Dân Việt

Làm thế nào khi trẻ hư?

Như Nguyệt 03/11/2015 11:21 GMT+7
Trẻ em là thiên thần, nhưng đôi khi chúng cũng bị mất khả năng kiểm soát cảm xúc. Nếu bố mẹ không xử lý tốt có thể hình thành nên những tính cách, thói quen xấu ở trẻ.

Cuộc sống với trẻ em luôn có nhiều điều mới là. Khi còn nhỏ, trẻ hầu như sống và phản ứng theo bản năng. Trẻ em cần thời gian để làm quen với cuộc sống, con người, các mối quan hệ và các quy tắc. 

Các nhà tâm lý chỉ ra rằng trẻ em trong độ tuổi từ 2 đến 5 tuổi có một tâm lý rất dễ bị tổn thương và không ổn định. Trẻ thường có phản ứng thái quá trước những việc bất thường. Những khoảnh khắc cuồng loạn như vậy thường không có biểu hiện và không thể đoán trước. Tuy nhiên, không có nghĩa rằng bố mẹ không thể thay đổi tính cách thất thường của trẻ. Hãy đọc bài viết này và bạn sẽ có thể tìm ra biện pháp khắc phục đối với tính khí xấu của con bạn.

img

Ảnh minh họa

1. Ngăn chặn bùng nổ cảm xúc

Là cha mẹ, bạn có thể có sợi dây liên kết vô hình với con bạn. Bạn là người có thể cảm thấy những thay đổi nhỏ nhất của trẻ chỉ qua ánh mắt, cử chỉ hay hành động. Nếu bạn thấy tinh thần của con đang sa sút, bạn nên sẵn sàng để có biện pháp để ngăn ngừa một sự bùng nổ. Hãy lưu ý những cử chỉ lạ lùng và khó hiểu trên khuôn mặt của một đứa trẻ. Trực giác và linh cảm của bạn sẽ giúp bạn ngăn chặn sự bùng phát cảm tính của con bạn.

Làm thế nào để xử lý trong tình huống này? Bạn nên đánh lạc hướng bằng những thứ đẹp và hấp dẫn khác, hoặc bày cho trẻ một trò chơi thú vị khi thấy trẻ có dấu hiệu sắp bùng nổ.

2. Giúp trẻ hiểu  được cảm xúc của bố mẹ

Mỗi phụ huynh là một giáo viên và một hình mẫu cho con cái. Trẻ em rất đơn thuần và vô tư, trẻ sẽ không biết bố mẹ nghĩ gì, muốn trẻ làm gì khi bạn không nói trực tiếp cho con biết. Nhưng ép buộc trẻ làm theo ý bố mẹ cũng không phải cách giáo dục tốt, dễ khiến trẻ bất mãn và có thái độ tiêu cực để chống đối lại bố mẹ.

Hãy cố gắng trò chuyện, bày tỏ suy nghĩ của bạn với con, giải thích cho con hiểu tại sao cần làm như vậy. Điều này không chỉ giúp bạn và con gần gũi nhau hơn, mà trẻ cũng dễ thông cảm cho bố mẹ khi hiểu rõ mọi chuyện và cảm thấy được bố mẹ tôn trọng.

3. Hạn chế trừng phạt

Phạt là cách tốt nhất để trẻ tuân thủ theo khuôn phép và kỷ luật. Nhưng cái gì cũng có hai mặt và quá lạm dụng nó sẽ khiến phản tác dụng. Tâm lý học nói rằng sự trừng phạt là một quả bom hẹn giờ nguy hiểm có thể dẫn đến bùng nổ. Nó lấp đầy tâm trí và trái tim của trẻ em với nỗi sợ hãi, sự thù hận và lo lắng. Vì thế, hãy cố gắng bỏ qua những lỗi nhỏ của trẻ khi trẻ có tâm trạng không tốt hoặc trẻ đã ý thức được sai lầm mình mắc phải và đã có biểu hiện ăn năn.

4. Sử dụng năng lượng tiêu cực của trẻ một cách thích hợp

Trẻ em là như một nguồn năng lượng vô tận. Họ có thể chạy, nhảy và la hét suốt cả ngày dài mà không biết mệt mỏi. Thay vì ngăn cấm con đùa nghịch, hò hét gây tiếng ồn, hãy tìm các hoạt động an toàn và có lợi cho sự phát triển của con để khuyến khích con tham gia. Trẻ luôn bận rộn với những trò vui sẽ ít cáu kỉnh vô cớ. Cho trẻ thoải mái chơi trò chơi và tập thể dục miễn là trẻ muốn. Đừng quên khen trẻ khi làm tốt và  thưởng cho trẻ những món quà nho nhỏ như kẹo hay bóng bay.

5. Kiên nhẫn

Bố mẹ thường khó giữ được bình tĩnh khi nghe thấy tiếng khóc thét của con. Những lúc như vậy, bạn cần tỉnh táo và bình tĩnh để giải quyết sự kích động của con một cách lý trí. Kể cả khi bạn đã trấn an được cơn giận bộc phát của trẻ thì dạy trẻ biết kiềm chế cũng là một quá trình dài, đòi hỏi sự kiên nhẫn rất lớn. Trẻ dễ nổi cáu thường vì thiếu kiên trì, nếu bạn cũng bùng phát theo trẻ thì càng đẩy cơn giận của trẻ lên cao hơn. Vì thế bố mẹ cần làm gương để trẻ học được sự kiên nhẫn.6. Hãy cho trẻ cơ hội chuộc lỗi

Ngày nay, nhiều bậc cha mẹ thích gây áp lực về tình cảm cho con để khiến con cảm thấy có lỗi mỗi khi phạm sai lầm. Cảm giác tội lỗi là một cảm xúc mạnh mẽ dẫn đến sự lo lắng và căng thẳng mãn tính. Các bậc cha mẹ nên cho con một cơ hội để thừa nhận tất cả các việc làm sai trái và chuộc lại lỗi, thay vì dùng “chiến tranh lạnh” để trừng phạt con.

Nhà tâm lý học Diana White cho rằng trẻ hư không phải là lỗi của chúng, mà là lỗi của cha mẹ. Những bậc cha mẹ sợ con cáu giận mà thỏa hiệp, chiều theo ý con càng khiến tính cách của bé trở nên khó chịu hơn. Ngược lại, cứng rắn quá có thể gây ức chế về tâm lý và dẫn đến những phản ứng tiêu cực. Hy vọng những lời khuyên trên có thể giúp các bậc phụ huynh biết cách xử lý phù hợp khi trẻ bị mất khống chế về cảm xúc.