Đã lây lan vào nhiều tỉnh
Theo Cục Thú y, thời gian qua, dịch cúm gia cầm bắt đầu tái phát tại một số tỉnh, thành phố, chủ yếu ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ. Về cơ bản, virus cúm H5N1 nhánh 1 vẫn lưu hành tại các tỉnh khu vực phía Nam và virus H5N1 nhánh 2.3.2.1 lưu hành ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.
Hiện chưa có vaccin để ngăn ngừa hiệu quả virus cúm gia cầm mới (ảnh minh họa). |
Tuy nhiên, kết quả giải trình tự gien một số mẫu virus từ các ổ dịch gần đây, cơ quan thú y đã phát hiện một nhóm virus H5N1 mới, tuy vẫn thuộc nhánh 2.3.2.1 nhưng có sự khác biệt với những virus 2.3.2.1 (nhóm A và B) gây bệnh năm 2011, được các nhà khoa học đặt tên là 2.3.2.1 (nhóm C).
Theo nhận định của lãnh đạo Cục Thú y, nhóm virus này có khả năng mới xâm nhập vào Việt Nam và gây ra các ổ dịch tại một loạt các tỉnh như: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.
Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Văn Tùng- Phó Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Thú y T.Ư (Cục Thú y) cho biết: “Nhóm virus này có sự phân bố rất rộng và nhanh trong thời gian rất ngắn suốt từ miền Bắc vào tới miền Trung. Về mặt phân loại tuy gọi là nhóm C, nhưng tương đối gần với nhóm A, nhưng chưa biết chính xác nguồn gốc của nhóm virus mới này lây lan từ đâu. Chúng tôi đang chuẩn bị các công việc để sắp tới tiến hành thí nghiệm tiêm phòng vaccin rồi mới xác định được”.
Theo ông Tùng, các chuyên gia dự đoán về mặt di truyền của nhóm virus mới cũng gần với nhóm A hơn là nhóm B, như vậy loại vaccin chúng ta đang sử dụng vẫn có khả năng phòng hộ được.
Về sự nguy hiểm của nhóm virus 2.3.2.1 C, ông Tùng cho biết: “Về cơ bản, tất cả các chủng virus cúm gia cầm H5N1 lúc nào cũng nguy hiểm, bởi chúng có khả năng lây lan sang người. Riêng đối với nhóm 2.3.2.1 C, mức độ nguy hiểm đến đâu chưa xác định được, vì hiện chúng tôi đang tiếp tục làm các bước xét nghiệm tiếp theo”. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thanh Sơn- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), có thể nhóm virus này xâm nhập vào nước ta qua con đường nhập lậu gà, vịt loại thải từ Trung Quốc trong thời gian vừa qua.
Không nên hoang mang
Cũng theo ông Tùng, mặc dù chưa có vaccin để tiêm phòng virus cúm gia cầm nhóm 2.3.2.1, song Cục Thú y cũng đang tiến hành sản xuất một loại vaccin tương tự là Re6 và đang trong quá trình thử nghiệm. Còn PGS-TS Nguyễn Viết Không- Phó Viện trưởng Viện Thú y cho rằng: “Muốn biết nhóm virus này có thực sự nguy hiểm hay không, chúng ta phải thử nghiệm trên tế bào của người mới tiên đoán được chính xác hơn. Nếu virus thực sự có khả năng lây nhiễm, mới là nguy hiểm”.
Cũng theo ông Không, thực ra tất cả các chủng virus vẫn có một số người nhiễm, nhưng theo quy định, chỉ khi có quá 20% số người được giám sát nhiễm cùng một nhóm virus, thì mới được coi là chủng mới. Riêng chủng 2.3.2.1, từ năm 2003 đến nay vẫn có người nhiễm, hiện quốc tế cũng chưa thấy công bố vì số người nhiễm còn ít.
“Trong trường hợp hiện nay, chưa có bằng chứng chứng minh nhóm virus mới này có nguy cơ như thế nào, nên chúng ta không nên quá hoang mang, vội vã công bố gây ảnh hưởng đến tâm lý của người dân” - PGS-TS Nguyễn Viết Không nói.
Để đối phó với chủng virus này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Diệp Kỉnh Tần đã yêu cầu Cục Thú y khẩn trương phân lập chủng virus cúm gia cầm mới được phát hiện: “Cục Thú y phải có chỉ đạo các trung tâm thú y vùng tới các vùng dịch lấy mẫu xét nghiệm và báo cáo kết quả. Nếu cứ để dịch tiếp tục lây lan sẽ rất phức tạp, chúng ta không được chủ quan, cần nhanh chóng triển khai các biện pháp dập dịch”.
Từng làm chết 3 người ở Trung Quốc
Biến thể mới của virus cúm gia cầm H5N1 có tên H5N1 -2.3.2.1 C được phân lập cực độc đã từng xuất hiện và hoành hành ở khu vực Đài Loan, Hongkong miền Nam Trung Quốc vào thời điểm cuối năm 2004. Điều đặc biệt lo ngại là chủng mới này kháng tất cả các loại vaccin hiện có và nguy cơ lây lan giữa người và người là rất cao. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết, ban đầu khi chủng mới này bùng phát đã giết chết 1.600 con gà và gây bệnh cho khoảng 5.500 con. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã không thể xác định chính xác nơi đầu tiên xuất hiện chủng H5N1 -2.3.2.1- C, nhưng có thể xuất phát từ một trang trại sản xuất ở Tân Cương. Trong một nỗ lực để dập dịch, cơ quan nông nghiệp Trung Quốc đã cách ly, khử trùng và tiêu hủy 156.439 con gà trong khu vực này.
Các báo cáo của Bộ Y tế Trung Quốc cũng cho biết, 3 trường hợp tử vong ở Thâm Quyến năm 2011 được xác định có chứa mầm bệnh của nhánh virus 2.3.2.1. Trong khi đó, ở Hongkong, các trường hợp nhiễm virus nhánh 2.3.2.1 này thường được phát hiện ở các loài chim hoang dã vào khoảng thời gian từ tháng 12 đến tháng 2. Trung Quốc rất dễ bị dịch cúm gia cầm vì nước này chăn nuôi tới 25% lượng gà, 87% lượng ngỗng và 65% vịt của toàn thế giới. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến nay, trên thế giới có 565 người bị nhiễm cúm A/H5N1 kể từ khi bệnh này được phát hiện ở người (2003) và 331 trường hợp trong số đó tử vong. Một số nơi từng phải đối mặt với cúm A/H5N1 là Bulgaria, Israel, Mông Cổ, Nepal, Romania…
Hiện Trung Quốc đang thử nghiệm loại vaccin chống lại nhánh 2.3.2.1 C.
Hạ Anh
Ngọc Lê