Dân Việt

Vì sao Toyota "chưa dám" sản xuất xe sang Lexus tại Trung Quốc?

Minh Thu 07/11/2015 07:43 GMT+7
Khách hàng Trung Quốc sẽ phải đợi vài chục năm nữa mới được sở hữu những chiếc xe sang Lexus do Tập đoàn Toyota Motor sản xuất ở Trung Quốc bởi công ty Nhật chưa tin tưởng chất lượng dây chuyền tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

Theo Boomberg, trong khi BMW, Mercedes-Benz và Audi đã có nhà máy sản xuất tại Trung Quốc thì những chiếc Lexus vẫn được nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản. Đây là lý do khiến người mua phải chi thêm tiền khi chịu thuế nhập khẩu. Điều đáng nói, tập đoàn Toyota vẫn từ chối sản xuất dòng xe Lexus ở Trung Quốc dù nhiều dấu hiệu cho thấy dây chuyền sản xuất ô tô của Trung Quốc đã có những cải thiện đáng kể.

img

Toyota chưa tin tưởng chất lượng sản xuất dòng xe sang Lexus tại Trung Quốc. 

"Quá nhiều rủi ro về chất lượng khi sản xuất ô tô ở Trung Quốc. Khi những khó khăn được giải quyết, dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc sẽ được khởi động nhưng chắc là vài chục năm nữa", phó chủ tịch Lexus International, ông Takashi Yamamoto nói. 

Tuy nhiên, nếu Lexus tiếp tục từ chối sản xuất xe tại Trung Quốc, họ sẽ vấp phải sự cạnh tranh về giá cả với các dòng xe sang Đức. Theo đó, thuế nhập khẩu đã đẩy giá khởi điểm của mỗi chiếc Lexus IS lên gần 369.000 nhân dân tệ (58.200 USD). Trang web Autohome ước tính, mức giá này cao hơn 30% so với dòng 3-series của BMW và hơn 35% so với A4 của Audi.

Sự do dự của Lexus hoàn toàn đối lập với những dữ liệu cho thấy chất lượng sản xuất xe tại Trung Quốc trong những năm qua, đã cải thiện so với đối thủ từ các nước phát triển. Chính sự cải thiện về mặt chất lượng đã khiến các hãng sản xuất ô tô trên thế giới mở nhà máy ở Trung Quốc, cũng như chia sẻ kiến thức chuyên môn và quy trình sản xuất với đối tác liên doanh.

Điển hình, trong 4 năm qua, các loại xe Series 5 của BMW được sản xuất tại nhà máy ở thành phố Thẩm Dương, phía đông bắc Trung Quốc đã lọt vào Top đầu trong các cuộc khảo sát chất lượng của tổ chức uy tín thế giới J.D. Power & Associates. 

Ngoài ra, khảo sát chất lượng của J.D.Power công bố hồi tuần trước cho thấy những người mới mua xe ở Trung Quốc cũng chỉ thông báo 105 lỗi trên 100 xe. Con số này thấp hơn nhiều so với 168 lỗi hồi năm 2010. Trong khi đó, số lỗi trung bình tại thị trường Mỹ trong năm nay là 112.

"Chưa chắc xe Trung Quốc đã đạt chất lượng tốt hơn, nhưng chắc chắn xe sản xuất tại Trung Quốc đang có tính cạnh tranh mạnh", ông Geoff Broderick, chuyên gia phân tích ôtô tại J.D. Power cho biết. 

Theo ông Broderick, chất lượng xe do Trung Quốc sản xuất được cải thiện là nhờ trình độ công nhân tại các dây chuyền nhà máy ngày càng tăng, quá trình tự động hóa được ứng dụng nhiều hơn và quy trình kiểm soát chất lượng cũng khắt khe hơn.

Về phần mình, Lexus từ lâu đã nổi tiếng về quy trình sản xuất tại Nhật Bản, với những thợ đeo găng tay trắng bên dây chuyền lắp ráp. Chỉ có những người làm việc nhiều năm ở nhà máy mới được đảm nhận khâu kiểm tra chất lượng. Quan điểm của Toyota là họ chỉ có thể kiểm soát chất lượng xe tốt khi xe được sản xuất tại quê nhà. Đây là lý do mà sau 26 năm bán chiếc Lexus đầu tiên tại Mỹ, Toyota mới mở nhà máy sản xuất trên đất Mỹ.  

Nhà máy tại Kentucky của Toyota bắt đầu lắp ráp dòng Lexus ES hồi tháng trước. Đây là nhà máy thứ 2 sản xuất Lexus ngoài lãnh thổ Nhật Bản. Trước đó, Toyota đã mở cơ sở sản xuất ở Ontario, Canada.

"Mỹ và Canada có truyền thống và lịch sử thiết kế, sản xuất xe hơi lâu đời. Do đó, chúng tôi có nhiều điểm tương đồng. Trung Quốc có lịch sử sản xuất xe khá ngắn nên chúng tôi cảm thấy chưa an tâm về chất lượng xe sang sản xuất tại đây. Sản xuất tại Nhật Bản mới bảo đảm chất lượng. Nếu chuyển sang dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc, nhiều vấn đề sẽ nảy sinh", ông Yamamoto chia sẻ. 

Trái với các hãng BMW, Audi và Mercedes-Benz, chính giá thành cao cũng đã khiến doanh số bán Lexus bị ảnh hưởng tại Trung Quốc. Trong năm 2014, doanh số bán Lexus trên toàn cầu đạt kỷ lục 583.000 chiếc, nhưng chỉ chiếm gần 15% tại thị trường Trung Quốc. 

Nội dung được thực hiện qua thảm khảo nguồn tin từ Bloomberg News. Bloomberg News cùng tờ BusinessWeek là hai chuyên trang về kinh tế, phân tích tài chính và cung cấp dữ liệu cho các đối tác doanh nghiệp của Tập đoàn truyền thông Bloomberg.