Dân Việt

Hỗ trợ để giúp ngư dân bám biển

05/07/2011 17:11 GMT+7
(Dân Việt) - Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Duy Lượng đã nói như vậy khi trao đổi với phóng viên NTNN về việc hỗ trợ mua bảo hiểm cho ngư dân và phương tiện đánh bắt.

Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Duy Lượng cho biết: Những năm gần đây, nhờ Nhà nước đầu tư các trạm thông tin liên lạc qua vệ tinh, cấp phát máy thu tín hiệu dự báo thời tiết cho ngư dân và công tác cảnh báo, phòng tránh thiên tai trên biển được tăng cường nên đã hạn chế một phần thiệt hại về người và phương tiện.

img
Việc hỗ trợ cho ngư dân mua bảo hiểm sẽ giúp họ bám biển, giữ chủ quyền.

Tuy nhiên, rủi ro trong đánh bắt xa bờ vẫn xảy ra, trong đó có rủi ro về bão tố, áp thấp nhiệt đới, an ninh trên biển… Dù vậy, do nhận thức của ngư dân về bảo hiểm còn hạn chế; mức phí bảo hiểm mà các doanh nghiệp bảo hiểm đưa ra cao, thậm chí đôi khi còn nhiêu khê thủ tục, nên ngư dân chưa mặn mà với bảo hiểm.

img
Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Duy Lượng

Theo ông, đối với ngư dân, việc mua bảo hiểm cho người và phương tiện đánh bắt có ích lợi gì?

- Trong khai thác, đánh bắt xa bờ có nhiều rủi ro, lớn nhất là thiệt hại về người, rồi đến mất tàu do bão tố thiên tai, bị cướp, bị trôi lưới… Nếu tham gia bảo hiểm cho người và phương tiện, khi rủi ro xảy ra, ngư dân vẫn còn một khoản trích lĩnh từ bảo hiểm, hỗ trợ cho việc tái đầu tư.

Đặc biệt, trong bối cảnh gia tăng sự phức tạp về an ninh trên Biển Đông như hiện nay, tham gia bảo hiểm cho người và phương tiện càng trở nên cần thiết để ngư dân có thể tự tin bám biển.

Theo thống kê, cả nước có hơn 134.000 tàu cá với khoảng 4 triệu lao động. Tuy chưa có con số chính thức về số phương tiện cũng như con người tham gia bảo hiểm, nhưng tôi nghĩ số này là không nhiều.

Việc mua bảo hiểm cho ngư dân và phương tiện đánh bắt có là một giải pháp nhằm động viên, khuyến khích ngư dân bám biển?

- Tôi cho rằng hỗ trợ ngư dân mua bảo hiểm cho người và phương tiện đánh bắt xa bờ là một trong những giải pháp thiết thực. Hỗ trợ ngư dân mua bảo hiểm cần được xã hội hoá, huy động từ nhiều nguồn, ngân sách nhà nước, các khoản tài trợ, vận động từ doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức. Hỗ trợ ngư dân còn thể hiện ở những việc thiết thực khác như đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, tập huấn kiến thức về luật pháp và ứng xử trên biển cho lao động đi biển.

Trong bối cảnh gia tăng sự phức tạp về an ninh trên Biển Đông như hiện nay, tham gia bảo hiểm cho người và phương tiện càng trở nên cần thiết để ngư dân có thể tự tin bám biển.

Để nâng cao hiệu quả kinh tế của nghề đánh bắt xa bờ và thu nhập cho ngư dân, điều cốt yếu nhất cần phải làm là gì, thưa ông?

- Trong tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản hàng năm thì phần khai thác, đánh bắt xa bờ chỉ chiếm 20%. Khai thác xa bờ còn nhiều tiềm năng, nhưng do phương tiện, trình độ đánh bắt lạc hậu nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Đội tàu khai thác xa bờ hiện nay chủ yếu vẫn là tàu gỗ, công suất thường dưới 400 mã lực.

Chính vì vậy, việc cốt yếu nhất hiện nay là huy động đa dạng nguồn lực từng bước hiện đại hoá phương tiện và trình độ đánh bắt xa bờ bằng cách đầu tư vào đóng mới, nâng cấp tàu thuyền, mua sắm thiết bị, đào tạo nghề cho lực lượng lao động trên biển. Đi kèm với đó là việc nâng cao giá trị gia tăng của mặt hàng thuỷ hải sản bằng cách nghiên cứu, đầu tư cho khâu chế biến, hạn chế dần việc xuất khẩu thô…