Đánh mạnh vào ý thức
Theo ghi nhận, đến thời điểm hiện tại TP.HCM vẫn là địa phương có số ca mắc SXH cao nhất cả nước. Đến ngày 31.10, toàn thành phố có 13.856 ca SXH nhập viện, tăng 96% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó có 5 trường hợp tử vong - tương đương cùng kỳ năm 2014.
Điều trị sốt xuất huyết cho trẻ em tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM. Ảnh: Q.H
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, để kiểm soát dịch bệnh tốt, ngoài nỗ lực của ngành y tế còn cần đến ý thức tự giác của mỗi cá nhân, hộ gia đình. Tuy nhiên, thời gian qua công tác phòng chống SXH của người dân khá lỏng lẻo, nhiều hộ gia đình tỏ ra khá thờ ơ với việc phòng chống dịch. Đặc biệt, khi cơ quan chức năng phun thuốc phòng chống SXH, nhiều gia đình còn từ chối hợp tác. Ghi nhận tại một số quận, huyện như quận 10, quận 3… có khoảng 30% gia đình không hợp tác với việc phun thuốc, gây khó khăn trong việc phòng chống dịch.
Trước tình trạng này, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho hay: “UBND TP.HCM đã có Chỉ thị số 14 (ngày 11.8.2015), chỉ đạo nhiều biện pháp phòng chống SXH, đáng chú ý nhất là việc áp dụng Nghị định 176 quy định về xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực y tế, trong đó có lĩnh vực phòng chống bệnh truyền nhiễm. Vì vậy, với những gia đình đã được vận động, nhắc nhở, cam kết tham gia phòng chống dịch SXH nhưng không thực hiện, chính quyền địa phương cương quyết xử phạt và thông báo rộng rãi đến các hộ dân”. Theo đó, Nghị định 176 quy định “Phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng đối với hành vi thải, bỏ các chất, vật dụng có khả năng làm lây lan bệnh truyền nhiễm”.
Ông Dũng cũng nhấn mạnh, y tế dự phòng đi chống dịch chỉ là giải quyết phần ngọn, trong khi yếu tố nguy cơ gây bệnh thì không giải quyết được, do đó phải có chế tài và chế tài đủ mạnh mới có sức răn đe.
Phạt nặng, làm nghiêm
"Theo PGS -TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đến nay trên cả nước đã có hơn 53.000 ca mắc SXH, trong đó 34 ca tử vong. Số ca mắc đang có xu hướng giảm, tuy nhiên, tình hình dịch SXH trong khu vực Đông Nam Á vẫn phức tạp, có nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào”. |
Thực tế, sau gần 2 tháng triển khai xử phạt hành chính, UBND các quận, huyện đã quyết liệt thực hiện một cách đồng bộ. Cụ thể, đến nay đã xử phạt 7 trường hợp, trong đó có 5 trường hợp ở quận Bình Thạnh và 2 trường hợp ở quận Tân Phú. Ngoài ra, có hàng chục hộ bị nhắc nhở, phê bình trong tổ dân phố… Theo ông Hưng, trước khi xử phạt, các phường đã cho các gia đình, tổ chức vi phạm trên làm cam kết diệt loăng quăng nhưng khi kiểm tra lại thì vẫn còn loăng quăng nên phường phải ra quyết định xử phạt.
“Con số xử phạt vẫn còn ít so với các vi phạm thực tế nhưng cho thấy quyết tâm của chính quyền địa phương trong việc xử lý những cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm pháp luật. Đồng thời, nó cũng góp phần giúp người dân thấy vai trò, trách nhiệm của mình đối với sức khỏe cộng đồng” - ông Hưng nói.
Được biết, quy trình của việc xử phạt khá chặt chẽ. Theo ông Trần Thanh Nam - Phó Chủ tịch UBND phường 25, quận Bình Thạnh (đơn vị đã ra 2 quyết định xử phạt), các đoàn kiểm tra của phường sẽ thường xuyên kiểm tra các hộ dân trên địa bàn quản lý. Nếu phát hiện sai phạm trong công tác phòng chống dịch thì đoàn sẽ lập biên bản nhắc nhở. Sau đó nếu còn tái phạm, UBND phường sẽ ra quyết định xử phạt hành chính. “2 trường hợp bị xử phạt là những nơi mà chúng tôi đã đi kiểm tra, giám sát nhiều lần nhưng ý thức chưa đảm bảo. Xử phạt là biện pháp để họ chuyển biến tốt hơn trong thời gian tới” - ông Nam khẳng định.
Ông Nguyễn Trí Dũng cho rằng, thời gian tới, chính quyền các cấp cần đẩy mạnh chế tài những trường hợp vi phạm: “Có vậy mới thay đổi ý thức và hành vi của người dân trong chống dịch bệnh”.