Magdy Samaan là một trong số ít các nhà báo tiếp cận được hiện trường vụ máy bay Nga rơi trên sa mạc ở bán đảo Sinai ngày 31.10.
Telegraph dẫn lời nhà báo này mô tả, hành lý của nạn nhân chất đống giữa sa mạc. Những chiếc vali bị vỡ khiến đồ đạc bên trong – chủ yếu là quần áo mùa hè văng ra bên ngoài. Bên trên đống hành lý có cả những món đồ chơi trẻ em và cả chiếc xe đẩy của một em bé xấu số nào đó.
Hành lý của các nạn nhân nằm la liệt giữa sa mạc Sinai (Ai Cập), nơi máy bay Nga rơi.
Gần đống hành lý, là xác chiếc phi cơ Nga gần như bị thiêu rụi. Những mảnh kim loại nằm rải rác ở một khu vực rộng lớn. Nhiều mảnh kim loại còn dính máu khô. Những cạnh sắc nhọn trên thân máy bay còn vướng vài mảnh quần áo của các nạn nhân…
Tuy nhiên, phần mũi chiếc Airbus A321 còn nguyên vẹn tới mức đáng kinh ngạc và nằm trơ trụi theo hướng thẳng đứng. Dù gió sa mạc thổi mạnh và liên tục, cũng không thể xua tan mùi tử khí nồng nặc khắp nơi.
Mũi chiếc phi cơ xấu số còn nguyên vẹn đáng kinh ngạc.
Trong những ngày qua, từng đoàn người đến và đi khỏi hiện trường. 100 chuyên gia Nga, được lực lượng ưu tú của quân đội Ai Cập bảo vệ cũng có mặt tại hiện trường máy bay rơi để làm công việc của họ, thu thập những gì còn lại để sớm tìm ra nguyên nhân dẫn đến thảm kịch cướp đi mạng sống của 224 người. Bộ trưởng từ cả Nga và Ai Cập cũng tới thị sát tình hình. Ngoài ra còn có những đoàn truyền hình. Tất cả mọi người đều thấy sốc trước những gì họ chứng kiến.
“Một phụ nữ sống gần đó nhìn thấy toàn cảnh phi cơ Nga rơi. Bà ấy cho biết, phi cơ lao xuống mặt đất như một quả cầu lửa. Ban đầu những người chứng kiến sự việc còn cho rằng, nó là sao băng”, Mohamed Hosni, một quan chức địa phương cho biết.
Người phụ nữ kể lại chuyện này cho chồng sau đó ông ấy đi đến doanh trại quân đội báo cáo những gì đã xảy ra. Trực thăng được điều động để tìm kiếm máy bay rơi nhưng họ gặp khó khăn ban đầu trong việc xác định vị trí.
Quần áo và đồ chơi trẻ em rơi ra từ những chiếc vali hỏng, nằm vương vãi trên mặt đất
Người Ai Cập đã hỗ trợ Nga trong thảm kịch này rất nhiệt tình. Họ cố gắng thắp điện tới hiện trường tai nạn để giúp tìm kiếm thi thể nạn nhân cũng như thu thập các mảnh vỡ máy bay trong đêm tối. Họ cũng mang nước và thức ăn bao gồm bánh mì kẹp và bánh sừng bò cho những chuyên gia Nga làm việc tại hiện trường máy bay rơi.
Trong khi đó, các nhà báo nhận được ít sự chào đón hơn tại hiện trường vụ tai nạn. Magdy Samaan chi biết, quân đội Ai Cập nghiêm cấm việc chụp ảnh các binh sĩ và cánh nhà báo chỉ có 10 phút để chụp ảnh mảnh vỡ máy bay.
Chiếc phi cơ Nga gần như đã bị thiêu rụi
Khi các phóng viên rời khỏi hiện trường, nhóm chuyên gia người Nga vẫn miệt mài làm việc. Họ đang nỗ lực giải mã nguyên nhân sự cố làm 224 người thiệt mạng. Một quan chức Ai Cập cho hay, các chuyên gia Nga đã mang theo đầy đủ các trang thiết bị để sẵn sàng cho khả năng sẽ phải bám lại hiện trường vụ máy bay rơi lâu dài…
Chiếc máy bay Airbus A321 mang số hiệu KGL9268 của hãng hàng không Nga Kogalymavia khởi hành từ thành phố Sharm el Sheikh (Ai Cập) và đang hướng tới thánh phố St Petersburg (Nga) thì biến mất khỏi màn hình radar vào lúc 6h14 ngày thứ Bảy 31.10 (theo giờ địa phương).
Chiếc máy bay bị rơi trên sa mạc gần thị trấn Hasna ở phía bắc của bán đảo Sinai. Toàn bộ 224 hành khách và phi hành đoàn, trong độ tuổi từ 10 tháng tuổi đến 77 tuổi đều thiệt mạng.
Hai hộp đen của chiếc phi cơ xấu số đã được thu hồi tại hiện trường, song các nhà điều tra vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra thảm kịch này. Bộ trưởng hàng không dân dụng Ai Cập Hossam Kamal cho biết, không có tín hiệu cầu cứu nào được phát đi từ chiếc phi cơ.
Tuy nhiên, trước đó, vào ngày xảy ra thảm kịch, các quan chức Ai Cập khác tiết lộ, các phi công của KGL9268 đã thông báo về những vấn đề kỹ thuật và yêu cầu được phép hạ cánh khẩn cấp tại sân bay gần nhất trước khi mất liên lạc với điều khiển không lưu.
Các chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Ai Cập đã lên tiếng nhận trách nhiệm bắn rơi phi cơ Nga. Tuy nhiên, phần lớn các chuyên gia tỏ ra hoài nghi về việc IS sở hữu loại vũ khí tinh vi đủ để bắn rơi KGL9268 đang bay ở độ cao hơn 9.000 m.
Một số người đặt giả thuyết IS cài đặt bom trên máy bay hoặc phá hoại nó bằng một cách thức nào đó. Tuy nhiên, giới chức trách Nga nhấn mạnh, hiện còn quá sớm để cho rằng, thảm kịch đã xảy ra là một vụ tấn công khủng bố.
Thảm kịch máy bay KGL9268 gặp nạn sẽ được điều tra bởi các chuyên gia đến từ các cơ quan hàng không Nga và Ai Cập. Ngoài ra, cuộc điều tra còn nhận được sự hỗ trợ từ một nhóm các chuyên gia thuộc Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu bởi máy bay Airbus được lắp ráp tại châu Âu cũng như Ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ vì các động cơ được sản xuất tại Mỹ.