Ông Hà Nam Ninh bên những cuốn sách Thái cổ viết về Mường Khoòng và Chúa Chổm.
Nguồn gốc
Theo chính sử, năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê; nhiều trung thần của vua Lê không phục, lấy Thanh Hóa làm căn cứ để khởi sự, mưu việc phò Lê diệt Mạc. An Thành hầu Nguyễn Kim tìm được Lê Duy Ninh, tôn lập làm vua Lê Trang Tông (ở ngôi từ năm 1533 đến 1548). Lâu nay, nhiều học giả cho rằng, vua Lê Trang Tông chính là Chúa Chổm, chỉ có một số học giả và người dân thành phố Thanh Hóa coi Chúa Chổm là vua Lê Anh Tông. Nhiều người cho rằng, Chổm là tên riêng, còn Chúa là tước vị. Hoặc vì chỏm tóc trái đào nên ông có tên là Chỏm, rồi bị đọc thành Chổm. Nhiều người khách lại cho rằng, khi Nguyễn Kim phát hiện ông đang nằm trong chợ, gối đầu trên đòn gánh, thì nghĩ đến chữ “Chẩm”, bèn gọi là Chúa Chẩm rồi chệch thành Chúa Chổm.
Chúng tôi đi tìm thân thế Chúa Chổm theo hướng khác, bắt đầu từ việc xác định nơi Nguyễn Kim tôn lập Lê Duy Ninh lên ngôi. Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú chép: “Nguyễn Kim tìm thấy Lê Duy Ninh ở vùng thượng du Thanh Hóa, đón sang Ai Lao lập làm vua”, mà không ghi địa danh cụ thể. Có điều, xưa nay, người Mường, người Kinh quen gọi người Ai Lao (Lào) và người Thái là một, nên đất Ai Lao mà Nguyễn Kim lập vua có thể là miền đất cư trú của người Thái ở Thanh - Nghệ và Tây Bắc nước ta hiện nay.
Đền thờ các vua nhà Lê có thờ bài vị của nhà vua mang biệt danh “Chúa Chổm”.
Tiếp xúc với ông Hà Nam Ninh, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, hiện làm công tác khuyến học ở địa phương, chúng tôi nhận được những tư liệu quý báu. Nghe hỏi chuyện Chúa Chổm, ông Ninh bật cười: “Chúa Chổm thì cả tiếng Kinh, tiếng Thái, tiếng Mường, tiếng Khơ Mú… đều không có nghĩa gì. Nhưng hoàn toàn có thể cắt nghĩa được vì sao lại gọi vua Lê Trang Tông là Chúa Chổm. Mà có lẽ cũng chỉ ở vùng Mường Khoòng của Bá Thước này mới có thể giải thích được điều đó thôi”. Rồi ông mở tủ, lấy ra một số cuốn sách chữ Thái cổ giấy ố vàng chi chít ký tự loằng ngoằng và hình vẽ lạ mắt. Cuốn sách này ông sưu tầm được trong nhà con cháu nhiều đời của ông quan bản Dộc là Hà Văn Yên tại Mường Khoòng xưa (xã Lũng Cao, Bá Thước hiện nay). Sách viết về những thủ lĩnh người Mường, người Thái và cư dân từ xưa trên đất này. Trong đó, ghi chép nhiều về ông tạo Mường Khoòng Hà Nhân Chính và ông quan bản Dộc - những nhân vật có ảnh hưởng trực tiếp đến vận mệnh nhà Hậu Lê, cụ thể là vua Lê Trang Tông, người mở đầu thời Lê Trung hưng kéo dài nhất lịch sử phong kiến Việt Nam.
Theo đó, ông Hà Văn Yên là người có uy tín, được dân bản tôn làm quan bản Dộc (còn đọc là Dôộc, theo tiếng kêu của loài vượn lông đen đuôi dài có nhiều ở vùng này). Bản Dộc toàn người Mường nhưng là bản nhỏ bé nên thuộc vào đất Mường Khoòng của người Thái. Bốn bề núi đá cao vây bọc, khá hẻo lánh, nhưng lại có đồng ruộng tương đối phì nhiêu nên cuộc sống ở bản Dộc rất êm ấm. Ông quan Dộc vốn chịu khó, hiền lành, hào phóng, hay thương người nên rất được dân bản yêu quý. Một hôm, quan Dộc đang đi cày thì có người đàn bà bụng chửa từ xa đến xin nương nhờ vì gia đình bị kẻ gian hãm hại, nhà tan cửa nát, người thân đã chết hết. Chút máu mủ còn lại trong bụng cũng đang bị kẻ thù truy sát. Quan Dộc thấy người đàn bà chửa có dáng vẻ đoan trang, quý phái, nên dù chưa rõ thực hư câu chuyện ra sao vẫn vui lòng giúp đỡ. Ông đưa người đàn bà đến một chiếc hang lớn kín đáo trong vùng để giấu, sai người nhà nuôi nấng, chăm sóc, chờ ngày sinh nở.
“Giấu Trộm”
Biết tiếng ông Quốc công (có lẽ là Lỵ Quốc công Trịnh Duy Thuân, hậu duệ của Khai quốc công thần nhà Hậu Lê là Trịnh Khắc Phục- PV) là một quan lớn miền xuôi rất hiểu biết đang mộ binh, tụ nghĩa trong vùng, ông bèn tìm đến để hỏi chuyện. Quốc công nói: “Kinh thành vừa có loạn lớn, gian thần lộng quyền, lòng người không thuận. Gần đây, ta xem thiên văn, thấy sao Thái vương chiếu sáng vùng Mường Khoòng, lẽ nào là điềm lành rằng nơi này sắp có thiên tử? Ngươi nên chăm sóc người đó cẩn thận, nếu linh ứng thì đúng là hồng phúc của nước nhà. Người thường thì chửa thường, còn trứng rồng thì phải đủ 12 tháng mới nở. Lúc sinh thì vào ban ngày, trời quang mây tạnh”. Quả nhiên, người đàn bà mang thai đủ 12 tháng thì trở dạ, nhưng đau suốt từ sáng đến xẩm tối mà vẫn chưa sinh con. Quốc công bèn cùng quan Dộc soạn một mâm lễ cầu cúng trời đất. Trời bỗng sáng sủa trở lại, rồi một cậu bé khôi ngô chào đời, chính là vua Lê Trang Tông sau này.
“Chúa Chổm thì cả tiếng Kinh, tiếng Thái, tiếng Mường, tiếng Khơ Mú… đều không có nghĩa gì. Nhưng hoàn toàn có thể cắt nghĩa được vì sao lại gọi vua Lê Trang Tông là Chúa Chổm” Ông Hà Nam Ninh, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, |
Ông Hà Nam Ninh nói: “Quan Dộc lại tiếp tục nuôi giấu mẹ con đứa trẻ suốt nhiều năm nữa trong hang đá. Năm 1533, khi cậu bé đã lớn khôn, được quan Tày Ngự (Nguyễn Kim) cùng các đại thần nhà Lê đến đón đi làm vua thì người dân mới biết về thân thế của cậu. Do được nuôi giấu trong hang suốt nhiều năm, nên bà con gọi cậu là Chù Chốm (nghĩa là Giấu Trộm), sang tiếng Kinh thì chệch thành Chúa Chổm. Bản Dộc nằm trong vùng giao thoa văn hóa của người Thái và người Mường Bi (mường ngoài), nên cách phát âm hơi khác. Theo tiếng Mường trong (Thanh Hóa), “giấu trộm” phát âm là “Chù Nôm” nên người Mường ở Cẩm Thủy, Ngọc Lặc không giải thích được nguồn gốc tên gọi Chúa Chổm cũng dễ hiểu”.
Đất Mường Khoòng ngày nay - nơi được cho là khởi phát của Nhà Lê trung hưng.
Đền ơn
Có vua Lê Trang Tông để chính danh nêu cao ngọn cờ “phù Lê diệt Mạc”, lực lượng khởi nghĩa do Nguyễn Kim lãnh đạo ngày càng lớn mạnh. Sự nghiệp trung hưng nhà Lê có những thành công nhất định, triều đình bèn ban thưởng công lao cho những người có công. Nơi tổ chức buổi lễ long trọng đó hiện nay là xã Ban Công (huyện Bá Thước). Công đầu thuộc về Mường Khoòng vì đã nuôi giấu nhà vua, tìm được ấn vàng và giúp đỡ quân lương rất nhiều trong buổi đầu triều đình còn trứng nước. Công thứ hai thuộc về Mường Xang (huyện Mộc Châu, Sơn La) vì đã liên kết với các bộ lạc Ai Lao đem quân đẩy lùi nhiều cuộc tấn công của quân nhà Mạc. Công thứ ba thuộc về Mường Hạ, rồi đến Mường Thàng (thuộc Mai Châu và Cao Phong của Hòa Bình)... Mường Khoòng sau này được gọi là xã Quốc Thành, lấy ý từ lời vua Lê Trang Tông rằng “thành quốc, thành nước là từ mảnh đất này”.
Vua Lê phong cho Nguyễn Kim tước Thượng phụ Thái sư Hưng Quốc công, thay vua xử lý mọi công việc lớn nhỏ của triều đình. Ông Mường Khoòng Hà Nhân Chính được phong chức Tư đồ, tước Thụy Sơn hầu, sau thăng lên Thụy Quận công. Con trai nối chức cha là Lân Quận công Hà Thọ Lộc, danh tướng có nhiều công lao phò Lê diệt Mạc, được phong chức Tư mã rồi Thiếu úy, khi mất được truy phong Thái úy. Riêng ông quan bản Dộc Hà Văn Yên được vua Lê Trang Tông gọi là bố nuôi, rất mực yêu quý, kính trọng. Vốn quen sống thanh đạm, ông Hà Văn Yên nhường hết của cải, tước vị cho mọi người, tiếp tục cuộc sống an nhàn nơi bản Dộc nắng ít lạnh nhiều, bốn bề rừng núi.
Vẫn theo sử sách của người Thái, vào khoảng năm thứ tám thời vua Lê Trang Tông (1541), ông tạo Mường Ánh (nay thuộc huyện Quan Hóa) là Phạm Bá Tiến mắc mối hàm oan lớn. Con voi của nhà vua trên đường đánh giặc cực nhọc đến chảy nước mắt mà quản tượng vẫn thúc đi. Đến dốc Kéo Đó thì voi già kiệt sức, ngã xuống vực mà chết. Viên quản tượng sợ tội, bèn vu họa cho ông tạo mường này bắn chết voi. Dân Mường Ánh bị phạt vạ, phải đền một con voi to như voi thật, thân bằng đồng, vòi bằng bạc, ngà bằng vàng. Lấy tre nứa đan hình nộm voi, đem hết của cải trong mường ra để phủ lên, nhưng chiếc ngà voi bằng vàng thì cả mường không thể kham nổi. Ông tạo Mường Ánh bèn chạy sang cầu cứu tạo Mường Khoòng, thì được khuyên: “Chỉ có quan Dộc là bố nuôi nhà vua, may ra cứu nổi”.
Quan Dộc vui vẻ nhận lời, dặn ông tạo Mường Ánh kiếm ngay một con hon, một đôi sóc, hai cái hoa chuối rừng, hai bó gừng, hai gói tỏi để mang đi theo ông đến gặp vua. Hai ngày sau, quan Dộc chống gậy đi trước, tạo Mường Ánh gánh quà lỉnh kỉnh theo sau cùng đến hành cung Yên Trường - Vạn Lại (huyện Thọ Xuân ngày nay). Quân lính chẳng biết mấy người này là ai, bèn ngăn cản không cho vào. Quan Dộc bèn đứng bên ngoài gọi to: “Chổm ơi, bố ra thăm mày đây! Chổm ơi!”. Nghe tiếng réo gọi tên thuở nhỏ của nhà vua, đám quân lính ùa ra bắt lại. Quan Dộc bảo: “Bắt thì cứ bắt, nhưng phải đem quà của ta vào cho Chổm đi, kẻo để lâu hỏng hết”. Quân lính đem quà vào, nhà vua nhận ra ngay bố nuôi mình, bèn chạy ra ngoài đón rước vào. Vua nghe bố kể chuyện, bèn minh oan cho tạo Mường Ánh, rồi tặng hai người rất nhiều quà, đưa trở về quê cũ. Nhớ ơn quan Dộc, ông Phạm Bá Tiến đem biếu tặng rất nhiều của cải, nhưng quan Dộc chỉ nhận một rẻo đất giáp sông Mã, đặt tên là bản Kén. Chuyện này ghi trong sách, có các quan tạo mường, tạo bản lân cận đặt tay in dấu lên văn bản làm bằng.
Sách cổ của người Thái còn kể thêm sự việc ông tạo Mường Khoòng Hà Thọ Lộc phạm tội khi quân, bị bắt nhốt trong ngục chờ xử chém. Lúc đó, quan Dộc đã già và Chúa Chổm Lê Trang Tông, Thái sư Nguyễn Kim đều đã mất. Vua mới không nhớ chuyện cũ nên ông quan Dộc sai người con trai thứ ba của tạo mường đem hết những tờ ghi công trạng hạng nhất mà triều đình ban cho Mường Khoòng dâng lên. Nhà vua liền tha tội cho Hà Thọ Lộc, đồng thời ban thưởng thêm “52 khiêng (gánh) của cải” để mang về Mường Khoòng. Thái úy Hà Thọ Lộc thoát đại nạn liền sai con cháu lập lời thề ghi nhớ công ơn quan Dộc, tất cả đều đặt bàn tay hoặc điểm chỉ vào văn tự ấy làm bằng.
Một trang sách Thái cổ viết về chuyện liên quan Chúa Chổm.
Hàm oan?
Từ những tư liệu thu thập được qua tiếp xúc với các nhà nghiên cứu văn hóa và người dân địa phương, chúng tôi nhận định khác về món nợ của Chúa Chổm. Có lẽ nào, câu chuyện ông quan bản Dộc hai lần lếch thếch từ trên thượng du về xuôi, thậm chí đứng ngoài hành cung gào réo tên vua, khi về mang theo nhiều quà cáp dần dần tam sao thất bản? Từ chuyện này mà thành chuyện các con nợ kéo về tận kinh thành đòi nợ Chúa Chổm chăng?
Bên cạnh một số chi tiết mang yếu tố huyền bí được hư cấu, tính xác thực của các sử liệu này vẫn cần được nghiên cứu, thẩm định một cách nghiêm túc. Nhưng rõ ràng, món nợ ân tình của Chúa Chổm đối với các trung thần nhà Lê như Nguyễn Kim, Trịnh Duy Thuân, Trịnh Duy Liêu, Trịnh Kiểm… cùng nhân dân vùng thượng du người Mường, người Thái là rất lớn, không dễ gì trả hết bằng bổng lộc, tiền bạc. Hậu duệ của dòng tộc vua Lê hiển hách chịu ơn sâu đối với các tướng lĩnh trung thành và hàng vạn người dân theo mình trong sự nghiệp trung hưng một triều đại tưởng đã sụp đổ. Món nợ non sông này cao hơn rất nhiều lần so với món nợ xôi thịt, cờ bạc tầm thường mà Chúa Chổm bị hàm oan suốt nhiều thế kỷ nay?