Không có bảo hiểm, nên khi xảy ra thiên tai, ngư dân chịu rất nhiều thiệt thòi. |
Mua bảo hiểm chỉ để hưởng hỗ trợ xăng dầu
Tại miền Trung, Quảng Ngãi được xếp vào tốp 5 tỉnh, thành có số tàu thuyền lớn nhất cả nước, với trên 5.600 chiếc (1/3 là tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ). Thế nhưng, năm ngư dân mua bảo hiểm nhiều nhất - năm 2008 - cũng chỉ có 40% số lượng tàu thuyền và ngư dân tham gia.
Sở dĩ, ngư dân mua bảo hiểm nhiều vì đó là năm Nhà nước hỗ trợ xăng dầu cho ngư dân với một điều kiện quan trọng là ngư dân phải có bảo hiểm. Ngư dân chịu mua bảo hiểm không phải vì đề phòng rủi ro cho mình mà chẳng qua là để được hỗ trợ tiền xăng dầu. Những năm sau, khi chính sách hỗ trợ này không còn nữa, tỷ lệ ngư dân mua bảo hiểm tụt xuống ngay.
Cụ thể, với Quảng Ngãi, nếu năm 2008, có 2.200 chiếc tàu và 20.000 ngư dân có mua bảo hiểm thì các năm 2009, 2010, mỗi năm chỉ còn khoảng 600 tàu thuyền và 5.000 ngư dân có mua bảo hiểm - giảm gấp 3-4 lần.
Tương tự như vậy, với Đà Nẵng, năm 2008 có 298/527 tàu thuyền công suất từ 40 CV trở lên mua bảo hiểm thì năm 2009 chỉ còn 91/527 tàu - giảm gần 3 lần. Đến năm 2010 và 6 tháng đầu năm 2011, tổng số tàu có mua bảo hiểm chỉ còn 50/450 chiếc - giảm gần 2 lần.
Như đã nói, mua bảo hiểm cho con tàu cao nhất 10 triệu đồng, trung bình khoảng 6 triệu đồng/năm, nếu chia đều cho mỗi ngày thì ngư dân chỉ tốn tiền bảo hiểm cho con tàu mình 17.000 đồng/ngày. Trong khi đó, nếu xảy ra rủi ro cho con tàu thì ngư dân được chi trả đến 50% giá trị của chiếc tàu, đến mấy trăm triệu đồng.
Chuyện thiệt - hơn rõ ràng đến như vậy nhưng rất ít ngư dân để ý. Bảo hiểm thuyền viên cũng vậy, cao nhất là 80.000 đồng/người/năm. Khi tai nạn xảy ra, mức trả bảo hiểm cho mỗi ngư dân thấp nhất 10 triệu đồng, cao nhất cả trăm triệu đồng. Vậy nhưng rất ít ngư dân tham gia.
Gặp rủi ro cắn răng chịu
Vì coi nhẹ việc mua bảo hiểm nên nhiều ngư dân khi đi đánh bắt gặp thiên tai bất trắc, tai nạn, rủi ro... chỉ còn biết cách cắn răng mà chịu. Vào ngày 17.12.2010, trong khi đi đánh cá tại vùng biển tỉnh Bình Thuận, tàu cá của anh Nguyễn Văn Bay (Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) bị bão đánh chìm.
11 ngư dân trên tàu may mắn được tàu bạn cứu vớt nhưng con tàu cùng toàn bộ ngư cụ, tài sản vĩnh viễn nằm dưới đáy biển sâu. Con tàu này trị giá 1 tỷ đồng, trong đó một nửa là vốn vay.
Chị Nguyễn Thị Mai, vợ anh Bay, hối tiếc: “Giá như trước đó chồng tôi chịu mua bảo hiểm thì đã được đền bù 60% giá trị con tàu, có thể sắm lại được chiếc tàu nhỏ hoặc trả được nợ ngân hàng, đâu đến nỗi chịu cảnh nợ nần ngập đầu, vợ, chồng, con cái phải đi làm thuê kiếm sống thế này”.
Trong 3 năm qua, Quảng Ngãi có đến 100 chiếc tàu cá bị những tai nạn, rủi ro tương tự nhưng chỉ có chưa đến 30 chiếc có mua bảo hiểm.
Ở Quảng Nam, Đà Nẵng, có nhiều trường hợp, ngư dân bị tai nạn rồi mới đi mua bảo hiểm. Phải lâm vào tình trạng khốn đốn, gần như trắng tay họ mới biết quý bảo hiểm.
Ông Nguyễn Đỗ Tám - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đà Nẵng: Rào cản từ phía bảo hiểm
"Rào cản" lớn nhất khiến ngư dân không mặn mà với bảo hiểm là "mua dễ, khó đòi". Khi ngư dân gặp tai nạn, những thủ tục để cho họ có thể nhận được chi trả bảo hiểm là rất nhiêu khê, trong đó đặc biệt là việc xác nhận ngư trường nơi xảy ra tai nạn.
Nhiều trường hợp việc xác nhận này kéo dài nhiều tháng trời khiến ngư dân chờ đền bù quá lâu nên đâm nản. Tôi ví dụ trường hợp anh Nguyễn Sơn (ở Bình Sơn, Quảng Ngãi) có mua bảo hiểm tàu cá theo giá 300 triệu đồng. Khi anh neo đậu tàu ở cảng Đà Nẵng thì tàu bị bão thổi bay lên bờ gây hư hỏng nặng.
Theo hợp đồng mua bảo hiểm, anh phải được chi trả bảo hiểm 60% theo mức mua, tức 180 triệu đồng nhưng phía bảo hiểm chỉ chịu chi trả có 30% - 90 triệu đồng. Đã vậy cho đến nay, cả năm trôi qua, anh mới chỉ nhận được 30 triệu đồng. Anh không thể không mất niềm tin vào bảo hiểm. Các chủ tàu khác chứng kiến như vậy nghe nói đến bảo hiểm cũng tránh xa.
Ngư dân Đặng Út (Sơn Trà, Đà Nẵng): Không tai nạn mua làm gì?
Năm 2008, tôi có tham gia mua bảo hiểm tàu cá, nhưng sau đó không tham gia nữa vì nhiều năm liền đánh bắt không... gặp rủi ro gì. Trong khi đó, tiền mua bảo hiểm hàng năm lại không nhỏ: 6 - 7 triệu đồng. Đối với bảo hiểm thuyền viên cũng vậy. Nghề này đúng là thường xuyên đối mặt với rủi ro, song chuyện gặp tai nạn là theo người, chứ không phải cứ xuống tàu là tai nạn. Đồng tiền làm ra cũng khó mà đi mua bảo hiểm khơi khơi như vậy thì cũng xót.
Vũ Vân Anh (ghi)
(Còn nữa)
Công Xuân -Vân Anh - Hoàng Đạo