Ngay khi lúa hè thu vừa thu hoạch xong, chị Huỳnh Thị Hiền, thôn Xuân Hòa, xã Hành Thịnh đã tận dụng hơn 1 sào đất ruộng trống để trồng nấm rơm. Bởi vụ hè thu năm nay thời tiết thuận lợi nên chị Hiền trúng lúa lại được rạ.
Sẵn ruộng được nghỉ giao mùa gần 4 tháng, chị Hiền tập tành làm nấm rơm. “Thấy mọi người làm nên mình cũng thử. Được thì có nấm ăn, còn không thì cũng giúp ruộng bớt cỏ”, chị Hiền lý giải. Do chị Hiền “mát tay” chăm sóc mà nấm rất sai quả. Thế nên mỗi đợt hái (3 ngày) cũng được trên 10kg nấm. Với giá bán 40.000 – 60.000 đồng/kg thì mỗi vụ nấm kéo dài 1 tháng, chị Hiền cũng kiếm thêm được trên 2 triệu đồng.
Nông dân có thu nhập khá từ việc tận dụng nền đất ruộng để trồng nấm.
Không trồng nấm như chị Hiền, hộ anh Nguyễn Thanh Vinh và Nguyễn Nam ở thôn Long Bàn, xã Hành Minh lại hùn vốn mua trâu về vỗ béo. Hiểu rõ tính của trâu là sống bầy đàn, thích tự do đi lại ăn cỏ, lúa chét ngoài đồng nên anh Vinh, anh Nam cùng hai người bạn đầu tư mua trâu về thả khắp các đồng ruộng trong xã. “Trâu ăn rông ngoài đồng nhanh mập nên mình đỡ tốn thức ăn cũng như công chăn dắt”, anh Vinh cho hay. Thế nên sau 4 tháng được cỏ cây đồng ruộng vỗ béo… miễn phí, mỗi con trâu mang lại cho anh Vinh, anh Nam từ 3 – 5 triệu đồng tiền lãi. Dù lợi nhuận cao nhưng trở ngại cho những ai thích cách làm thêm này chính là vốn đầu tư ban đầu lớn và phải tìm được đầu ra.
Theo chia sẻ của anh Nguyễn Nam, để có được 120 – 150 con trâu thả đồng vào đầu tháng 9 thì ngay từ tháng 7 anh đã phải rong ruổi khắp các huyện miền núi trong và ngoài tỉnh để tìm mua nghé (trâu con), sau đó lặn lội vào tận các tỉnh miền Nam để tìm bạn hàng. “Rất may là trong đó họ có nhu cầu thu mua trâu thịt số lượng lớn nên mình không lo ế hàng. Khi nào mình cần bán trâu là họ cho xe ra tận nơi thu gom”, anh Nam nói.
Vài năm gần đây, phong trào nông dân “làm thêm” mùa ruộng trống diễn ra ở khắp các địa phương trong huyện Nghĩa Hành. Bởi theo tính toán của nông dân thì sau gần 4 tháng bỏ không, đồng ruộng bị cỏ dại, lúa chét phủ dày nên khi bước vào vụ sản xuất đông xuân, họ phải tốn nhiều chi phí để dọn dẹp. Trong khi đó, nếu tận dụng diện tích mặt ruộng ấy để trồng la gim, nấm hoặc chăn thả gia súc thì bà con không chỉ có thêm thu nhập, mà còn đỡ nhọc công cho vụ mới.
Ông Phan Thanh Trinh- Phó Chủ tịch UBND xã Hành Minh cho rằng: “Mùa ruộng để không, nông dân lại rảnh công nên những mô hình làm thêm nhưng thu nhập cao như trên rất đáng được khuyến khích, nhân rộng”.