Dân Việt

Tái cơ cấu để cạnh tranh và hội nhập

Ngọc Lê 02/11/2015 14:47 GMT+7
Nông nghiệp Việt Nam trong những năm qua dù đã có bước tăng trưởng tốt, song tốc độ tăng trưởng đang có dấu hiệu giảm dần, với chỉ 2,7% vào năm 2013. Nguyên nhân chủ yếu do sản phẩm nông sản thiếu sức cạnh tranh, giá trị xuất khẩu chưa cao, sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ… Vì vậy, tái cơ cấu là việc bắt buộc phải làm.

LTS: Ngày 10.6.2013, Thủ tướng đã ký quyết định ban hành  “Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Để phục vụ tốt hơn cho việc truyền tải chủ trương này, cũng như những thông tin, nội dung về việc thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu thời gian qua và tới đây của ngành nông nghiệp; được sự phối hợp của Bộ NNPTNT, bắt đầu từ số báo này Báo Nông Thôn Ngày Nay mở chuyên trang ra hàng ngày “TÁI CƠ CẤU NÔNG NGHIỆP”.

Bạn đọc, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong cả nước có nhu cầu đóng góp ý kiến, hiến kế thực hiện việc tái cơ cấu, xin vui lòng gửi bài, ý kiến, xin vui lòng liên hệ và gửi bài cho tòa soạn theo địa chỉ: Báo Nông Thôn Ngày Nay, 13 Thụy Khuê, Hà Nội; hòm thư điện tử: ntnnhn@gmail.com- ĐT: 04.38474245.

img

Thu hoạch cá tra ở An Giang .Ảnh: Đ.D

Thay đổi để hội nhập

Đánh giá về việc thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát nhận định: “Thực tế, chúng ta đã bước vào một giai đoạn không thể tiếp tục làm theo cái cũ, mà bắt buộc muốn tiếp tục phát triển và cạnh tranh có hiệu quả trong điều kiện hội nhập sâu rộng quốc tế, chúng ta phải thực hiện các biện pháp làm thay đổi những yếu tố có tính chất cơ cấu của nền nông nghiệp. Trong 5 năm vừa qua, chúng ta đã xác định rõ những chủ trương, những đường hướng, giải pháp và bước đầu bắt tay vào để thực hiện những giải pháp đó; đã tạo ra một nhận thức chung trong xã hội và bắt đầu có những chuyển động”.

Theo số liệu của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard), qua 1 năm thực hiện tái cơ cấu, ngành nông nghiệp đã đạt được một số kết quả nhất định như năm 2014, tăng trưởng ngành đạt tốc độ cao hơn: Giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,9%, tốc độ tăng GDP ngành đạt 3,49%, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra (3,27%).

Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ước đạt 30,86 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2013. Tuy nhiên, trong 10 tháng đầu năm nay, nhiều mặt hàng nông sản của nước ta đang gặp khó khăn cả ở trong nước và xuất khẩu. Ông Nguyễn Đức Kiên- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: “Tái cơ cấu nông nghiệp trong bối cảnh hiện nay là việc bắt buộc phải làm và nếu không làm, trong 2 năm nữa sẽ lĩnh hậu quả rất xấu khi Hiệp định TPP có hiệu lực và thậm chí ngay cuối năm 2015 này khi Cộng đồng kinh tế ASEAN có hiệu lực, chúng ta cũng bị cạnh tranh gay gắt với các nước trong khu vực”.

Theo phân tích của ông Kiên, so với Thái Lan, Philippines, Indonesia, có nhiều mặt hàng nông nghiệp trùng với nước ta, nên đa phần sản phẩm nông sản của chúng ta phải cạnh tranh ngay trong nội khối, chứ chưa cần chờ đến TPP có hiệu lực có thể vào năm 2018. “Vấn đề bây giờ là phải đặt ra biện pháp giải quyết một cách cụ thể, thiết thực, có địa chỉ chứ không phải cứ giao trên giấy, rồi mỗi địa phương làm một cách, không có ai chịu trách nhiệm. Đặc biệt, phải có một thời hạn cụ thể để tái cơ cấu, chứ không phải cứ kéo dài mãi được, mà càng kéo dài chúng ta sẽ thất bại”- ông Kiên nói.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, để chúng ta có thể cạnh tranh hiệu quả trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta cần phải tập trung cao hơn việc phát huy những lợi thế so sánh của đất nước chúng ta, trong đó phát triển những sản phẩm chúng ta có khả năng cạnh tranh tương đối cao như: Lúa gạo, cà phê, cao su, cá, tôm, hồ tiêu, hạt điều… “Để phát huy được một cách có hiệu quả những sản phẩm đó, chúng ta phải tập trung vào việc tổ chức lại sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết và làm cơ sở để thúc đẩy việc ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất các ngành hàng đó”- ông Phát cho biết.

Hai thách thức

Xây dựng xong 12 đề án chuyên đề
Trên cơ sở Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tới nay, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo xây dựng xong 12 đề án chuyên đề như các Đề án tái cơ cấu về trồng trọt, thủy lợi, lâm nghiệp, thủy sản, chăn nuôi... Tới nay hầu hết các tỉnh, thành cũng đã xây dựng đề án hoặc kế hoạch thực hiện tái cơ cấu. 

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, bước sang giai đoạn mới nền nông nghiệp nước ta đang đứng trước hai thách thức  lớn: Một, hội nhập kinh tế quốc tế và hai là phải ứng phó với những tác động ngày càng rõ nét hơn của biến đổi khí hậu.

Do vậy, ông Phát nhấn mạnh: “Toàn ngành cần phải có những nỗ lực mạnh mẽ để nâng cao khả năng cạnh tranh để nền nông nghiệp không chỉ đáp ứng dồi dào nhu cầu của nhân dân mà còn đem lại những lợi ích kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân nhanh hơn. Đồng thời, chúng ta chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu để nông nghiệp và đất nước chúng ta phát triển một cách bền vững.

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn- Viện trưởng Ipsard cho rằng, nền nông nghiệp nước ta đang đi đến cuối giai đoạn tiền chuyển đổi và chuẩn bị bước sang giai đoạn chuyển đổi và đô thị hóa. Đây là giai đoạn quan trọng và khó khăn nhất đối với chuyển đổi cấu trúc nông nghiệp, chuyển từ tăng trưởng theo số lượng sang chất lượng cùng với chuyển đối cấu trúc kinh tế nói chung để vượt qua bẫy thu nhập trung bình. “Trọng tâm chính sách tập trung vào các vấn đề liên ngành liên quan đến tự do hóa các thị trường đầu vào, hỗ trợ đầu tư của doanh nghiệp xây dựng liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp...”- TS Tuấn cho biết.

Theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, để thực hiện quá trình chuyển đổi thành công, trở thành một nước công nghiệp phát triển, trong giai đoạn tới, Việt Nam cần tiếp tục phát huy lợi thế về sản xuất nông nghiệp và lao động của mình mạnh hơn nữa. Giai đoạn dân số vàng chỉ còn 20 năm nữa để Việt Nam tận dụng. Năng suất lao động thấp của Việt Nam chỉ có thể được cải thiện nếu như lao động được rút mạnh ra khỏi nông nghiệp. “Với xu hướng phát triển công nghệ tiết kiệm lao động, công nghiệp càng ngày càng thâm dụng vốn, thì phát triển một nền kinh tế dịch vụ mạnh có thể là lối thoát cho lao động đang tắc lại trong nông nghiệp”- TS Tuấn nói.