Nông dân thất thu lớn
“Lạ lắm, mọi năm, ở thời điểm này hai vợ chồng tui bơi xuồng ra đồng hái bông súng nửa buổi đã được đầy xuồng, bán cũng được trên trăm ngàn. Giờ thì đi cả buổi mà chỉ có được hơn chục ký, bán được có hơn 40.000 đồng. Chung quy cũng vì lũ cạn” – lão nông Huỳnh Văn Chơn, xã Vĩnh Tế, TP.Châu Đốc (An Giang) buồn bã kể với chúng tôi.
Vợ chồng lão nông Huỳnh Văn Chơn (xã Vĩnh Tế, Châu Đốc) thất thu vụ bông súng. Ảnh: T.B
Theo tuyến kinh Bảy Xã (đi qua 7 xã của thị xã Tân Châu, An Giang), chúng tôi tìm về vùng đầu nguồn được mệnh danh là “rốn lũ” của miền Tây. Dọc hai bên tuyến kinh là những cánh đồng toàn lúa chét (lúa mọc lên từ gốc rạ của vụ mùa trước). Trong khi thời điểm này mọi năm, những cánh đồng này mênh mông sóng nước. Dọc tuyến kinh dài hơn 15km, đa số các hộ dân đều có sinh kế trong mùa nước nổi như: Giăng lưới, đặt lọp, dớn, dó (dụng cụ dùng để bắt cá), hay trồng rau nhút, hái bông súng đồng... Năm nay lũ cạn, nhiều hộ bị thất thu nặng.
Riêng vùng “rốn lũ” Phú Lộc, thị xã Tân Châu nơi được đầu tư các cụm tuyến dân cư “sống chung với lũ” sẵn sàng chờ lũ thì năm nay lại không thấy lũ đâu, bà con mất một nguồn sinh kế. Ông Nguyễn Văn Xương - Chủ tịch UBND xã Phú Lộc cho hay, sau khi được đầu tư 3 cụm tuyến dân cư vượt lũ, gần như 1.130 hộ dân của xã đã có chỗ ở đảm bảo an toàn vượt lũ. “Mùa lũ là mùa làm ăn của bà con nhà nông ở đây với nhiều mô hình, sinh kế đã được đầu tư… Nước lũ quá thấp khiến các hộ dân lâm vào cảnh “điêu đứng” suốt nhiều tuần qua” - ông Xương nói.
Đỉnh lũ thấp nhất 70 năm
Đứng ở cuối chợ thị trấn Long Bình (huyện An Phú, An Giang), chúng tôi thử phóng tầm mắt qua bên kia sông Bình Di phía nước bạn Campuchia (điểm đầu tiên nơi con sông Mekong đổ vào đất Việt). Vào thời điểm này năm trước, nước bên kia biên giới hẵng còn cuồn cuộn đổ sang. Nhưng năm nay, nước về cũng không hơn gì mùa hạn.
Anh Nguyễn Văn Tùng (ngụ thị trấn Long Bình) - một người chuyên thuê lô đánh bắt cá mùa nước nổi ở vùng giáp ranh biên giới Việt Nam – Campuchia cho biết: “Nước trên đó (Campuchia) năm nay chưa bằng phân nửa năm 2014, dân thuê lô cũng chật vật vì nước thấp quá, cá mắm đìu hiu. Lạ nữa là năm nay cá mùa nước nổi lại được bán ngược trở về Việt Nam rất nhiều. Có lẽ, do bên Việt Nam mình lũ kém nên không có cá chăng?”.
Ông Lưu Văn Ninh - Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang cho biết: “Cá nhân tôi làm công tác dự báo đã nhiều năm nhưng chưa năm nào chúng tôi lại lo lắng như năm nay”. Cụ thể, theo ông Ninh, mùa lũ năm nay, đỉnh lũ tại các điểm quan trắc đầu nguồn của ĐBSCL (tại Tân Châu và Châu Đốc, tỉnh An Giang) được ghi nhận là thấp nhất trong lịch sử 70 năm qua.
“Chưa năm nào đập Tha La ở huyện Tịnh Biên, An Giang “rảnh” như năm nay, suốt từ hồi đầu mùa tới giờ hầu như không phải hoạt động gì bởi nước lũ về có đáng kể gì đâu” – anh Nguyễn Văn Nô - cán bộ trực đập này cho biết.
Anh Nô còn thông tin thêm, mọi năm, dân đánh bắt cá đồng quy tụ về đây rất đông để đón mùa cá ra sông, không khí tấp nập, trên bến dưới thuyền, người câu kẻ lưới… “Nhưng nay có mấy ai đánh bắt đâu vì nước lũ quá thấp, cá không thể theo nước về” - anh Nô cho hay.
Mùa lũ miền Tây thường bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 11. Trong khi đỉnh lũ ghi nhận tại các huyện đầu nguồn (An Phú, Tân Châu, Châu Đốc, tỉnh An Giang) có chỉ số trung bình nhiều năm là 4,22m thì năm 2015, đỉnh lũ chỉ 2,55m. Đây là một hiện tượng bất thường trong sự biến đổi liên tục của lũ ở ĐBSCL. |