Tâm lý “phải chết chung”
Theo tin từ các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa, nạn nhân cũng là thủ phạm Ngô Lê Hà (45 tuổi, trú tại TP.Thanh Hóa) đã dùng thuốc an thần đầu độc vợ và 2 con trai rồi ông này treo cổ tự tử. Nạn nhân để lại một đoạn ghi âm nói rằng do nợ nần quá nhiều, chán sống, muốn gia đình cùng chết để được đoàn tụ ở thế giới bên kia...
Biết thông tin vụ 4 người chết ở Thanh Hóa này, nhiều người đã lên tiếng trách móc, cho rằng người cha không muốn sống thì “đi” một mình, tại sao còn kéo theo vợ con.
Hàng trăm người dân kéo nhau đến xem vụ việc tại số 218, đường Trần Phú, TP.Thanh Hóa, đêm 1.11.
Bác sĩ La Đức Cương - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1 (Thường Tín, Hà Nội) cho biết, nạn nhân đã “ấp ủ” ý định tự tử trong thời gian dài, lên kế hoạch mua thuốc đầu độc gia đình chứ không phải bột phát “nghĩ như vậy”.
“Nạn nhân - thủ phạm có thể đã rối loạn trầm cảm trong một thời gian dài. Họ bị bệnh mà không được phát hiện, không được can thiệp giúp đỡ nên mới dẫn đến bi kịch. Nếu bản thân họ tỉnh táo hơn, nghĩ được rằng không nên làm hại vợ con, không nên tự tử thì đã chẳng xảy ra chuyện” - bác sĩ Cương nhận định.
Bác sĩ Cương nhận định, các ca tự tử “chùm” ngày càng gia tăng dưới áp lực xã hội hiện nay. Con người phải đối diện với nhiều cú sốc, tai ương, mất mát mà tâm lý của họ không chịu đựng được. Cụ thể như vụ việc ở Thanh Hóa là do nạn nhân làm ăn thua lỗ, nợ nần.
“Ngày càng có nhiều nạn nhân tự tử do ảnh hưởng thiên tai, thất bại trong kinh doanh, bệnh trọng hoặc thất nghiệp, tai nạn. Cũng có nhiều người trầm cảm do áp lực công việc, học tập. Đặc biệt, đối với nông dân, người nghèo, cuộc sống vốn đã khó khăn, mệt mỏi, nếu họ gặp thêm các cú sốc do mất người thân, bệnh tật, bị tai nạn, làm ăn thất bại hoặc mất tài sản do thiên tai thì càng dễ suy sụp. Đối với nhóm người này, nếu không được tư vấn, giúp đỡ để kịp thời tháo gỡ những suy nghĩ u ám, tuyệt vọng thì tâm bệnh của họ ngày càng nặng và xuất hiện ý nghĩ tiêu cực, muốn tự tử” – bác sĩ Cương phân tích.
Đời sống vật chất, tinh thần có vấn đề?
"Có một khoảng trống lớn các chính sách về chăm sóc sức khỏe tâm thần. Các Trung tâm phòng chống khủng hoảng tâm lý, giúp đỡ những nạn nhân bị trầm cảm, stress tại các địa phương không có, ngay cả lãnh đạo các địa phương cũng không có kiến thức, không quan tâm. Người dân không được truyền thông nên cũng không thể hiểu được mức độ nghiêm trọng của trầm cảm”. Bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Phòng chống khủng hoảng tâm lý Hà Nội (PCP) |
TS - bác sĩ Lại Đức Trường (Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam) cho biết, tỷ lệ rối loạn tâm thần của người dân Việt Nam ngày càng gia tăng. Nguyên nhân là áp lực công việc ngày càng lớn, gia tăng cách biệt giàu-nghèo, bất bình đẳng khiến mâu thuẫn xã hội gia tăng, tiêu thụ rượu bia lớn khiến cho nhiều người bị loạn thần...
Còn bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Phòng chống khủng hoảng tâm lý Hà Nội (PCP) cho biết, ngày càng có nhiều vụ tử tự xảy ra có nghĩa là đời sống vật chất, tinh thần của người dân đang có vấn đề, khiến họ bế tắc phải tìm đến cái chết. Đây không chỉ là khủng hoảng cá nhân mà là gánh nặng của Nhà nước, cần tìm ra các giải pháp để ngăn chặn tự tử, tránh cho vấn nạn này “leo thang” hoặc “lây lan” sang người khác.
Bác sĩ Cương cho rằng người trầm cảm thường có các biểu hiện buồn chán, đau đầu, mệt mỏi, mất ngủ kéo dài, lờ đờ, bày tỏ thái độ bất mãn hoặc sống khép kín, không giao tiếp với ai. Lúc đó, nếu người thân biết, tìm hiểu về nguyên nhân buồn chán của họ, trò chuyện, tháo gỡ, giúp họ bớt buồn chán sẽ tránh được nguy cơ. Nếu bệnh nặng, có thể đưa họ đi điều trị tại các cơ sở y tế.
Bác sĩ Trường cũng nhận định, ngoài việc cung cấp kiến thức để người dân nhận biết về các nguy cơ rối loạn tâm thần thì Nhà nước cũng cần có dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho các đối tượng đặc biệt như: phụ nữ, trẻ em, người bị thảm họa, tai nạn thương tích, người vừa ở tù ra, người vừa bị phá sản, đói nghèo, bệnh nặng, ly hôn, thất nghiệp… “Đây chính là các “ngòi nổ” có thể dẫn đến nguy cơ tự tử bất cứ lúc nào”.
Theo báo cáo của Trung tâm Phòng chống khủng hoảng tâm lý Hà Nội, trong số gần 10.500 trường hợp được khảo sát, có tới 73% (767 người) đã trải qua cảm giác buồn chán, 25% trong số họ từng tìm cách kết thúc cuộc sống của mình, 7,5% từng có hành động làm đau bản thân để thoát khỏi tâm lý căng thẳng (cứa vào tay, châm thuốc đang cháy lên người… |
Một số vụ tự tử “chùm” gần đây Ngày 18.10 tại xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa (tỉnh Phú Yên) xảy ra vụ việc chị Nguyễn Thị T (sinh năm 1994) giận chồng đi uống rượu nên đã pha thuốc trừ cỏ vào sữa cho 2 con song sinh (sinh năm 2013) uống và tự tử theo. Tuy nhiên, do “bừng tỉnh” ,chị T đã kịp thời kêu cứu hàng xóm đưa cả ba mẹ con đi cấp cứu. Ngày 13.9, xảy ra vụ việc anh Nguyễn Hoài Tâm (33 tuổi, trú huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) đã khóa chặt cửa, dùng xăng thiêu cháy bản thân và 3 đứa con. Trong thư tuyệt mệnh, anh Tân viết: “Anh không nuôi nổi con nên đưa chúng đến một nơi tốt hơn.” Ngày 8.9, tại phường Bắc Hồng (thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) xảy ra vụ việc người mẹ Thái Thị Xoan (SN 1991) treo cổ chết cùng với con trai 26 tháng tuổi. Được biết, chồng chị Xoan đi làm xa, ở nhà chỉ có hai mẹ con sống với nhau. |