Dân Việt

30 triệu cử tri Myanmar lần đầu bầu cử tự do sau 25 năm

Ngọc Phạm (Theo Reuters) 08/11/2015 11:15 GMT+7
Hôm nay (8.11), khoảng 30 triệu cử tri tại Myanmar bắt đầu đi bỏ phiếu tự do để chọn lựa các thành viên quốc hội.

Sau 25 năm sống dưới chế độ độc tài, hôm nay (ngày 8.11), khoảng 30 triệu cử tri Myanmar bắt đầu đi bỏ phiếu tự do để lựa chọn những người mà họ tin tưởng từ hàng ngàn ứng viên quốc hội và hội đồng khu vực. Sau đó, tổng thống và 2 phó tổng thống sẽ do quốc hội bầu ra.

Đảng đối lập do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo, được dự đoán sẽ được lựa chọn trong phần lớn số phiếu của khoảng 30 cử tri nói trên. Tuy nhiên, theo hiến pháp viết bởi chính quyền quân sự, bà Suu Kyi sẽ không thể trở thành tổng thống do có chồng và con ruột là người ngoại quốc (người Anh), ngay cả khi đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà giành chiến thắng.

img

Hình ảnh ủng hộ bà Aung San Suu Kyi trước trụ sở Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ hôm 5.11. (Ảnh: Reuters)

Đã có những lo ngại trước cuộc bầu cử khi có thông tin cho rằng, khoảng 4 triệu người sẽ không tham gia bỏ phiếu, và những căng thẳng tôn giáo giữa chủ nghĩa dân tộc Phật giáo và Hồi giáo. Tuy nhiên, không khí chung tại Myanmar là những cử tri tỏ ra hứng thú khi đi bỏ phiếu.

“Tôi có một chút vai trò trong việc tạo nên sự thay đổi, đó là sự xuất hiện của nền dân chủ. Tôi hy vọng mọi thứ sẽ diễn ra tốt đẹp trong sự kiện lịch sử này”, Daw Myint, 55 tuổi, một giáo viên đã nghỉ hưu, cho biết tại một trạm bỏ phiếu ở Yangon. Myint cho biết thêm, bà bỏ phiếu cho NLD.

Kết quả của cuộc bầu cử dự kiến sẽ được công bố chậm. Các quan chức nói rằng, tên những người dành chiến thắng trong một vài vị trí của quốc hội sẽ được công bố vào cuối ngày Chủ Nhật, nhưng cũng có thể sẽ cần phải đợi tới chiều thứ Hai.

img

Người dân Myanmar đến bỏ phiếu tại một điểm bầu cử ở thành phố Yangon. (Ảnh: AFP)

Mặc dù lần này được xem là một cuộc bầu cử tự do, công bằng nhưng thực tế 1/4 số ghế trong quốc hội chắc chắn sẽ dành cho các sĩ quan quân đội mà không cần thông qua bầu cử. Do đó, để thành lập một chính phủ và tự quyết tổng thống, đảng NLD hoặc liên kết với các đồng minh phải giành được nhiều hơn 2/3 số ghế còn lại. Ngược lại, Liên minh Đoàn kết và Phát triển Đảng (USDP) chỉ cần một số phiếu ít hơn và đảm bảo sự ủng hộ của khối quân sự.

Tuy nhiên, cử tri dự kiến ​​sẽ cự tuyệt USDP do được thành lập bởi chính quyền cũ và được dẫn dắt bởi cựu sĩ quan quân đội. Đó là một chế độ độc tài dựa vào danh nghĩa chính phủ dân sự dưới thời Tổng thống Thein Sein trong năm 2011.

Có tổng cộng hơn 90 đảng phái tham gia cuộc chạy đua vào quốc hội ở đất nước 52 triệu dân này.

Một kết quả khảo sát được công bố hôm thứ Bảy (7.11) bởi tập đoàn truyền thông Mizzima cho thấy, chỉ 29% số cử tri quen thuộc với các ứng viên trong khu vực của họ.

Trong một bài phát biểu vào thứ Sáu, Tổng thống Thein Sein thừa nhận tổ chức cuộc bỏ phiếu là một thách thức lớn, và nhấn mạnh cam kết của chính phủ trong việc đảm bảo một cuộc bỏ phiếu công bằng với hơn 10.000 giám sát viên.

An ninh cũng đã được thắt chặt khắp đất nước, với 40.000 cảnh sát được đào tạo đặc biệt và được phái đến các khu vực bỏ phiếu. Một số nhà hàng và các khu chợ ở thành phố lớn nhất Myanmar - Yangon đã tạm đóng cửa.

Vào năm 1990, bà Suu Kyi đã giành chiến thắng trong một cuộc bỏ phiếu nhưng chính quyền quân đội không công nhận kết quả. Bà cũng bị cấm tham gia các kỳ bầu tổng thống theo hiến pháp do chính quyền quân sự viết ra nhằm bảo vệ quyền lợi của mình.