Dân Việt

Cuốn nhật ký thời đánh Mỹ

05/07/2011 17:30 GMT+7
(Dân Việt) - Trong thời gian công tác ở Hà Nội, tôi được gặp đại tá Nguyễn Văn Khuynh -nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Văn phòng Bộ Quốc phòng). Ông cho tôi xem rất nhiều kỷ vật thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trong đó, cuốn nhật ký chiến tranh đã được ông giữ gìn cẩn thận suốt hơn 40 năm qua, trong căn phòng trang trọng nhất.

Ông quê ở Phú Thọ, nhập ngũ tháng 4.1967 vào Sư đoàn 250, Quân khu Việt Bắc khi chưa đầy 18 tuổi. Tháng 7.1967, ông được đi học lái xe tăng ở Đoàn 202 (Binh chủng Tăng - Thiết giáp). Ra trường, ngày 14.11.1967, ông cùng đơn vị vào Nam chiến đấu với bí số 262, thuộc Đại đội mang bí danh Kiên Cường. Lúc này, ông bắt đầu viết nhật ký.

img
 

Trong cuốn nhật ký của ông có đoạn:

“4. 1968: Vào đến Tây Ninh, tôi được bổ sung vào C47, D5, J16 đặc công, huấn luyện để chuẩn bị tham gia tổng công kích đợt 2 năm 1968…Đang ngon giấc bỗng hàng loạt tiếng nổ, tiếp đó là những ánh chớp, tiếng rít trên trời, tiếng mảnh đạn văng và cành cây gãy rào rào. Mọi người chỉ biết lao xuống hầm theo phản xạ, không hiểu nguyên nhân gì. Phút bất ngờ đã qua, tôi đã hiểu được thế nào là pháo địch. Đó là cảm nhận đầu tiên với lính chiến…”.

Hơn 5 năm viết nhật ký, ông đã ghi lại những trận chiến đấu ác liệt với quân thù, với bao đau thương, mất mát. Dù bận rộn với công việc, đối mặt với bao nguy hiểm, nhưng ông vẫn luôn mang cuốn nhật ký ấy bên mình như một người bạn.

Năm 1973, sau khi Hiệp định Pari được ký kết, ông tạm dừng viết nhật ký, chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Đến nay, cuốn nhật ký ấy chỉ còn hơn một trăm trang viết (đã thất thoát nhiều trang) bằng giấy pơ - luya. Nhưng trong đó, nó đã kể tội ác của quân thù đối với nhân dân ta.

Trước khi ra về, tôi có hỏi ông rằng: “Tại sao bác không hiến tặng nó cho Bảo tàng Binh chủng Đặc công cất giữ, như vậy sẽ tốt hơn?”.

Ông không ngần ngại cho biết: “Tôi chưa muốn xa nó. Nhìn thấy nó là tôi như nhìn thấy đồng đội, những người đã ngã xuống và những người sống sót trở về”.