Dân Việt

Nỗi oan "bể kèo" phút chót nhiều show K-pop tại Việt Nam

Kiều Thuận 10/11/2015 06:00 GMT+7
Nhiều show K-pop phải chịu cảnh “chết yểu” dù nhân vật chính đứng vào hàng sao bự như Lee Min Ho, T-ara...

Mới đây, Ban tổ chức Super X Festival chính thức lên tiếng về việc hoãn show diễn do không bán được vé, dù trước đó show đã cố định lịch khai mạc. Bất chấp mọi dự án quảng cáo show rầm rộ rằng có “ông hoàng Youtube” Psy; có nhóm nhạc nhiều fan Got7, Awesome Baby; có cả một danh sách nghệ sĩ Việt với lượng fan khổng lồ như Sơn Tùng, Đông Nhi,… Super X vẫn phải nói lời tạm biệt dù đêm diễn còn chưa kịp ra mắt.

img

Super X Festival bị hủy khi đã công bố nhiều cái tên tham dự.

Nhìn lại trước đó, khá nhiều show diễn quy tụ khách mời khủng đã lên kế hoạch về Việt Nam đều bị hủy vào phút chót vì không bán nổi vé, đại diện như liveshow của Lee Min Ho, T-ara,… Dù biết rõ "lời chào thân ái" sẽ khiến uy tín với đối tác và truyền thông giảm sút, song hiệu quả kinh tế quá bi đát của các chương trình đã khiến Ban tổ chức đành ngậm ngùi lựa chọn hình thức "một đi không trở lại".

Vì sao những show diễn lớn này bị hủy dù trước đó êkip tổ chức đã đặt rất nhiều kỳ vọng?

Không bán được vé vì giá quá cao

Đây là nguyên nhân quan trọng nhất khiến nhiều show Kpop lớn phải chịu cảnh bị hủy diễn tại Việt Nam vào phút chót. Super X Festival có mức giá vé từ 550 nghìn đồng/vé loại thường và gần 4 triệu/đồng cho loại VIP. Con số này được giới mê nhạc Hàn đánh giá là quá “chát” nếu so với mặt bằng chung các show Kpop từng tổ chức tại Việt Nam, như Kpop Festival 2012 hay Music Bank In Hanoi 2015.

Trên thực tế, fan Kpop phần lớn là học sinh - sinh viên, thu nhập chưa ổn định thậm chí phần lớn trong số đó hoàn toàn phụ thuộc tài chính từ gia đình, nên việc rút ví 2 - 3 triệu đồng cho một đêm thưởng thức âm nhạc khi chất lượng chưa có yếu tố nào đảm bảo khiến họ phải "đau đầu" cân nhắc.

Ngọc Mai, một fan của nhóm nhạc EXO thừa nhận, trong dịp Music Bank In Hanoi vừa qua, dù là fan ruột của nhóm nhạc điển trai Hàn Quốc nhưng Mai không mua vé ngay từ đầu mà kiên trì đợi đến sát giờ diễn. Sự gan lỳ của Mai đã có hiệu quả khi cô mua được vé giá rất rẻ, do đội ngũ "phe vé" xả ra bù lỗ vào cuối giờ. Nhiều bạn bè của Mai trong FC EXO cũng dùng cách tương tự để không phải mua những tấm vé quá đắt mà Ban tổ chức phát hành từ đầu.

img

Ban tổ chức liveshow Lee Min Ho tại Việt Nam thông báo hủy trước ngày diễn chỉ một tuần.

Thời điểm năm 2013, cái tên Lee Min Ho đình đám khắp Việt Nam khi anh đảm nhiệm vai Kim Tan trong bộ phim Nguời thừa kế. Những tưởng sức nóng từ họ Lee sẽ giúp liveshow của anh tại đất nước hình chữ S "cháy vé", nhưng thực tế lại "đắng ngắt". Đến sát ngày diễn, lượng vé bán ra vẫn “đì đẹt” khi ai nấy đều ngập ngừng nhìn bảng giá 2 triệu đồng/vé vào cửa.

Nếm mùi “trái đắng” và sẽ nhận thức rõ vị đắng càng tăng hơn nếu tiếp tục dấn thân, Ban tổ chức đành thông báo hủy và chấp nhận hoàn tiền cho những khán giả lỡ mua vé, mọi chi phí quảng bá tiền kỳ coi như đổ sông đổ bể. Nhưng như thế vẫn còn may cho ban tổ chức phía Việt Nam. Tài tử Lee Min Ho rất thiện chí, không đòi bồi hoàn tài chính vi phạm hợp đồng dù trên thực tế, anh hoàn toàn có thể sử dụng điều khoản này.

Minh Nguyễn - nhà sản xuất âm nhạc - cũng là người đảm nhận truyền thông cho show Lee Min Ho ở Việt Nam từng nhận định, nguyên nhân khiến chương trình của họ Lee bị hủy không phải xuất phát từ phía ca sĩ mà từ nhà tổ chức ở Việt Nam: "Show bị sập vì con số thống kê và dự toán không sát thực tế. Rất may là phía Hàn Quốc không kiện ban tổ chức ở Việt Nam, chứ trong quá trình làm việc trước đó, phía Lee Min Ho tỏ ra rất chuyên nghiệp và chuẩn mực, không hề có các yêu cầu quá quắt như các ngôi sao quốc tế thường đưa ra. Thậm chí Lee Min Ho còn chuẩn bị sẵn rất nhiều món quà và những phần biểu diễn riêng biệt dành cho khán giả Việt”.

img

T-ara có nhiều fan cuồng như thế này, nhưng buổi fan meeting của họ ở TP.HCM vẫn bị hủy vì không bán được vé.

Khá nổi tiếng tại Việt Nam, nhưng buổi gặp gỡ fan của nhóm nhạc đình đám T-ara dự kiến tổ chức tại TP.HCM vào cuối năm 2014 cũng chịu chung số phận hủy show, chỉ vì không bán được vé. Dù sau đó, một buổi gặp khác được dự kiến lên lịch vào đầu năm 2015 nhưng rồi cũng vì tình hình bán vé bết bát, T-ara đành khất khán giả Việt thêm lần nữa.

Trước đó Kpop Music Fesitval 2012 dù được tài trợ, giá vé cũng chẳng vì thế mà "mềm mại". Vì lẽ này, fan Việt đồng loạt rủ nhau không mua, quyết đợi tới giờ chót để "hốt" giá vé rẻ. Đến giờ G, vé ế quá nhiều, Ban tổ chức đành "xả hàng", cho không vé, thậm chí mở cửa tự do cho fan Việt vào xem vì không thể để sân vận động rơi vào tình cảnh "vườn không nhà trống". Sự kiện Kpop Music Fesitval 2012 sau đó được mang ra làm minh chứng sống cho các câu chuyện liên quan tới việc show Kpop tại Việt Nam thất bại về thương mại như thế nào.

Không đủ năng lực tổ chức

Một trong nguyên nhân khiến giá vé các show Kpop tại Việt Nam quá cao không hẳn xuất phát từ cát-sê của nghệ sĩ, mà bắt nguồn từ năng lực tổ chức thiếu chuyên nghiệp. Nói cách khác, hiện ở Việt Nam, chưa đơn vị nào đủ năng lực đáp ứng các yêu cầu về mặt kĩ thuật, âm thanh, ánh sáng,.. cho những show diễn của dàn sao Kpop như JYJ, Big Bang,..

Để "dụ" những cái tên đình đám ký hợp đồng, phía ban tổ chức Việt Nam buộc phải thuê êkip, thiết bị từ nước ngoài khiến chi phí tổ chức show “đội” lên rất cao, giá vé cũng theo đó ngất ngưởng hòng bù lại các khoản chi phí ban đầu. Tuy nhiên, giá vé cao đồng nghĩa khán giả Việt không mặn mà, và cái vòng luẩn quẩn khiến nhiều show diễn chịu cảnh “chết yểu” ngay từ trong trứng nước hoặc nếu “liều mình như chẳng có”, show nào show nấy lỗ vốn nặng.

img

Liveshow của Bi Rain ở Việt Nam với nhiều thiết bị đắt tiền, hoành tráng, bị lỗ tần 20 tỷ đồng.

Còn nhớ liveshow Bi - Rain diễn ra tại TP.HCM năm 2007, để đáp ứng yêu cầu của ngôi sao đình đám xứ kim chi, ban tổ chức phải thuê hẳn một chuyên cơ chỉ để "vác" những thiết bị đắt tiền chỉ vì khi đó kỹ thuật âm nhạc Việt Nam không thể đáp ứng. Show diễn diễn ra sau đó đáp ứng được về mặt nhìn, nhưng vé giá quá cao nên ế chỏng chơ. Show diễn kết thúc, chính ban tổ chức lên tiếng thừa nhận lỗ gần 1 triệu USD (khoảng 20 tỷ đồng), trong tổng số đầu tư ban đầu là 2,8 triệu USD (khoảng gần 60 tỷ đồng).

Tình trạng này lại lặp tại show diễn nhiều tai tiếng Music Bank In Hanoi giữa năm 2015. Ban tổ chức cũng mang từ Hàn Quốc sang những thiết bị âm thanh, ánh sáng đắt tiền, gián tiếp khiến giá vé bị đẩy lên cao.

Anh Trần Đăng Tuấn, đại truyền thông của show diễn này tại Việt Nam cũng từng lên tiếng thừa nhận sự kiện đình đám này bị lỗ vốn và đến hiện tại, thậm chí êkip sản xuất phía Việt Nam còn bị đơn vị đối tác Hàn Quốc “quỵt tiền”. Nhiều công ty liên quan đến sự kiện cho tới giờ vẫn còn lao đao vì khoản nợ “trên trời rơi xuống”, kéo theo đó là rất nhiều rắc rối pháp lý khác.

Anh Tuấn cho biết: "Show Music Bank lỗ gần 2 triệu USD bởi phía đầu tư Hàn Quốc là một đơn vị ma. Phía Việt Nam đầu tư tiền bạc, công sức vào tiền bán vé nhưng bị phía Hàn Quốc 'cuỗm' sạch. Về thiết bị, ban đầu đáng lẽ ra họ yêu cầu thuê thiết bị từ Thái Lan nhưng do giá quá cao nên chúng tôi phải thuê trong nước, đến giờ vẫn còn nợ kĩ thuật âm thanh - ánh sáng gần 1 tỷ đồng".

Có thể nhận thấy ở thời điểm hiện tại, ở Việt Nam chưa có đơn vị nào đủ năng lực để có thể tự mình “gánh” nguyên một show diễn Kpop lớn. Thông thường, Ban tổ chức phải nhờ tới sự hỗ trợ hoặc thuê êkip nước ngoài, dẫu biết động thái này gián tiếp khiến giá vé bị đẩy lên quá cao so với thu nhập của fan Kpop, khiến nhiều show phải chịu cảnh “chết yểu” dù được kì vọng ở nhiều mức khác nhau.