Dân Việt

Góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp thủ đô

04/07/2011 05:00 GMT+7
(Dân Việt) - Quỹ Khuyến nông TP. Hà Nội được thành lập từ năm 2002 với mục đích cho các cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, chế biến nông sản vay vốn để mở rộng và phát triển sản xuất thành các vùng sản xuất hàng hoá chất lượng cao, phục vụ mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp thủ đô.

Quỹ hình thành từ nguồn vốn ngân sách Thành phố cấp lần đầu và cấp bổ sung hàng năm, nguồn vốn kết dư của Quỹ năm trước chuyển sang, nguồn trích từ phí quản lý Quỹ theo quy định,...

Với số vốn được ngân sách thành phố cấp ban đầu từ năm 2002 là 5,0 tỷ đồng và được bổ sung hàng năm. Đến năm 2010, nguồn vốn Quỹ là 61,214 tỷ đồng trong đó vốn ngân sách cấp là 58 tỷ đồng và 3,214 tỷ đồng được trích từ phí quản lý Quỹ theo quy định. Từ năm 2002 đến nay đã có 1.570 lượt chủ trang trại, hộ sản xuất được vay với số vốn quay vòng là 160,35 tỷ đồng.

Riêng từ năm 2009 đến nay triển khai hoạt động trên địa bàn 21 trạm khuyến nông quận, huyện, thị xã của thành phố, Quỹ đã giải quyết cho 522 hộ vay vốn, với số tiền 62,332 tỷ đồng.

Giúp dân mở rộng quy mô sản xuất

img

Mô hình trồng cây cảnh ở Hà Nội.

Năm 2010 sản xuất nông nghiệp của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, giá cả vật tư nông nghiệp có nhiều biến động không có lợi cho người sản xuất, kinh doanh nhưng nguồn vốn Quỹ đã góp phần hỗ trợ cho các hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố, nhất là các chủ trang trại kịp thời vay vốn đầu tư khôi phục và mở rộng quy mô sản xuất.

Ngoài ra trong năm qua, Quỹ đã giải ngân cho một số vùng sản xuất có quy mô tập trung như: Vùng chăn nuôi bò sữa ở Ba Vì; vùng nuôi trồng thuỷ sản ở Thanh Trì, Mỹ Đức; chăn nuôi gia cầm ở Đông Anh, Chương Mỹ; vùng hoa, cây cảnh ở Từ Liêm, Hoài Đức, Thường Tín, Mê Linh... Quỹ cũng đã triển khai cho vay theo hình thức liên kết giữa người sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như với đơn vị cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm cho người sản xuất.

Quỹ cho vay không vì mục đích lợi nhuận và với mức thu phí quản lý thấp cho nên đây là điều kiện thuận lợi để nhiều hộ gia đình vay vốn và mở rộng, phát triển sản xuất hàng hoá, từ đó góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Tại hội nghị tổng kết công tác quản lý, sử dụng Quỹ năm 2011, nhiều hộ nông dân, chủ trang trại tiêu biểu được vay vốn từ nguồn vốn Quỹ đã rất phấn khởi về hiệu quả của đồng vốn này.

Gia đình anh Nguyễn Quốc Phi, thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) là một gia đình làm kinh tế giỏi tại huyện Sóc Sơn. Năm 1994, gia đình anh được giao 3,8ha đất trống, đồi trọc tại thôn Vệ Linh để phát triển kinh tế trang trại, đến năm 2000 anh Phi tiếp tục đấu thầu 12ha mặt nước ao, hồ để nuôi trồng thuỷ sản kết hợp với chăn nuôi và trồng cây ăn quả.

Anh cho biết, bước đầu gia đình gặp nhiều khó khăn về vốn, trình độ kỹ thuật còn hạn chế nên hiệu quả sản xuất chưa cao. Năm 2009, gia đình anh đã vay từ nguồn Quỹ với số vốn là 200 triệu đồng. Cùng với số vốn tự có của gia đình, anh đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Đến nay trang trại của gia đình anh có 12ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản các loại, 5.000 con vịt đẻ siêu trứng, 2.000 con gà đẻ trứng thương phẩm, 1.000 con gà thả vườn, 200 con lợn thịt, khoảng 600 cây ăn quả các loại. Năm 2010, sau khi hạch toán gia đình thu lãi trên 500 triệu đồng.

Gia đình anh Chử Văn Mộc, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm (Hà Nội) là một gia đình có tâm huyết với phát triển kinh tế trang trại tại địa phương. Thực hiện chương trình phát triển kinh tế toàn diện, từng bước vững chắc theo hướng CNH-HĐH giai đoạn 2006-2010 của UBND huyện Gia Lâm.

Gia đình anh Mộc đã thuê 2,5ha đất để phát triển kinh tế trang trại và mũi nhọn là chăn nuôi lợn siêu nạc kết hợp trồng cây ăn quả. Trên cơ sở học tập kiến thức và kinh nghiệm của các trang trại tiêu biểu được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tổ chức tham quan, cùng với số vốn của gia đình, anh đã xây dựng 350m2 chuồng trại để chăn nuôi lợn, diện tích còn lại quy hoạch để trồng cây ăn quả.

Tuy nhiên để trang trại phát huy hết tiềm năng, năm 2010 gia đình anh đã vay thêm 300 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ để đầu tư phát triển quy mô sản xuất và áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất.

Nhờ có nguồn vốn Quỹ cho vay và được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, trạm Khuyến nông Gia Lâm nên năm 2010 gia đình anh đã thực sự vững vàng về mọi mặt để phát triển kinh tế. Năm 2010 tổng thu của gia đình đạt trên 800 triệu đồng và đã thường xuyên tạo việc làm cho 2 lao động tại địa phương với mức lương 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Mong được vay vốn nhiều hơn

img Nhu cầu vay vốn từ nguồn Quỹ Khuyến nông của người dân trên địa bàn thành phố là rất lớn, nên kiến nghị với thành phố cần cấp bổ sung vốn cho nguồn vốn Quỹ Khuyến nông để giúp nhiều hộ sản xuất, trang trại được tiếp cận với nguồn Quỹ này, góp phần mở rộng và phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung. img

Có thể nói các trang trại, hộ gia đình được sử dụng nguồn vốn từ Quỹ đều đánh giá rất cao hiệu quả của đồng vốn này, với mức phí quản lý Quỹ ưu đãi đã giúp họ yên tâm đầu tư vào sản xuất. Bên cạnh vốn tự có của gia đình, số vốn vay được từ nguồn Quỹ là nguồn đầu tư để cải tạo, nâng cấp và mở rộng quy mô sản xuất, tạo điều kiện để áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất.

Tuy nhiên bên cạnh đó các hộ có mong muốn trong thời gian tới, thủ tục để các hộ được vay đơn giản hơn, tránh rườm rà nhiều bước để đầu tư một cách kịp thời và có hiệu quả cao hơn nữa trong việc phát triển kinh tế của gia đình mình.

Ngoài ra, các hộ còn có mong muốn là, mức vốn được vay nhiều hơn nữa; tuỳ theo tính chất của mô hình và chu kỳ sản xuất của từng cây, con để quyết định thời gian cho vay vốn; các vùng sản xuất tập trung như vùng hoa Tây Tựu, HTX đề nghị được đứng đại diện xây dựng phương án để vay vốn, sau đó HTX sẽ phân bổ theo nhu cầu cụ thể của từng hộ sản xuất, từng tổ đội và các đội trường phải có trách nhiệm quản lý và thế chấp với HTX; đồng thời các hộ vay vốn có mong muốn được thông tin kịp thời về các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế trang trại của Nhà nước, cũng như các thông tin về đầu ra, tiêu thụ sản phẩm,…

Ông Đào Duy Tâm - PGĐ Sở NNPTNT Hà Nội đã đánh giá việc ra đời Quỹ thực sự đã mang lại những hiệu quả rất cao, tạo ra bước chuyển rất quan trọng trong từng đơn vị sản xuất. Tuy nhiên công tác quản lý, xây dựng cơ chế cho vay còn nhiều bỡ ngỡ, đặc biệt đội ngũ cán bộ chuyên quản lý Quỹ còn thiếu kinh nghiệm công tác nên còn lúng túng trong việc điều tra, nắm bắt nhu cầu vay vốn của các hộ sản xuất cũng như hướng dẫn các hộ lập hồ sơ vay vốn, tư vấn giúp các hộ vay vốn tổ chức sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

Trong thời gian tới cần củng cố lại và tăng cường công tác đào tạo cho cán bộ tham gia công tác quản lý Quỹ. Mặt khác hiện nay nhu cầu vay vốn từ nguồn Quỹ Khuyến nông của người dân trên địa bàn thành phố là rất lớn, nên kiến nghị với thành phố cần cấp bổ sung vốn cho nguồn vốn Quỹ Khuyến nông để giúp nhiều hộ sản xuất, trang trại được tiếp cận với nguồn Quỹ này, góp phần mở rộng và phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung.