Sáng ngày 1.11, tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, FPT và nhà trường đã tổ chức chương trình “FPT CEO Talk” với chủ đề “You Can Make It Too” (Bạn cũng có thể làm được như tôi) thu hút sự tham dự của gần 400 sinh viên. Khách mời của chương trình là 4 cựu sinh viên Trường ĐH KHTN TP.HCM.
Cụ thể, 4 diễn giả bao gồm: Ngô Duy Khang (Giám đốc thị trường Pháp), anh Đoàn Nguyễn Minh Tuệ (Giám đốc Trung tâm Phần mềm số 2 - đơn vị chuyên thị trường Mỹ), chị Lê Thu Hà (Quản trị dự án cho đối tác Criteo - tập đoàn được mệnh danh là Google châu Âu) và Nguyễn Đình Vĩnh An (một trong những quản trị dự án trẻ nhất tại FPT Software).
Các diễn giả là những chuyên gia CNTT đã thành công khi còn rất trẻ.
Chương trình hướng đến việc khuyến khích, khích lệ các sinh viên hãy chấp nhận thử thách, nỗ lực theo đuổi đam mê để sớm đạt được thành tựu như những diễn giả tham gia sự kiện. Chương trình được tổ chức trong khuôn khổ sự kiện “Ngày hội sinh viên và doanh nghiệp 2015” của trường ĐH KHTN TP.HCM.
Tại sự kiện, các khách mời đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tế, đặc biệt là những kinh nghiệm làm việc trong môi trường quốc tế mà chính họ đã trải nghiệm, đồng thời định hướng nghề nghiệp cho các bạn sinh viên.
Chia sẻ của anh Ngô Duy Khang: “Tích cực tham gia các hoạt động đoàn hội khi ngồi trên ghế nhà trường”
Trong quá trình học ĐH ở Trường ĐH KHTN TP.HCM, anh tích cực tham gia công tác đoàn hội. Đây là điều anh luôn tự hào và tâm đắc bởi chính việc tham gia các hoạt động này giúp cho anh rèn luyện óc tổ chức, có được nhiều kỹ năng mềm, tự tin mạnh dạn hơn các bạn cùng lứa. Đặc biệt là tạo ra mạng lưới quan hệ rất tốt mà sau này khi đảm nhận vị trí quản lý đã giúp cho anh giải quyết được nhiều vấn đề khó khăn.
Để mau chóng đạt được thành công trong công việc, anh cũng khuyên các bạn sinh viên hãy đầu tư thời gian công sức đào sâu vào các môn chuyên ngành và không quên học ngoại ngữ. Bất cứ ngôn ngữ nào bạn yêu thích, không cần theo xu hướng nhưng hãy nhớ bạn không chỉ học ngôn ngữ mà hãy học cả nên văn hoá với cả những tiếng lóng, thành ngữ… đó là bí quyết đưa bạn đến gần hơn với cả con người, ngôn ngữ ấy.
Chia sẻ của anh Đoàn Nguyễn Minh Tuệ: “Môi trường rèn luyện kỹ năng là ở xung quanh ta”
Anh Minh Tuệ chỉ tốt nghiệp loại khoá, không tham gia hoạt động công tác đoàn đội, tốt nghiệp muộn hơn sinh viên cùng lứa 2 năm, còn có một năm chỉ đi du lịch và khám phá cuộc sống... Vậy điều gì đã giúp anh được những tập đoàn lớn tại Singapore, Mỹ săn đón?
Theo anh Tuệ, kỹ năng mềm không chỉ bó hẹp ở trường mà còn là ngoài xã hội. Cứ bước ra khỏi trường học là một trường học khác rộng lớn hơn. Bạn cũng có thể quan sát học hỏi ở bất kỳ hoạt động nào của cuộc sống. Từ việc gửi xe cũng nói cho bạn biết người đó có tính cách thế nào, điểm yếu mạnh ra sao… Cũng chính quan điểm này đã đưa anh đi đến quyết định gác lại công việc giảng viên trường NIIT, dành một năm chỉ để đi du lịch, trải nghiệm tiếp xúc với nhiều người ở nhiều tầng lớp, nghề nghiệp khác nhau.
Cũng chính nhờ sự nhạy bén, hiểu người hiểu ta đã giúp anh mạnh dạn nộp hồ sơ vào một tập đoàn lớn của Singapore. Vượt qua rất nhiều ứng viên sáng giá tại Singapore, anh đã được tập đoàn này tuyển dụng chỉ trong vòng một tuần sau đó.
Cũng nói về kinh nghiệm để được ra nước ngoài làm việc, anh khuyên các bạn sinh viên không chỉ học tấp tiếng Anh mà cần linh hoạt, nhạy bén với những điều mới mẻ, công nghệ mới. Theo anh, các bạn trẻ sinh viên ngành CNTT hãy cố gắng nắm bắt và dẫn đầu những xu hướng công nghệ mới dự kiến sẽ phát triển rất mạnh trong 5 năm tới là SMAC, IoT (Internet of Things). Bạn không cần phải loay hoay suy nghĩ cứ phải là lãnh đạo, phải là kinh doanh, quản lý… mới có nhiều tiền. Bạn chỉ cần là một kỹ sư CNTT giỏi, tiền lương của bạn thậm chí còn hơn.
Anh cũng chia sẻ kinh nghiệm đi phỏng vấn. Với sinh viên ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm thì việc thể hiện thái độ cầu tiến, thực sự mong muốn học hỏi, làm việc sẽ quan trọng hơn kinh nghiệm, kỹ năng của bạn. Ứng viên cũng đừng quên để lại ấn tượng đầu tiên với nhà tuyển dụng là một nụ cười.
Thẳng thắn chia sẻ bí quyết có được mức lương tốt hoặc để được tăng lương nhanh, anh cho biết, đầu tiên là cống hiến. Mỗi ngày một chút nhưng hãy làm việc của ngày hôm nay tốt hơn hôm qua. Cứ mỗi tháng, mỗi năm, đến kỳ xét lương bạn hoàn toàn có thể báo cáo lại với lãnh đạo để tự tin xin một mức lương tương xứng với cống hiến của bạn.
Chia sẻ của chị Lê Thu Hà: "Cần hiểu biết văn hóa nước bạn"
Từng làm việc với nhiều đối tác nước ngoài, chị Hà đưa ra lời khuyên cho các bạn sinh viên khi sang nước ngoài làm việc: Ngoài chuẩn bị giấy tờ hợp pháp thì hãy chuẩn bị vốn hiểu biết về những điểm tương đồng và khác biệt trong nền văn hoá của nước bạn. Nếu vượt qua được sự khác biệt này bạn sẽ tồn tại tốt hơn.
Chia sẻ của anh Nguyễn Đình Vĩnh An: "Cẩn thận từng việc nhỏ nhất"
Anh An chia sẻ cảm giác đầu tiên khi vào làm dự án với đối tác Nhật Bản là cực kỳ áp lực, vì họ vô cùng cầu toàn, năng suất làm việc cao hơn người Việt trung bình 3 lần.
Theo anh An, ngược lại người Nhật có tính hợp tác và chia sẻ rất cao. Họ sẵn sàng chỉ dạy, chia sẻ kinh nghiệm cho đối tác. Đây là điều rất quý giá cho các sinh viên mới ra trường. Hơn nữa, cần thích nghi với tính cẩn thận, cầu toàn của người Nhật từ những việc rất nhỏ, như trước khi lưu tập tin phải để chế độ phóng to/thu nhỏ 80%, rê con chuột đến góc trái màn hình…
Anh An cho biết thị trường Nhật đang rất thiếu các kỹ sư cầu nối có trình độ CNTT và khả năng nói tiếng Nhật. Học ngôn ngữ này không khó, ai cũng có thể học.