Dân Việt

Làm giấy dó ở Hoà Bình: Nông dân không thể tự “bơi”

05/07/2011 17:32 GMT+7
(Dân Việt) - Mô hình sản xuất giấy dó thủ công chất lượng cao tại thôn Suối Cỏ, xã Hợp Hòa, huyện Lương Sơn, Hòa Bình được triển khai từ năm 2006. Tuy nhiên, sau 5 năm, làng nghề vẫn hoạt động cầm chừng.

Thôn Suối Cỏ là địa bàn cư trú của đồng bào dân tộc Mường, thu nhập của bà con chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp nên không cao. Nhằm giúp người dân nâng cao thu nhập, chính quyền địa phương, xã đã mở các lớp dạy nghề may, làm mây- tre đan… "Ban đầu, có rất nhiều người tham gia, sau số lượng càng giảm dần do họ thấy nghề được giới thiệu cho thu nhập thấp" - chị Bùi Thị Mến, một người dân thôn Suối Cỏ nói.

Niềm vui

img

Chọn nguyên liệu để làm giấy dó

Năm 2006, được sự hỗ trợ của Trung tâm Hỗ trợ và phát triển làng nghề VN; Trung tâm phát triển Kinh tế - xã hội và Môi trường cộng đồng (CSEED), mô hình sản xuất giấy dó thủ công chất lượng cao được triển khai tại Suối Cỏ, tổ sản xuất giấy thủ công chất lượng cao gồm 10 người được thành lập tại thôn, do ông Nguyễn Văn Chúc làm tổ trưởng. Nguyên liệu làm giấy chủ yếu là các cây, cơ ở địa phương: Vỏ của cây dướng (nguyên liệu chính)- một loại cây sẵn có tại địa phương; ngoài ra còn có vỏ cây dó, lá tre, lá của một số loại cỏ, lá rau ngót, cẩm hồng, bẹ chuối… Phương pháp sản xuất hoàn toàn thủ công gồm 36 công đoạn.

Mô hình thực hiện nhờ sự hỗ trợ của các chuyên gia Nhật Bản. Phương pháp và kỹ thuật sản xuất giấy truyền thống của người Nhật, kết quả ban đầu rất khả quan. Giấy dó thôn Suối Cỏ sản xuất được các chuyên gia Nhật Bản đánh giá rất cao về chất lượng nhờ đặc tính nhẹ, bền, dai, viết không bị nhòe… và bước đầu đã xuất khẩu sang Nhật.

Nỗi lo

img Việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm chủ yếu do nhóm tự làm. Nhiều du khách nước ngoài rất thích giấy dó Suối Cỏ. Tôi muốn giới thiệu tới họ nhưng không biết tiếng nước ngoài. img

Đưa nghề đến với người dân Suối Cỏ đã khó, nhưng để duy trì và phát triển nó còn khó hơn. Theo ông Chúc, nguyên nhân: "Sản phẩm của chúng tôi quá ít người biết đến. Đơn đặt hàng thỉnh thoảng mới có, mà có thì cũng chỉ từ 10 - 40 triệu đồng, không đủ vốn để duy trì sản xuất".

Hỏi "Tại sao không vay vốn để mở rộng sản xuất”, ông Chúc buồn bã: “Vốn thì vay được nhưng vay rồi, không bán được nhiều sản phẩm lấy đâu ra tiền trả ngân hàng. Hơn nữa, hiện nay nguồn nguyên liệu cũng giảm”.

Trước tình hình đó, tổ của ông phải đi thu mua nguyên liệu ở những địa phương khác. Ông Chúc cho biết, đây chỉ là giải pháp tình thế. Bởi nghề muốn phát triển bền vững phải có rừng cây nguyên liệu. Dướng là cây sinh trưởng nhanh, dễ mọc. Trồng một năm, có thể cho thu hoạch, sau đó không cần trồng lại. Người trồng chỉ cần tỉa bớt cây xấu và bón phân là có thể đợi thu hoạch năm tiếp theo. Trước đây, khi dự án mới triển khai, người dân thôn Suối Cỏ đã dành đất để trồng cây dướng. Nhưng rồi thấy nghề làm giấy không mang lại hiệu quả, nên họ chuyển sang trồng keo.

Song khó nhất vẫn là khâu quảng bá sản phẩm. Ông Chúc cho hay: "Việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm chủ yếu do nhóm tự làm. Nhiều du khách nước ngoài rất thích giấy dó Suối Cỏ. Tôi muốn giới thiệu tới họ nhưng không không biết tiếng nước ngoài. Tại Lễ hội Làng nghề-phố nghề Thăng Long- Hà Nội (tháng 9.2010), nhờ một cô thông thạo ngoại ngữ mà chúng tôi bán được khá nhiều sản phẩm"- ông Chúc kể.

Những ngày này, ông Chúc và các thành viên trong tổ đang tất bật với những lô hàng phục vụ khách Hà Nội và đơn đặt hàng từ Cộng hòa liên bang Đức...

Hiện, Suối Cỏ chỉ còn 15 hộ gắn bó với nghề làm giấy dó. "Tôi sẽ mở rộng xưởng sản xuất, mở thêm các cơ sở ở địa phương, dạy cho nhiều người biết làm nghề" - ông Chúc tâm sự.