Cụ thể, chiếc máy bay phản lực chở khách đầu tiên do Tập đoàn máy bay thương mại Trung Quốc (COMAC) vừa rời dây chuyền sản xuất và ra mắt công chúng hôm nay (2.11) tại Thượng Hải, gần sân bay quốc tế Pudong. Tham dự buổi lễ ra mắt trịnh trọng này có khoảng 4.000 quan chức chính phủ cùng nhiều khách quý khác.
Hàng nghìn quan khách chiêm ngưỡng C919 - chiếc phi cơ thương mại đầu tiên do Trung Quốc tự sản xuất.
Thị trường hàng không của Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng, song hoàn toàn phụ thuộc vào hai nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới Airbus và Boeing. Từ đó, chính phủ Trung Quốc quyết định đầu tư tự sản xuất máy bay chở khách để lợi nhuận thương mại từ ngành hàng không sẽ không chảy hết vào túi các nhà sản xuất máy bay thương mại nước ngoài.
Đối với Trung Quốc, chiếc C919 là “quả ngọt” trong ít nhất 7 năm nỗ lực của COMAC (một tập đoàn nhà nước, nằm dưới sự quản lý của Bắc Kinh) để giúp nước này bớt phụ thuộc vào hai gã khổng lồ trong ngành công nghiệp sản xuất máy bay, Airbus của châu Âu và Boeing của Mỹ. Thậm chí, C919 còn được Bắc Kinh kỳ vọng sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh xứng tầm của các phi cơ cùng loại có xuất xứ từ Airbus và Boeing.
C919 được kỳ vọng sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh xứng tầm của máy bay Boeing 737 và Airbus A320.
“Ngành công nghiệp vận tải hàng không Trung Quốc không thể phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu. Một cường quốc cần phải sở hữu phi cơ thương mại mang thương hiệu của riêng mình”, Giám đốc cơ quan hàng không dân dụng Trung Quốc Li Jiaxiang mạnh mẽ tuyên bố với hàng nghìn quan khách trong buổi lễ ra mắt C919 tại Thượng Hải.
Trong khi đó, Chủ tịch COMAC, ông Jin Zhuanglong tuyên bố: “Hoàn thành chiếc C919 là dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của ngành sản xuất máy bay Trung Quốc".
Lễ ra mắt C919 diễn ra hôm nay tại Thượng Hải.
C919 dài 39 mét với phần thân được sơn màu trắng còn phần đuôi màu xanh lá cây, có tầm bay lên tới 5.555 km. Tuy nhiên, nó sẽ không bay thử nghiệm năm nay như dự tính ban đầu mà lùi sang năm tới, ông Jin cho hay.
Trong khi đó, tờ China Daily đưa tin, chuyến bay thử đầu tiên của phi cơ này có thể sẽ diễn ra vào năm 2017.
Tuy C919 được sản xuất tại Trung Quốc, song các hãng nước ngoài vẫn đóng vai trò chủ chốt trong việc cung cấp hệ thống cũng như linh kiện, động cơ. Chẳng hạn, động cơ của C919 được nhập của CFM International, một liên doanh giữa General Electric (GE) của Mỹ và Safran của Pháp.
Mặc dù C919 được sản xuất tại Trung Quốc, song một số linh kiện và động cơ của nó vẫn được nhập từ các hãng nước ngoài.
Chi phí để sản xuất C919 vẫn chưa được tiết lộ. Tháng trước, Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc tuyên bố sẽ cho COMAC vay 7,9 tỷ USD để thực hiện các dự án chế tạo máy bay.
COMAC hiện có đơn đặt hàng 517 chiếc C919, phần lớn từ khách hàng trong nước. Trong nhóm khách hàng nước ngoài, City Airways của Thái Lan đã đặt tới 10 chiếc C919.
Tuy nhiên, dự kiến sẽ mất thêm nhiều năm nữa trước khi C919 được chuyển giao cho khách hàng. Các quan chức ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc cho hay, phi cơ C919 chỉ có thể được đưa vào phục vụ hành khách sớm nhất là vào năm 2019.
“Vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Còn rất nhiều thử nghiệm cần phải được thực hiện, như thử nghiệm tích hợp hệ thống, các chuyến bay thử... và tất nhiên, mọi thứ cần phải được chứng nhận”, ông Briand Greer, Chủ tịch của Honeywell Aerospace, khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhấn mạnh.
Trước đó, COMAC từng xuất loại phi cơ nhỏ hơn, tên là ARJ, với 78-90 chỗ ngồi. Loại máy bay này vẫn đang bay thử nghiệm và chờ giấy phép của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA). Họ cũng đang lên kế hoạch chế tạo máy bay thân rộng C929, hợp tác với United Aircraft (Nga).
Trung Quốc ước tính cần thêm 6.330 máy bay mới, trị giá 950 tỷ USD cho đến năm 2034, theo Boeing.