Tuy nhiên, không phải lúc nào “đắt tiền” cũng đồng nghĩa với chất lượng. Đã có những hãng phim đã phải ngậm ngùi nhìn bộ phim đắt đỏ của mình chìm vào sự lãng quên của khán giả.
Spectre (6.709 tỉ đồng)
Siêu phẩm mới nhất về 007 có chi phí sản xuất hàng nghìn tỉ đồng.
Phần phim mới nhất về siêu điệp viên 007 của Columbia Pictures có chi phí sản xuất siêu khủng – 300 triệu USD, chưa kể chi phí phát hành. Bộ phim có giá cao như vậy là do những cảnh hành động trong phim tiêu tốn ngân sách không nhỏ, đặc biệt là các pha rượt đuổi bằng siêu xe.
Được biết, chỉ để quay riêng Spectre, 7 trong số 10 chiếc Aston Martin đã bị “hủy diệt” hoàn toàn. Giá trị của số xe bị phá lên tới 24 triệu bảng Anh (812 tỷ đồng).
Hiện tại, Spectre bắt đầu được công chiếu rộng rãi toàn cầu. Nhiều khả năng, bộ phim này sẽ vượt qua kỷ lục phòng vé mà Skyfall – phần phim 007 trước đó đã làm được.
Avatar (6.932 tỷ đồng)
"Avatar" đã tạo ra một thế giới hoàn toàn khác.
Avatar là siêu phẩm điện ảnh đầu tiên được công chiếu rộng rãi dưới định dạng 3D. Bộ phim được đạo diễn James Cameron ấp ủ từ năm 1994 nhưng tại thời điểm đó, các thiết bị máy móc chưa thể hỗ trợ cho ông biến thế giới trong tưởng tượng của mình thành sự thật.
15 năm sau, Avatar đã được sản xuất với số tiền đầu tư lên tới 310 triệu USD với sự góp sức của 3 hãng phim là Lightstorm Entertainment, Dune Entertainment, Ingenious Film Partners. Ngoài ra, siêu phẩm này còn tiêu tốn thêm 150 triệu USD tiền quảng bá. Avatar được coi là một bước đột phá trong công nghệ điện ảnh.
Số tiền đầu tư khủng của Avatar đã giúp bộ phim được đề cử 9 giải Oscar, trong đó có Phim xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất và đoạt 3 giải. Avatar còn là bộ phim có doanh thu khủng nhất trong năm 2009 và tính đến nay, phim đã thu về gần 3 tỷ USD, gấp 10 lần số tiền đầu tư ban đầu.
The Hobbit: The Battle of the Five Armies và Harry Potter and the Half-Blood Prince (5.590 tỷ đồng)
Những đạo quân trong phim được dựng bằng kỹ xảo.
Cả hai bộ phim này đều được đầu tư số tiền 250 triệu USD để dựng lại hai thế giới trong hai cuốn sách nổi tiếng.
The Hobbit: The Battle of the Five Armies là phần phim cuối cùng trong bộ 3 phim về anh chàng Hobbit. Bộ phim là trận chiến cuối cùng giữa những người lùn, Tiên Tộc và đội quân ác quỷ của những tên Orc. Để dựng lại được độ hoành tráng của trận chiến này, các nhà làm phim phải bỏ ra số tiền lớn là điều dễ hiểu.
Một điều đáng mừng là The Hobbit: The Battle of the Five Armies cũng đã thu về gần 1 tỷ USD và trở thành bộ phim có doanh thu cao thứ 2 trong năm 2014.
Phần 6 của Harry Potter là bộ phim đắt đỏ nhất.
Còn Harry Potter and the Half-Blood Prince cũng là bộ phim đắt đỏ nhất của cả series này. Bộ phim cũng đã mang về Phim thu được 159,6 triệu USD sau 5 ngày công chiếu đầu tiên trên toàn Bắc Mỹ và tổng doanh thu lên gần 1 tỷ USD.
Spider-Man (Người Nhện) 3 (5.769 tỉ đồng)
Spider-Man là siêu anh hùng có phần phim đắt nhất.
Người Nhện đã “vinh dự” trở thành siêu anh hùng của Marvel có phần phim riêng đắt đỏ nhất với chi phí sản xuất lên tới 258 triệu USD vào năm 2007. Tại phần này, Spider-Man phải đối đầu cùng một lúc với 3 kẻ thù là Sandman, Venom và Harry Osborn nên những cảnh quay các trận chiến của siêu anh hùng này cũng phải nhân lên nhiều lần.
Ngoài ra, việc lấy bối cảnh tại New York cũng ngốn không ít tiền của các nhà sản xuất. Laura Ziskin, một trong những nhà sản xuất đã chia sẻ: “Mỗi cảnh quay tại New York tốn khoảng 1 triệu đôla”.
Tangled (5.814 tỉ đồng)
Đồ họa tuyệt đẹp của "Tangled" đã khiến chi phí sản xuất phim tăng cao.
Tangled (Công chúa tóc mây) là bộ phim hoạt hình đắt nhất trong lịch sử với chi phí sản xuất là 260 triệu USD. Đồ họa siêu khủng của Tangled là lí do để bộ phim hoạt hình này có giá khủng đến vậy. Chẳng hạn như cảnh thả đèn lồng trong ngày sinh lần thứ 18 của công chúa Rapunzel, nhóm hiệu ứng đã phải tạo ra một ngọn lửa với 10.000 điểm sáng và sau đó nhân bản chúng lên tới con số 46.000 ngọn lửa.
John Carter (5.897 tỉ đồng)
Phim có chi phí siêu khủng nhưng vẫn thất bại.
Walt Disney Pictures đã bỏ ra số tiền 263.7 triệu USD (chưa tính chi phí quảng bá, phát hành) để thực hiện bộ phim khoa học viễn tưởng ngoài Trái Đất John Carter. Bộ phim đã được quay trong suốt 9 tháng. Chi phí đắt đỏ nhất của John Carter dành cho việc phải dựng lại những cảnh phim ở sao Hỏa.
Tuy nhiên, John Carter đã đem về thiệt hại không nhỏ cho Walt Disney vì doanh thu phòng vé thất bại thảm hại so với chi phí khổng lồ bộ phim bỏ ra. Paul Dergarabedian, Giám đốc của Hollywood.com cho biết: "Kinh phí khổng lồ của John Carter đòi hỏi bộ phim phải thu về trên 600 triệu USD trên toàn cầu mới đủ hoà vốn - mức doanh thu mà hiện tại chỉ có 63 phim đạt được trong lịch sử điện ảnh".
Avengers: Age of Ultron (6.261 tỉ đồng)
Avengers: Age of Ultron cũng là một bộ phim "đắt đỏ" của Disney.
Siêu phẩm điện ảnh của mùa hè năm 2015 cũng là một trong những bộ phim có chi phí sản xuất thuộc hàng top. Marvel và Disney đã phải bỏ ra gần 300 triệu USD để thực hiện Avengers: Age of Ultron. Chi phí sản xuất cao nhưng các siêu anh hùng của Marvel cũng đã mang về doanh thu 1,4 tỉ USD, gấp 5 lần chi phí sản xuất. Tóm lại, Avengers: Age of Ultron vẫn là một thương vụ hời của Marvel và Disney.
Pirates of the Caribbean: At World's End (6.709 tỉ đồng)
Đây là phim có kinh phí tốn kém nhất từng thực hiện trước năm 2007.
Phần phim thứ 3 về tên thuyền trưởng cướp biển Jack Sparrow có chi phí sản xuất lên tới 300 triệu USD, trở thành bộ phim có kinh phí tốn kém nhất từng thực hiện tính đến thời điểm đó, ngay cả sau khi điều chỉnh lạm phát.
Nhờ chi phí sản xuất siêu khủng mà Pirates of the Caribbean: At World's End đã nhận được những đánh giá cao về nhạc phim hoành tráng, các pha hành động gay cấn và hiệu ứng kỹ xảo đẹp mắt. Phim cũng nhận được 2 đề cử Oscar cho Thiết kế phục trang đẹp nhất và Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất.
Pirates of the Caribbean: On Stranger Tides (8.945 tỉ đồng)
Phần 4 của "Cướp biển vùng Caribbean" có chi phí sản xuất cao nhất trong lịch sử.
Bộ phim có chi phí sản xuất cao nhất trong lịch sử điện ảnh thuộc về phần thứ 4 của series Cướp biển vùng Caribbean với giá gần 400 triệu USD. Phim được quay rải rác ở nhiều địa điểm trên thế giới như Hawaii, Vương quốc Anh, Puerto Rico và California. Ngoài ra, chi phí sản xuất của Pirates of the Caribbean: On Stranger Tides bị đẩy cao là do phim sử dụng kỹ thuật quay phim 3D từng được áp dụng trong sản xuất phim Avatar năm 2009 và hợp tác với 10 công ty chuyên thiết kế hiệu ứng hình ảnh.
Dù không nhận được sự đánh giá cao từ phía công chúng như 3 phần phim trước đó nhưng Pirates of the Caribbean: On Stranger Tides vẫn có doanh thu đạt mức 1 tỷ USD sau khi công chiếu toàn cầu.