500 cuốn sách mới tinh mang đến tặng quan khách hết veo, ban tổ chức phải thông báo xin đại biểu đừng sốt ruột, sách sẽ được mang đến tiếp.
Có lẽ hiếm buổi ra mắt sách nào lại đông vui và hoành tráng đến thế trong vài năm gần đây. Khuôn mặt của những nhà văn, nhà thơ trong nhóm dịch giả “Truyện Kiều” ngập tràn hạnh phúc vì công trình sau 2 năm chạy đua với thời gian của họ đã hoàn tTrhành đúng hẹn trước lễ kỷ niệm 250 năm Ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du.
Có đến gần 10 vị quan khách được mời lên phát biểu trong buổi ra mắt sách. Đại diện UBND tỉnh Hà Tĩnh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt- Nga… Ai cũng nói những lời “có cánh”. Nhưng trong niềm vui, không thể quên một nỗi chạnh lòng với câu hỏi: Ai là người đưa nàng Kiều sang Nga?
UBND tỉnh Hà Tĩnh ư? Hội Nhà văn Việt Nam ư? Viện Hàn lâm Khoa học xã hội ư? Hội Hữu nghị Việt Nga ư? Tất cả đều không phải. Nàng Kiều đã “đặt chân” đến 20 quốc gia trên thế giới, nhưng riêng nước Nga- một nền văn hóa có khá nhiều ân tình với người Việt, tại sao chuyến đi của nàng lại muộn màng đến thế?
Nếu không có doanh nhân Hoàng Văn Vinh- Chủ tịch hội người Việt Nam tại tỉnh Xvedlov (LB Nga) – người quyết tâm tài trợ việc chuyển dịch tác phẩm từ cách đây 2 năm, sẽ không có ngày vui rực rỡ này. Nếu không có khao khát tôn vinh văn hóa dân tộc của một người con đất Nghi Xuân (Hà Tĩnh) như ông Vinh, nàng Kiều có lẽ còn rất lâu nữa mới có cơ hội đặt chân được đến nước Nga.
Số tiền để dịch “Truyện Kiều” sang tiếng Nga có lẽ không quá nhiều đến mức ngân sách hoạt động của một tổ chức hội nghề nghiệp, một viện, một tỉnh không thể gánh nổi, bởi trên thực tế, một doanh nhân đã có thể đứng ra làm việc đó. Vấn đề là ở chỗ, không phải ai cũng có tấm lòng vì văn hóa dân tộc như vị doanh nhân kia.
Tháng 9 vừa qua, UBND tỉnh Hà Tĩnh làm dư luận xôn xao khi đề xuất xây khu trung tâm hành chính trị giá trên 1.500 tỷ đồng, thế nhưng việc chi kinh phí tài trợ dịch “Truyện Kiều” thì hình như chưa ai nghĩ là chuyện đáng làm. Tiền chi cho văn hóa đã ít, nhưng còn xót xa hơn khi nó bị phung phí vào những “lỗ hà lỗ hổng” mà chẳng để lại ấn tượng gì.
“Lời quê chắp nhặt dông dài/Mua vui cũng được một vài trống canh”, câu kết “Truyện Kiều” đầy khiêm nhường của đại thi hào Nguyễn Du, càng ngẫm lại càng thấy xót xa.