Hàng ngàn người khác ở quê nhà cũng nêu gương họ, mang giấc mơ tỷ phú mà nối đuôi nhau để tiếp tục lên rừng. Họ bỏ lại làng quê xao xác những người vợ, người mẹ trĩu gánh âu lo.
Tỷ phú nhờ lộc trời
Cơn sốt tìm trầm thực tế rộ lên từ những năm đầu thập niên 1980. Quảng Nam là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số người hành nghề này. Phương pháp khai thác thủ công theo kiểu huỷ diệt. Tìm gặp cây dó bầu, địu trầm liền sát hạ, băm tìm từ ngọn cho đến tận rễ cây. Bởi vậy, nguồn tài nguyên quý giá này đã gần như cạn kiệt.
Người dân thôn Phước Lộc, Đại Lộc nhốn nháo chờ tin... |
Người tìm trầm xứ Quảng bây giờ lang bạt tận các vùng rừng xa xôi ở các tỉnh bạn, đôi khi lạc qua cả rừng Lào, Campuchia. Nhưng, lộc trời thỉnh thoảng lại ban tặng cho những người phiêu dạt này, cứ như một thứ "thuốc nhử", gây nghiện, khiến những trai tráng ở Quảng Nam đến bây giờ vẫn miệt mài lên núi tìm trầm.
4 thanh niên (trong số 7 người) của làng Mỹ Hảo, trúng đậm kỳ nam, trở thành tỷ phú vào năm 2005 đã thực sự đổi đời. Sau khi bán hàng trót lọt, họ đã chia nhau mỗi người được gần 4 tỷ đồng để gửi ngân hàng.
Vốn xuất thân từ miền quê quá nghèo khổ, lại một đời vất vả lội rừng nên họ biết giá trị của đồng tiền. Bởi vậy, Trương Văn Lợi (SN 1975)- người anh cả của nhóm đã "dừng bước giang hồ". Với số vốn khấm khá ấy, Lợi đã vào TP.HCM mở công ty xây dựng. Còn anh em nhà họ Doãn Thành Tài (SN 1979), Doãn Xuân Tuấn (SN 1988), thì bỏ quê Đại Phong, lên thị trấn Ái Nghĩa tậu nhà, mua ô tô để chuyển sang nghề vận tải hành khách đường dài. Một số thanh niên khác thì ra TP.Đà Nẵng, chuyển sang nghề kinh doanh buôn bán...
Tuy nhiên, số phận may mắn như vậy không phải đến với tất cả những người trúng trầm ở Quảng Nam. Theo chính quyền xã Đại Phong, huyện này đã từng có 4 thợ trầm xã Đại Minh trúng trầm, bán được 1,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó những cuộc cờ bạc rượu chè, ăn chơi trác táng, thậm chí đánh người, gây tai nạn giao thông… đã đưa họ đến kết cục trắng tay rồi hoàn kiếp thợ trầm.
Số người trúng trầm vài trăm triệu đồng ở Đại Lộc xưa nay không kể xiết, nhưng cũng “của thiên trả địa”. Đáng nói nhất là có cả chục người, từng là cán bộ công chức, vì ham món hời trời cho nên bỏ cả công sở, chuyển sang nghề địu trầm. Không may, trong số họ chưa có ai đổi đời được.
Tan tác làng quê
Không còn là thời hưng thịnh của nghề tìm trầm, song mỗi năm, chỉ riêng huyện Đại Lộc có cả ngàn người nối đuôi nhau lên rừng bới mót trầm, kỳ. Hiện tượng này thường rộ lên sau thời điểm có người trúng lớn.
Tháng 9.2010, tại huyện này cũng rộ tin đồn nhóm 10 người trúng được kỳ nam, bán hơn 20 tỷ đồng. Lập tức, cả ngàn thanh niên kéo nhau lên vùng núi giáp ranh Quảng Nam- Quảng Ngãi và Kon Tum để xăm rừng, đào bới. Chỉ riêng xã Đại Quang, chính quyền đã thống kê không dưới 500 người rời quê, lên núi.
Xóm làng hiu hắt, ruộng đồng thiếu bóng đàn ông. Nhưng khủng khiếp hơn là đến giữa tháng 10.2010, tin đồn cho hay có 14 người ở xã Đại Quang và Đại Nghĩa vì ăn nấm độc mà bị chết tập thể giữa rừng... Cả chính quyền và hàng vạn thân nhân của những người tìm trầm thất thần. Tôi còn nhớ, chính quyền còn dự phòng cả phương án đưa phương tiện đi đón thi thể của người bị nạn.
Trưởng Công an xã Đại Quang, ông Trương Văn Dũng hoang mang: "Chính quyền đã nhận được cấp báo từ dân, rằng có đến 14 người đi tìm trầm, do ăn nấm độc mà chết giữa rừng. Hàng ngàn người đã toả đi tứ phương, thành nhiều nhóm trên rừng, không biết đâu mà xác định. Công an huyện Đại Lộc đã chỉ đạo các địa phương lập tức rà soát số người đã rời quê, lên núi tìm trầm. Vì thế mới biết xã Đại Quang có hơn 500 thanh niên trai tráng đã đi tìm trầm vào các tỉnh Khánh Hoà, Kon Tum, Gia Lai. Sau khi rà soát lại số người là thân nhân, xã phát hiện nhóm 11 người ở thôn Phước Lộc là mất thông tin với gia đình nhiều ngày liền".
Trong đó có 2 anh em Nguyễn Xuân Luyến, Nguyễn Xuân Sơn cùng cậu ruột là Đậu Văn Hùng và 2 người anh họ Phan Văn Thiết và Nguyễn Văn Chung cùng đi 1 nhóm. Có mặt tại thôn Phước Lộc lúc ấy, chúng tôi cũng bàng hoàng theo hàng ngàn dân ở đây. Căn nhà chị Nguyễn Thị Thu Hoà - vợ của Nguyễn Xuân Luyến đông nghẹt người. Người dân cả thôn Phước Lộc bỏ việc đồng áng, bỏ cả ăn uống mà thẫn thờ chờ tin thân nhân, bà con. Vợ con các gia đình địu trầm mất liên lạc thất thần, chìm trong nước mắt lo sợ.
Cảnh rối loạn tâm thần này cũng xảy ra tương tự tại các xã Đại Đồng, Đại Nghĩa, Đại Phong... nơi có thân nhân của hàng trăm dân địu trầm. Nhưng, rất may, hung tin ấy chỉ là tin đồn. Riêng làng quê xao xác, kinh tế nhiều gia đình suy kiệt vì thiếu vắng lao động đàn ông là có thực.
Bài 3: Nhánh rẽ trầm hương
Thay vì nối gót cha anh để tiếp tục lên núi bòn trầm, thanh niên, nông dân quê hương Trung Phước (Quế Sơn) này giờ lại rẽ theo một hướng khác: Trồng dó - nuôi trầm, làm trầm thủ công mỹ nghệ và giàu lên một cách bền vững...
Quỳnh Châu