Tiến sĩ Trịnh Thị Linh (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn) chia sẻ như vậy tại tọa đoàm “Những tuyệt chiêu dạy trẻ” nhân dịp ra mắt bộ sách mới nhất trong Tủ sách Làm cha mẹ: “Những tuyệt chiêu dạy trẻ tư duy” và “Những tuyệt chiêu chuyện trò với trẻ” của NXB Kim Đồng, tổ chức sáng 30.10 tại Hội sách Mùa thu 2015. Tọa đàm có sự tham gia của đông đảo các bậc cha mẹ và độc giả.
Làm thế nào để mối quan hệ của con trẻ với bố mẹ trở nên “ấm lại”? Bố mẹ đã thực sự hiểu con cái hay chưa? Sách nuôi dạy trẻ giúp ích gì cho các ông bố, bà mẹ? Đó là những câu hỏi mà tọa đàm “Những tuyệt chiêu dạy trẻ” hướng đến.
Các chuyên gia tại tọa đàm “Những tuyệt chiêu dạy trẻ”
Theo các chuyên gia, không phải ông bố bà mẹ Việt nào cũng hiểu và lắng nghe con hoàn toàn. Những rào cản về tâm lý, cách ứng xử hàng ngày của các bậc phụ huynh đã làm cho khoảng cách giữa bố mẹ và con cái trở nên xa dần.
Có một kênh thông tin tham khảo như các loại sách viết về tuyệt chiêu nuôi dạy, trò chuyện với trẻ lại ít được chú ý đến, nhất là đối với những ông bố.
“Các ông bố thường nói không có thời gian đọc sách về nuôi dạy trẻ, lấy cớ để không đọc nhưng chúng ta có thể tìm cách lồng ghép từ thực tế. Ví dụ như khi các bà mẹ đọc sách nếu thấy tình huống nào giống với những trường hợp từng xảy ra với gia đình mình thì có thể gợi ý cho các ông bố đọc. Đó là khi các ông bố biết có thể tìm thấy thông tin ở đâu”, tiến sĩ Trịnh Thị Linh chia sẻ.
Tại buổi tọa đàm, các vị phụ huynh cũng có dịp chia sẻ với các chuyên gia về cách nuôi dạy, trò chuyện với trẻ của gia đình mình. Theo Tiến sĩ ngữ văn Diêu Thị Lan Phương, đồng hành với con từ lúc bé cho đến lúc lớn là phương pháp hay nhất rút ngắn khoảng cách bố mẹ - con cái, ví dụ như hành động hàng đêm đọc sách gần gũi cho con cũng khiến trẻ ít đề phòng với bố mẹ hơn. Khi con mắc sai lầm, không nên quát mắng con mà nên tìm cách định hướng cho con và minh chứng cho con những điều đó là sai chứ không phải chỉ nói suông thiếu thuyết phục.
Những cuốn sách trong "Tủ sách Làm cha mẹ" là một kênh thông tin bổ ích cho các bậc phụ huynh
Tiến sĩ tâm lý học Trịnh Thị Linh đồng tình với quan điểm này. Chị cho rằng nếu không nói những câu tích cực, nhẹ nhàng, tạo cho trẻ niềm tin thì trẻ sẽ làm ngược lại.
“Các bậc cha mẹ hay nghĩ ra những khuôn khổ như ‘không được thế này, không được thế kia’, không nói những câu tích cực, trẻ sẽ làm ngược lại”, Tiến sĩ Linh chỉ ra.
Tuy nhiên, phải biết lúc nào nên “mềm”, lúc nào nên “rắn” với trẻ bởi nếu lúc nào cũng mềm, trẻ sẽ mặc định là đòi cái gì cũng được và trở nên… nhờn.
"Việc làm bạn với con qua những cuộc hội thoại rất quan trọng. Thay vì sử dụng những câu hỏi đóng như “Hôm nay con học có tốt không?” thì có thể hỏi câu hỏi mở “Hôm nay con học thế nào” khơi gợi để trẻ nhiều hơn với chúng ta. Bởi câu hỏi đóng sẽ khiến cuộc hội thoại của bố mẹ và trẻ kết thúc nhanh chóng", Tiến sĩ Linh chia sẻ thêm.
"Tủ sách Làm cha mẹ" của NXB Kim Đồng tập trung vào dòng sách kiến thức kĩ năng nuôi dạy con cái, hướng dẫn chăm sóc trẻ và sinh hoạt hàng ngày, trò chuyện với trẻ… như: Nửa tiếng trở thành bà mẹ tuyệt vời, Nhật kí bằng tranh của mẹ Cháo quẩy, Cẩm nang sinh hoạt bằng tranh cho bé, Mẹ hỏi bé trả lời, Những tuyệt chiêu dạy trẻ tư duy, Những tuyệt chiêu chuyện trò với trẻ… Thạc sĩ Hoàng Thanh Thủy – Trưởng ban Biên tập sách Khoa học (NXB Kim Đồng) cho biết: "Tủ sách Làm cha mẹ" không chỉ dành cho cha mẹ nói riêng mà dành cho tất cả những ai quan tâm tới sự phát triển của trẻ. Đây là một công cụ bổ trợ để cha mẹ nuôi dạy con tốt hơn, bồi đắp thêm tình cảm gia đình. Bộ sách sẽ giúp các bậc phụ huynh củng cố phương pháp nuôi dạy con. |