Về mặt chương trình học, các môn văn, thể, mỹ trong nhà trường chưa hợp lý. Ở cấp 1 và cấp 2, văn, thể, mỹ được đưa vào học trong chương trình chính thức nhưng cấp 3 thì hoàn toàn vắng bóng. Trong khi đó, bước vào cấp 3, các môn học này mới bắt đầu phát huy thế mạnh và được ứng dụng nhiều trong thực tế cuộc sống.
Học cho đủ số tiết
Cách dạy các môn văn, thể, mỹ hiện nay của chúng ta hết sức bất cập. Tất cả học sinh đều học như nhau và phải thực hành những bài (hát, vẽ…) giống nhau trong khi mỗi em có một năng khiếu và sở thích khác nhau. Chưa kể, các em còn bị áp lực điểm số dẫn đến những bài thực hành không tự vẽ mà phải nhờ anh chị ở trường kiến trúc, mỹ thuật, thậm chí cả họa sĩ nghiệp dư, làm hộ.
Học sinh Trường THPT Nhân Việt trong một tiết mục văn nghệ tái hiện lịch sử. Ảnh: ĐẶNG TRINH
Khi chúng tôi phát phiếu thăm dò để tìm hiểu việc học các môn này trong nhà trường hiện nay, học sinh đã nêu những lý do rất chính đáng vì sao không thích môn mỹ thuật. “Yêu cầu của đề bài là được vẽ tự do theo chủ đề nhưng không hề tự do về chất liệu, trường phái. Cứ như thể mỹ thuật chỉ dừng lại ở giấy và bút vẽ, trong khi mỹ thuật còn là nhào nặn, điêu khắc” - một học sinh tên Thanh Tú nêu ý kiến.
“Với môn họa, các bài vẽ rất khó, nhất là vẽ chân dung và phóng to tranh ảnh. Chúng em phải đi nhờ, ngay cả dân chuyên nghiệp cũng sợ huống gì là học sinh” - một học sinh nêu thực tế. “Em thấy ở trường, em học nhạc, họa mục đích chỉ đủ số tiết do Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra; học thể dục thì không đủ dụng cụ, không gian để tập cho hiệu quả. Các nội dung trong sách thì quá cũ so với thực tế và tâm sinh lý lứa tuổi” - một học sinh khác nhận xét.
Các em còn cho biết nhiều học sinh thích đàn nhưng chương trình âm nhạc lại chỉ dạy hát. Bởi vậy, thay vì hứng thú, các em lại thấy áp lực. Chương trình yêu cầu học sinh phải làm thế này, thế kia mà không trang bị cho các em những kiến thức cơ bản để thực hiện, để thưởng thức âm nhạc hay hội họa.
“Xin hãy dạy cho chúng em hiểu biết về các nhạc cụ, về hòa thanh và cao độ, về phối màu và bố cục, về những kỹ thuật cơ bản của thể thao để chúng em vận dụng được vào thực tế cuộc sống” - em Minh Thanh đề nghị .
Bên cạnh đó, những môn tự nhiên quá nặng, quá căng thẳng, chiếm hết thời gian nên học sinh không còn bụng dạ và tâm trí để đi học những môn văn, thể, mỹ. Kết quả, các em học mỹ thuật phải đi nhờ vẽ, học âm nhạc nhưng không hát được bài nào nên hồn...
Lãng phí, vô ích?
Nền giáo dục của chúng ta quá nặng về lý thuyết và coi trọng các môn tự nhiên, thậm chí lấy các môn này để đánh giá năng lực học tập của các em. Học giỏi là phải giỏi các môn toán, lý, hóa. Các môn xã hội bị ra rìa; văn, thể, mỹ càng xa nữa, thậm chí còn bị coi là lãng phí.
Tâm lý học sinh và cả phụ huynh là “học kiến thức để đi thi mới quan trọng; vẽ, ca hát, nhảy múa chẳng giúp ích được gì cho tương lai mà chỉ thêm tốn thời gian nếu không phải là dân chuyên nghiệp”. Họ quên rằng mọi thứ chuyên nghiệp đều khởi nguồn từ những cái không chuyên. Còn học sinh thì lại có tâm lý sợ bị chê cười nếu hát không hay, nhảy không đẹp; sợ xấu hổ mà không dám thử sức, không dám thể hiện bản thân.
Giáo dục của ta đang trong tình trạng dạy và học để thi chứ không phải để trang bị kiến thức. Đương nhiên, những môn không thi, học sinh sẽ không học hoặc học cầm chừng để dành thời gian cho những môn sẽ thi.
Ngoài ra, cũng do trang bị về cơ sở vật chất của chúng ta hiện nay chưa đủ để đáp ứng yêu cầu của môn học nên các em không mặn mà. “Em không thích học thể dục vì chúng em phải học ngoài trời quá nắng, rất mệt. Học thể dục đồng nghĩa với việc phơi nắng. Môn thể dục là để vận động nhưng chúng em lại được vận động quá ít, hết đứng hoặc ngồi chờ đến lượt thầy gọi lên làm động tác. Cả giờ học, chúng em chỉ vận động trong vòng vài phút” - một học sinh thẳng thắn.
“Chúng em không được chọn môn mình thích. Học hát mà không có nhạc cụ để phục vụ cho môn học, chủ đề chán, không theo tâm lý và sở thích của chúng em mà theo sở thích của các thầy cô... Học như thể không phải để phát huy năng khiếu mà đang dập tắt năng khiếu của chúng em” - một học sinh tên Trần Hiền Vy băn khoăn.
Nên để học sinh tự chọn
Về mặt thời gian, qua khảo sát, rất nhiều học sinh đề nghị nên dành hẳn một buổi dạy môn tự chọn chứ không chỉ vài tiết. Học với tâm thế thoải mái, được tự do tìm hiểu và khám phá thì các em mới có thể yêu thích, say mê.
Theo các em, rất cần thiết phải đa dạng nhiều môn để học sinh có sự lựa chọn: cầu lông, bơi lội, bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, bóng bàn, đá cầu, quần vợt... Các em đã nêu ý kiến: “Nhà trường và thầy cô đừng chọn thay cho chúng em, đừng bắt tất cả học sinh với nhiều tính cách, khả năng đều học một môn như nhau”; “Học sinh phải được học môn mình yêu thích chứ không chỉ các bạn trong đội tuyển”; “Bao giờ ở các trường phổ thông có được những phòng dành riêng cho văn, thể, mỹ, lúc đó chúng em sẽ cảm thấy trường học là thiên đường”...
Học sinh cũng đề nghị tăng cường một số thiết bị cơ bản và cập nhật giáo trình mới của những nước tiên tiến trên thế giới, đừng để cái gì của chúng ta cũng tụt hậu, kể cả giáo dục thể chất. Việc học sinh cảm thấy nhàm chán cũng bởi giáo trình cũ cứ lặp đi lặp lại. Việc học văn, thể, mỹ nên để các em tự chọn theo sở thích và năng khiếu của mình.
Chừng nào những người làm giáo dục xem văn, thể, mỹ là những môn cần thiết cho sự phát triển nhân cách, thể chất và tâm hồn con người thì khi đó, những môn này mới được đặt ở vị trí đúng tầm của nó.