Mạng lưới đường hầm này chạy qua thành phố Rafah của Ai Cập, giáp với Dải Gaza. Lực lượng an ninh Ai Cập đã phá hủy đường hầm này nhằm cắt đứt tuyến đường buôn lậu vũ khí từ Gaza tới các nhóm phiến quân Hồi giáo đang hoạt động ở sa mạc Sinai. Trong ảnh, một công nhân Palestine đang sửa chữa đường hầm vốn đã bị lực lượng an ninh Ai Cập phá hủy bằng cách bơm nước làm ngập đường hầm ngày 2.11.
Lực lượng an ninh Ai Cập đã bơm nước biển từ biển Địa Trung Hải gần đó để làm ngập đường hầm. Trong khi đó, giới chức Palestine cáo buộc, hành động trên cũng đã gây ô nhiễm nguồn nước, phá hoại đất nông nghiệp và nguy cơ gây ra dịch bệnh. Trong ảnh, công nhân Palestine sửa đường hầm sau khi nó bị Ai Cập bơm nước làm ngập ngày 2.11.
Các cư dân địa phương cho hay, thời đỉnh cao, mạng lưới đường hầm có tới gần 2.500 hành lang ngầm chạy ngoằn ngoèo dưới lòng đất trong khu vực biên giới giữa Gaza và Ai Cập.
Mạng lưới đường hầm buôn lậu này từng được xem là tuyến đường chính để vào Gaza. Không chỉ vũ khí, hàng hóa thương mại cũng được chuyển lậu qua đây. Mọi loại hàng hóa thông thường từ xe Hummer, máy giặt đến bò và cừu đều được chuyển qua mạng lưới đường hầm này.
Ảnh chụp toàn cảnh bên trên hệ thống đường hầm buôn lậu vũ khí dưới lòng sa mạc Trung Đông. Trong giai đoạn 2008-2010, nhiều người được cho là đã trở thành các triệu phú đô la nhờ điều hành hoạt động buôn lậu dưới lòng đất thông qua mạng lưới đường hầm trên.
Công nhân Palestine nghỉ giải lao trước khi tiếp tục sửa đường hầm. Tại thời điểm đỉnh cao 2008-2010, ước tính có khoảng 22.000 người Palestine làm việc và sống dựa vào "ngành công nghiệp" đường hầm.
Một công nhân Palestine ngồi bên trong mạng lưới hầm buôn lậu ngày 2.11.
Một công nhân Palestine cúi gập người đi bên trong đường hầm buôn lậu ngày 2.11. Lực lượng an ninh Ai Cập đã nhiều lần bơm nước làm ngập mạng lưới hầm ngầm buôn lậu này kể từ tháng 9 trong nỗ lực phá hủy nó mãi mãi.
Theo Reuters, những công nhân Palestine cho hay, hiện ít nhất vẫn còn khoảng 20 đường hầm trong mạng lưới hầm ngầm buôn lậu vẫn còn hoạt động. Những đường hầm này được sử dụng chủ yếu để buôn lậu hàng hóa thương mại và đặc biệt là thuốc lá. Tuy nhiên, không ai có thể chắc chắn, liệu mạng lưới hầm ngầm này còn chứa bao nhiêu vũ khí vốn được Hamas và các nhóm vũ trang khác bảo vệ.
Một công nhân Palestine đu dây thừng xuống đường hầm sửa chữa.