Dân Việt

Công Phượng – Tuấn Anh và chuyện “du học” Nhật Bản

Hoàng Hưng 03/11/2015 19:40 GMT+7
Điều quan trọng sau chuyến “du học” một năm của Công Phượng và Tuấn Anh là tác động tâm lý tới những cầu thủ trẻ khác của Việt Nam. Nó sẽ giúp các cầu thủ trẻ phấn đấu rèn luyện hơn để được sang Nhật Bản hay Hàn Quốc “du học” nhằm nâng cao trình độ.

Không người hâm mộ cũng như HLV nào không thừa nhận bóng đá Việt Nam đứng sau và thậm chí là khá xa với nước bạn Thái Lan ngay tại khu vực Đông Nam Á. Chính vì thế, chuyện hai cầu thủ trẻ HAGL thuộc Học viện HAGL Arsenal JMG là Công Phượng và Tuấn Anh sang 2 đội bóng thuộc hạng 2 là J.League 2, trong khi đó 3 cầu thủ Thái Lan sang chơi ở J.League 1 cũng là điều dễ hiểu. Chúng ta phải chấp nhận thực tế đó, chọn con đường “du học” với hy vọng trong tương lai không xa bóng đá Việt Nam sẽ vượt mặt người Thái.

img

Công Phượng và Tuấn Anh chuẩn bị sang Nhật Bản thi đấu.

Từ Lê Huỳnh Đức cho tới Công Vinh rồi bây giờ tới Công Phượng và Tuấn Anh ra nước ngoài thi đấu đều chỉ dừng lại ở mức “du học” là chính chứ không phải kiếm lương cao. So với bậc đàn anh Huỳnh Đức, Công Vinh thì Công Phượng và Tuấn Anh được đào tạo bài bản hơn với dấu ấn từ Arsenal. Tuy nhiên, cả 2 cầu thủ trẻ của HAGL chịu “nhiệt” V.League 2015 không nổi, thậm chí cả 2 đều sa sút phong độ ở giai đoạn cuối mùa giải vừa qua. Các cầu thủ này có sự khởi đầu không suôn sẻ vì phải gánh vác trọng trách quá lớn ngay từ những ngày đầu bước vào sân chơi chuyên nghiệp nước nhà.

Hai cầu thủ trẻ tuổi đôi mươi tới Nhật Bản để “du học” vào lúc này là rất tốt bởi vì giúp họ thoát khỏi gánh nặng quá sức ở HAGL sẽ giúp Công Phượng và Tuấn Anh thể hiện khả năng chơi bóng tốt hơn. Môi trường J.League được đánh giá là nghiệt ngã và trình độ của Công Phượng hay Tuấn Anh khó được ra sân thường xuyên. Đấu trường thấp hơn là J.League 2 sẽ phù hợp hơn cho cả 2 trước thử thách mới. Nếu như Công Phượng và Tuấn Anh được thi đấu nhiều ở J.League 2 thì năng lực cũng sẽ được cải thiện nhiều hơn là có mặt ở J.League nhưng chủ yếu làm ấm băng ghế dự bị thì năng lực sẽ thui chột. Chính vì thế, đừng vội đánh giá sự có mặt ở giải đấu cao hay thấp mà quan trọng là mức độ tiến bộ như thế nào?

Công Phượng và Tuấn Anh được “chấm” sớm nhất cũng dễ hiểu bởi cả hai được đào tạo rất bài bản, kỹ thuật và chiến thuật cũng sắc sảo. J.League 2 là môi trường hợp lý nhất để phát triển tài năng của mình. Điều quan trọng sau chuyến “du học” một năm của Công Phượng và Tuấn Anh là tác động tâm lý tới những cầu thủ trẻ khác của Việt Nam. Nó sẽ giúp các cầu thủ trẻ phấn đấu rèn luyện hơn để được sang Nhật Bản hay Hàn Quốc “du học” nhằm nâng cao trình độ. Đó là quá trình rất dài của từng cá nhân, từng đội bóng nhằm góp sức phát triển bóng đá Việt Nam lớn mạnh hơn nên chúng ta không thể vội.

Trước mắt hãy chờ xem: sau một năm Công Phượng và Tuấn Anh có được gia hạn thời gian “du học” ở J.League 2 hay được các đội ở J.League mời gọi hay không? Hy vọng, Công Phượng và Tuấn Anh sẽ là người khai phá con đường mới với sự phát triển chung của bóng đá Việt Nam nhưng mọi người đừng quá kỳ vọng để cả hai phải chịu sức ép như đã từng ở V.League 2015.