Ông Kiều Liêm - nguyên Chủ tịch UBND xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, bảo vậy.
Đối tượng tác động của chiến dịch luôn sâu, rộng.
Năm 2015, Chiến dịch “Tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến các xã có mức sinh cao, khó khăn” (trong bài gọi tắt là Chiến dịch) ở tỉnh Sơn La được triển khai tại 70 xã và chia thành 2 đợt Chiến dịch trên cơ sở điều kiện thực tiễn của địa bàn. Nói về những lần triển khai Chiến dịch, ông Kiều Liêm - nguyên Chủ tịch UBND xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, tâm sự: Nhiều năm làm cán bộ xã ở đây, tôi thấy rằng công tác Dân số luôn được huyện Mộc Châu và tỉnh Sơn La quan tâm nhưng hiệu quả nhất vẫn là những đợt Chiến dịch được triển khai tại xã, bản.
Các bác sĩ thuộc Trung tâm y tế Dự phòng huyện Phù Yên tỉnh Sơn La thực hiện khám thai và tư vấn sức khỏe trong chiến dịch CSSKSS-KHHGĐ ở xã Tân Lang, huyện Phù Yên. Ảnh: K.T
Lý giải cái “Hiệu quả nhất” ấy, ông Liêm bảo: Thứ nhất, thực hiện Chiến dịch là đưa dịch vụ tư vấn, tiểu phẫu đến tận cơ sở với đội ngũ y, bác sĩ có tay nghề cao nên người dân tin tưởng hơn. Thứ hai là việc tư vấn ở đây là tư vấn trực tiếp, lại lồng ghép thêm với không khí lễ hội nên thu hút người dân tốt hơn. Thứ ba là thời điểm tổ chức chiến dịch được tính toán kỹ để phù hợp với yếu tố thời tiết và mùa vụ của địa bàn, không gây khó cho người dân tham dự cũng như với các xã triển khai thực hiện chiến dich.
Thứ tư là trong những đợt Chiến dịch như thế, công tác tư vấn trực tiếp có sức thuyết phục rất lớn tới người nghe mà đối tượng được tư vấn lại tập trung cao trong tinh thần hưng phấn của lễ hội nên tiếp thu tốt. Đặc biệt là công tác tư vấn trong dịp này có nhiều đối tượng thụ hưởng cả về độ tuổi và giới tính cũng như trình độ dân trí.
“Ngay như chúng tôi là cán bộ xã, có mấy khi được tư vấn đầy đủ về mảng công tác này. Nhưng một khi xã được chọn làm điểm triển khai Chiến dịch thì tất cả cán bộ xã, bản phải bám địa bàn, bám dân để phối hợp tuyên truyền, tham dự Chiến dịch. Như thế là coi như tập thể cán bộ xã, bản đã được tham dự một đợt tư vấn khá hoàn thiện. Khi cán bộ đã hiểu được nội dung, ý nghĩa của Chiến dịch thì hiệu quả tuyên truyền cũng như chỉ đạo sẽ cao hơn và thường xuyên hơn” – ông Liêm nhấn mạnh.
Hiệu quả chiến dịch luôn đạt cao
Nhiều lần tham dự các Chiến dịch CSSKSS-KHHGĐ ở vùng cao, thấy rằng việc triển khai các Chiến dịch đến cơ sở quả là không dễ dàng nếu không có sự thấu hiểu về địa bàn, tâm lý dân tộc. Nếu triển khai Chiến dịch vào đúng mùa mưa hoặc mùa thu hoạch ngô, lúa thì sẽ rất khó huy động người dân tham gia vì thời điểm này người dân rất bận trong khi giao thông vùng cao lại rất khó khăn. Với đồng bào một số dân tộc ít người, tuy là đối tượng quan tâm đặc biệt của Chiến dịch nhưng bà con lại có quan điểm “ngại cho người ngoài biết, ngại nói cho họ nghe về chỗ kín của mình”. Vì thế trước khi triển khai Chiến dịch, công tác tuyên truyền phải đi trước một bước, phải đến từng nhà, rà từng đối tượng thì khả năng huy động người dân tham gia Chiến dịch mới đạt cao.
Tuy nhiều khó khăn là vậy nhưng đầu năm đến nay, từ thực tiễn triển khai Chiến dịch, ông Trần Đình Thuận - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Sơn La, cho biết: “Chúng tôi đã đạt được nhiều con số khả quan: Đặt vòng tránh thai: 8.500 ca, tăng 899 ca so với cùng kỳ năm 2014; Cấy thuốc tránh thai: 110 ca, tăng 46 ca so với cùng kỳ năm 2014; Uống thuốc tránh thai: 8.676 ca, tăng 2.559 ca so với cùng kỳ năm 2014; Bao cao su: 5.315 ca, tăng 1.659 ca so với cùng kỳ năm 2014; Tiêm thuốc tránh thai: 4.000 ca, tăng 998 ca so với cùng kỳ năm 2014... Những kết quả đó tuy chưa thật sự như mong muốn nhưng đã minh chứng cho hiệu quả hoạt động của Chiến dịch; tích cực góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội của dịa phương”.