạch như Văn Điển, Yên Kỳ - Vĩnh Hằng, Mai Dịch, Thanh Tước… song đều đã nằm trong tình trạng quá tải. Bên cạnh đó, Hà Nội còn đang tồn tại hàng nghìn nghĩa trang nhân dân với diện tích từ vài trăm đến hàng nghìn mét vuông nằm lọt thỏm giữa khu dân cư. Việc này không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn ảnh hưởng tới môi trường sống của người dân. Theo báo cáo Quy hoạch nghĩa trang Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050 của Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội (4.2014), các nghĩa trang phân tán có quy mô nhỏ, không đảm bảo cách ly an toàn vệ sinh môi trường hoặc không nằm trong quy hoạch sử dụng đất nghĩa trang sẽ phải đóng cửa, di chuyển các mộ phần đến nghĩa trang tập trung ở các vùng theo quy hoạch. Đối với các nghĩa trang hiện có nằm trong khu vực phát triển đô thị, khi có kế hoạch lấy đất phục vụ nhu cầu phát triển đô thị sẽ được di chuyển đến các nghĩa trang tập trung gần nhất hoặc các nghĩa trang phục vụ quy tập mộ di chuyển. Chấm dứt tình trạng chôn cất phân tán, tự phát. |