Chiều 31.10, bác sĩ người Singapore, ông Tan Jee Lim, cùng đại diện Bệnh viện Gleneagles tại TP HCM đã tổ chức buổi họp báo đánh giá kết quả sơ bộ quá trình chữa trị cho cầu thủ Võ Anh Khoa của SHB.Đà Nẵng, đồng thời thông báo toàn bộ chi phí phẫu thuật khoảng hơn 680 triệu đồng.
Thông tin này sẽ giúp trung vệ Quế Ngọc Hải của SLNA đỡ khổ hơn trong việc tìm kinh phí đền bù cho SHB.Đà Nẵng. Ngọc Hải phải lãnh phần “viện phí” này sau án phạt của Ban Kỷ luật VFF vì anh đã vào bóng nguy hiểm khiến đồng nghiệp bị đa chấn thương gối.
Nếu chữa trị ở Việt Nam, ca phẫu thuật của Anh Khoa chỉ tốn 200 triệu đồng.
Dù Quế Ngọc Hải và SLNA không muốn nói ra nhưng theo tìm hiểu từ những bác sĩ chuyên khoa đầu ngành ở Việt Nam cũng như từ một số cầu thủ từng gặp những chấn thương tương tự Anh Khoa, khoản ngoại tệ tương đương 680 triệu đồng không đáng phải “chảy” sang Singapore. “Nếu Anh Khoa đồng ý mổ tại TP HCM hoặc Hà Nội, cũng với những phương pháp nối dây chằng tương tự hoặc với phương pháp mới là tái tạo dây chằng “2 bó 4 đường hầm” đang được áp dụng rất thành công hiện nay, Khoa có thể chơi bóng trở lại sau 1 năm. Những chấn thương thể thao như thế này không còn là vấn đề khó với y học Việt Nam. Không những thế, chi phí còn thấp hơn một nửa so với đi nước ngoài chữa trị” - bác sĩ Trương Công Dũng của Bệnh viện Nhân dân 115, người từng mổ thành công cho rất nhiều cầu thủ, VĐV nổi tiếng ở Việt Nam, chia sẻ.
Phục hồi 70% Bác sĩ Tan Jee Lim là người đã trực tiếp phẫu thuật chấn thương cho Võ Anh Khoa ngày 2-10 tại Bệnh viện Gleneagles, thuộc Tập đoàn Y tế Parkway (Singapore). Ca phẫu thuật được tiến hành trong hơn 5 giờ, mở ra cơ hội cứu vãn sự nghiệp của Khoa. “Cơ hội trở lại bóng đá của Khoa chỉ 30% trước khi phẫu thuật nhưng hiện tại đã tăng lên 60%-70%, phụ thuộc vào quá trình hồi phục chức năng. Tôi chưa từng gặp chấn thương nào tệ như thế. Tôi đã xem pha bóng dẫn đến chấn thương của Khoa và không dám xem lại bởi nó quá ghê rợn” - bác sĩ người Singapore chia sẻ với giới truyền thông tại TP HCM chiều 31.10. |
Trước đây, y học thể thao Việt Nam vốn không được đánh giá cao, thậm chí có trường hợp một tài năng lớn của bóng đá Việt Nam phải sớm giải nghệ vì mổ không tốt, là Trần Minh Chiến. Sau Minh Chiến, còn có một số cầu thủ khác của tuyển Việt Nam cũng suýt phải giã từ sự nghiệp khi chữa trị trong nước như Việt Thắng, Hữu Thắng...
Tuy nhiên, trong khoảng 7 năm trở lại đây, những tiến bộ vượt bậc trong ngành y học thể thao Việt Nam đã được giới cầu thủ Việt ghi nhận và ủng hộ rất nhiều, phần vì chi phí thấp hơn hẳn phải ra nước ngoài chữa trị, phần vì uy tín, tay nghề của các bác sĩ trong nước đã “lên” rất nhiều. Đã có nhiều lời khuyên từ các cầu thủ cho rằng Anh Khoa nên mổ gối ở Việt Nam song do nhận được khuyến cáo từ phía bệnh viện của Singapore về mức độ nặng, có nguy cơ phải sớm giải nghệ nên Khoa và SHB.Đà Nẵng đã chọn sang Singapore chữa trị.
Điều này sau đó đã đẩy cả hai phía vào tình trạng khó xử, bị dư luận lên án. “Tôi có nhiều đồng nghiệp ra nước ngoài chữa trị, tốn kém rất nhiều tiền rồi về nước cũng phải giải nghệ. Bản thân tôi cách đây 3 năm cũng chấn thương nặng, phải mổ. Được bạn bè khuyên ra nước ngoài nhưng tôi từ chối, chọn mổ ở một bác sĩ trẻ giỏi nghề tại TP HCM. Sau đó, thấy tôi trở lại đầy sung mãn, nhiều đồng nghiệp hỏi, tôi đều khuyên nên mổ ở đó, chưa thấy ai sau khi mổ phải phàn nàn cả” - tiền vệ Tài Em của ĐTLA chia sẻ.
Với trường hợp phải trả hơn 680 triệu đồng để mổ trong khi trong nước chỉ khoảng hơn 200 triệu đồng, có lẽ không ít người cảm thấy tiếc cho cả Võ Anh Khoa lẫn Quế Ngọc Hải. Tuy vậy, vấn đề cốt lõi lại nằm ở việc Ngọc Hải từng tuyên bố muốn Anh Khoa được mổ ở môi trường tốt nhất. Chính điều này đã tác đồng phần nào tới việc Anh Hoa và SHB.Đà Nẵng quyết định sang Singapore điều trị.