Ngày 30.10, Viện Khoa học Lao động và Xã hội công bố bản tin cập nhật thị trường lao động quý II/2015. Bản tin cho thấy tỷ lệ thất nghiệp chung đã giảm, tuy nhiên số lượng người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp vẫn tiếp tục tăng.
Cụ thể, trong 3 tháng giữa năm, cả nước có hơn 1.144 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, giảm 15.000 người so với quý I/2015. Số lao động trình độ đại học, sau đại học là hơn 199.000 người, tăng 22.000 người.
Trong khi đó, số liệu thống kê lao động đã qua đào tạo cho thấy, lao động trình độ đại học trở lên có 4,47 triệu người, chiếm tới hơn 41%. Trình độ cao đẳng có 1,61 triệu người (14,9%), trình độ trung cấp có 2,92 triệu người (27,1%), trình độ sơ cấp có 1,77 triệu người (16,3%).
Thí sinh chen chúc nộp hồ sơ thi vào Chi cục thuế Hà Nội
Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động Xã hội, tỷ lệ lao động trình độ đại học thấp nghiệp tăng là do quy mô tuyển sinh đại học quá cao so với nhu cầu lao động.
Nếu Việt Nam phấn đấu trở thành một nước có thu nhập trung bình vào năm 2020 thì cơ cấu nhân lực theo trình độ cao đẳng trở xuống phải chiếm tỷ lệ lớn hơn đại học.
“Năm vừa qua, số học sinh sau khi tốt nghiệp khoảng 800 ngàn em thì có trên 600 ngàn em đạt số điểm trên 12 và có thể vào đại học. Với cơ cấu đào tạo như vậy không thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến số lao động có chuyên môn kỹ thuật, đặc biệt là trình độ đại học gia tăng”, bà Hương nói.
Qua những số liệu khảo sát, bà Hương cho hay, những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều chủ yếu ở nhóm lao động có chuyên môn kỹ thuật bậc giáo dục nghề nghiệp.
“Hiện nay, đang có khoảng trống rất lớn giữa trình độ đào tạo và thị trường lao động mong muốn. Với phân luồng đại học mà 12 điểm đã trúng tuyển, có thể chúng tôi phải thay đổi tên gọi người có trình độ đại học thành người có bằng đại học”, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động Xã hội nói.