Cổ vật… lưu kho
Bảo tàng Nghệ An hiện đang lưu giữ hơn 25.000 đơn vị hiện vật, trong đó có nhiều cổ vật thuộc loại quý hiếm như trống đồng, dao, tư liệu sản xuất bằng đồng được khai quật ở di chỉ khảo cổ vật Làng Vạc (Nghĩa Đàn, Nghệ An). Đây được di chỉ khảo cổ vật với những hiện vật được xác định là thuộc nền văn hóa Đông Sơn với hàng nghìn năm lịch sử. Bên cạnh đó, một khối lượng lớn các tiêu bản động, thực vật thể hiện dự đa dạng về tự nhiên của Nghệ An. Điều đáng nói là phần lớn cổ vật, hiện vật nói trên hiện đang được lưu kho mà không được trưng bày, bảo quản đúng quy định.
Sau 5 năm được phê duyệt Dự án trưng bày nội, ngoại thất Bảo tàng Nghệ An vẫn chưa hoàn thành.
Dẫn chúng tôi đi xem các kho lưu giữ hiện vật, chị Nguyễn Thị Mai – Trưởng phòng nghiên cứu, kiểm kê, bảo quản (Bảo tàng Nghệ An) không dưới một lần thốt lên: “Cứ như thế này thì các cổ vật, hiện vật hư hỏng mất. Theo quy định các hiện vật này phải bảo quản trong tủ kính, trưng bày trong phòng có điều hòa, phải được trang bị máy hút ẩm nhưng ở đây đến những thiết bị bảo quản tối thiểu ấy cũng không đủ”.
Phòng kho cất giữ hơn 20 trống đồng từ nền văn hóa Đông Sơn đến những trống đồng được phát hiện sau này nóng bức bởi chỉ có duy nhất một chiếc máy hút ẩm. Chiếc máy này có lẽ không thể thực hiện hết nhiệm vụ của mình, các cán bộ Bảo tàng phải sử dụng các túi hút ẩm đặt giữa các hiện vật. Những chiếc trống đồng có niên đại đến 2.500 năm nhưng chỉ được đặt trên các kệ gỗ, san sát nhau.
Những chiếc trống đồng có niên đại lên tới 2.500 năm được bảo quản trong điều kiện thiếu thốn, không đúng quy định.
“Những hiện vật này đã nằm trong lòng đất đến hàng nghìn năm nên khi đào lên đã vỡ, bong tróc, gỉ sét. Cùng với việc thiếu các thiết bị bảo quản nên bị oxy hóa. Những hiện vật này nếu hư hỏng thì sẽ không bao giờ có lại hoặc chỉ để cất kho như thế này thì giá trị của nó cũng sẽ bị giảm đi rất nhiều”, chị Mai cho biết tiếp.
Ở một kho khác, những viên gạch nung có tuổi đời từ vài trăm đến cả nghìn năm xếp dài trên kệ. Những chiếc muôi đồng, dao găm với nhiều họa tiết chạm khắc tinh xảo từ nền văn hóa Đông Sơn cũng chịu chung số phận. Đáng lo ngại hơn là hàng trăm tiêu bản động, thực vật quý hiếm thể hiện sự đa dạng của thiên nhiên xứ Nghệ cũng chỉ được chất đống trên các kệ tủ. Sự khắc nghiệt của thời tiết cộng với thiếu điều kiện bảo quản tối thiểu khiến những hiện vật này đang đứng trước nguy cơ bị hư hỏng, xóa sổ dần.
Ở một kho khác, hàng chục hiện vật về nghề dệt của đồng bào dân tộc Thổ ở miền Tây Nghệ An được cán bộ bảo tàng sưu tập về cách đây 30 năm nhưng cũng chỉ có thể chất đống vào một góc. Đặc biệt những bức tranh thêu có giá trị lớn về nghệ thuật, thể hiện lịch sử của nghề thêu Nghệ An cũng chỉ được lưu kho, xếp đống. Nhiều bức tranh đã bị bợt màu, rách hay mục nát…
Thiệt hại kép
Thoạt nhìn Bảo tàng Nghệ An là một tòa nhà bề thế nhưng thực chất mọi hoạt động của cán bộ, nhân viên chỉ diễn ra ở vài phòng phía sau và dãy nhà cũ. “Nhà xây xong chục năm rồi nhưng chúng tôi chưa chính thức được bàn giao để sử dụng”, ông Kiếm cho hay.
Với điều kiện bảo quản thiếu thốn.
Dự án xây dựng Bảo tàng Nghệ An gồm có 2 nội dung: Dự án xây dựng cơ bản nhà trưng bày có giá trị 11 tỷ, làm xong 2005 và Dự án trưng bày nội, ngoại thất Bảo tàng Nghệ An (mua sắm trang thiết bị bày biện). Riêng dự án trưng bày nội ngoại thất bảo tàng được phê duyệt vào ngày 18/6/2010 với tổng kinh phí 44 tỷ 200 triệu, thời gian thực hiện 3 năm, chủ đầu tư là Bảo tàng Nghệ An. Năm 2011, 2013 và nửa năm 2013, dự án này đã hoàn thành một số hạng mục như nhà 3 tầng, hệ thống xắc xi trưng bày, xây dựng nhà dịch vụ, sưu tầm một số tài liệu hiện vật, đặc biệt là tài liệu thể hiện sự đa dạng sinh vật học với kinh phí được giải ngân 11,5 tỷ đồng.
Từ tháng 6/2013, dự án này được chuyển cho Ban quản lý công trình dự án thuộc Sở Văn hóa – Thể thao – du lịch. Từ thời điểm đó đến nay dự án chỉ triển khai được một số hạng mục nhỏ không đáng kể. Do chưa hoàn thành, bàn giao sử dụng nhưng lại không được tiếp tục triển khai khiến nhiều hạng mục thuộc dự án xây dựng cơ bản nhà trưng bày bắt đầu xuống cấp, hư hỏng. Tường vữa bong tróc, nền nhà bị “đội” lên, cửa kính bị vỡ.
Những hiện vật lịch sử thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ chất đống trên nền nhà, kệ sắt.
“Dự án chậm hoàn thành đã gây ra lãng phí kép cực kỳ lớn. Thứ nhất, những hiện vật quý đã không được trưng bày, giới thiệu đến công chúng mà chỉ được cất kho như những thứ đồ cũ. Trong khi đó, hàng chục tỷ đồng đã được giải ngân cho 2 dự án lại không phát huy được hiệu quả, các công trình chưa được đưa vào sử dụng đã hư hỏng. Chúng tôi đã kêu nhiều rồi nhưng chưa có sự thay đổi”, ông Nguyễn Đức Kiếm cho biết thêm.
Các tiêu bản động thực vật gác trên nóc kệ.
Bên cạnh việc những hiện vật, cổ vật được sưu tầm qua các năm không đủ trang thiết bị bảo quản tối thiểu, trong khi căn nhà đồ sộ hơn chục tỉ đồng chưa được bàn giao sử dụng thì cán bộ, nhân viên Bảo tàng Nghệ An phải mất ăn, mất ngủ bảo vệ các cổ vật có giá trị lên đến hàng trăm, hàng tỷ đồng khỏi nạn trộm cắp. “Trước mắt thì chúng tôi chỉ có thể tăng cường thêm lực lượng bảo vệ để tuần tra, canh gác thôi”, ông Kiếm nói.