Dân Việt

Tạo “đất” cho bà con Khmer

HUỲNH XÂY – THẠCH LAN 09/11/2015 06:00 GMT+7
Chuyển đổi cây trồng, học nghề mới để kiếm tiền lúc nông nhàn... là những hướng đi hiệu quả mà huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) đã triển khai nhằm giúp bà con dân tộc Khmer nâng cao thu nhập, thoát nghèo.

Thoát nghèo nhờ học nghề

Đa số bà con dân tộc thiểu số ở huyện Thạnh Trị là người Khmer, không có đất hoặc ít đất canh tác. Vì vậy, chính quyền huyện không chỉ chú trọng đào tạo nghề nông nghiệp mà còn tích cực đào tạo nghề phi nông nghiệp cho bà con. Nhờ có nghề, bà con Khmer đã “có đất” để nâng cao thu nhập cho gia đình.

img

Lớp kết hạt cườm của chị em phụ nữ tại huyện Thạnh Trị. Ảnh: THẠCH LAN

 “Tôi mới xây được căn nhà khang trang, sắm được nhiều vật dụng mới. Bây giờ không còn nghèo nữa. Có được như vậy là nhờ tôi tham gia lớp học nghề ở huyện” - anh Thạch Văn Đồng ngụ ấp Trung Nhất (xã Lâm Tân, huyện Thạnh Trị) chia sẻ.

Theo anh Đồng, trước đây gia đình (5 người) làm 2.000m2 đất ruộng cho thu nhập luôn bấp bênh vì gặp cảnh mất mùa, mất giá. Đến năm 2011, biết Trung tâm Dạy nghề huyện mở lớp kỹ thuật trồng trọt, anh đã đăng ký học. Khi kết thúc khoá học (3 tháng), anh đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng khổ qua tây. Do áp dụng tốt những kiến thức mới học được từ trường lớp vào sản xuất, ruộng khổ qua tây của anh đã phát triển tốt và cho năng suất cao liên tục nhiều vụ. Thấy mô hình mang lại hiệu quả cao, anh Đồng đã hướng dẫn kỹ thuật lại cho bà con lân cận cùng sản xuất, cùng làm giàu.

Chị Thạch Thị Tư (ngụ ở xã Tuân Tức) cùng 24 chị em trong xã đang theo học lớp kết hạt cườm do Trung tâm Dạy nghề huyện Thạnh Trị mở. Chị Tư cho biết: “Tay mình quen với việc cắt lúa thuê, nhưng đến khi máy gặt đập liên hợp phát triển thì không có người mướn nữa. Không có đất, không có việc nên gia đình tôi gặp khó khăn. Khi huyện mở lớp học nghề, tôi cũng đăng ký học. Nhờ các giáo viên nhiệt tình chỉ dạy nên tôi đã nhanh chóng thạo việc” – chị Tư nói.

Kiếm việc ngay tại quê

 Theo thống kê từ năm 2011 - 2015, Trung tâm Dạy nghề huyện Thạnh Trị đã mở 135 lớp dạy nghề cho trên 4.000 lao động. Trong đó, có gần 2.000 học viên là người dân tộc thiểu số. Số người có việc làm sau đào tạo chiếm trên 91%. 

Theo Trung tâm Dạy nghề huyện Thạnh Trị, trung tâm có ký hợp đồng với Hợp tác xã kết hạt cườm Đại Phát (tỉnh Hậu Giang). Sau khi học xong lớp kết hạt cườm, các chị em phụ nữ sẽ phối hợp với hợp tác xã  sản xuất, bán sản phẩm.

 “Cách đào tạo gắn với giới thiệu việc làm rất hay, vừa giải quyết được nhu cầu lao động đối với các công ty, hợp tác xã, tổ hợp tác vừa giúp các chị em có việc làm ổn định. Tránh tình trạng học xong không tìm được việc” – bà Trần Thị Lệ - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tuân Tức nói về lớp kết hạt cườm. Theo bà Lệ, chị em có việc làm ngay tại xã sẽ không phải bỏ nhà đi làm thêm nơi xa. Như vậy, con cái vẫn được chăm nom, gia đình không bị ly tán, sứt mẻ.

Về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong thời gian qua, ông Nguyễn Hoàng Việt - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Thạnh Trị cho biết: “Mỗi năm, trung tâm đều phối hợp với các xã, thị trấn rà soát nhu cầu của lao động tại địa phương, đồng thời tìm hiểu yêu cầu tuyển dụng của các công ty, xí nghiệp, hợp tác xã để tổng hợp, đề nghị tỉnh cho mở các lớp đào tạo”.

Cũng theo ông Việt, nhu cầu học nghề của người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số nên tới đây trung tâm sẽ tăng thêm lớp đào tạo. Ngoài nguồn kinh phí của tỉnh cấp (600-850 triệu đồng/năm để mở khoảng 28 lớp), trung tâm sẽ cố gắng vận động xã hội hoá…