Hôm ấy lão mặc bộ bà ba gụ, mốt của mấy ông già ngoại thành, đầu đội chiếc mũ lá. Lão thấy người ta xúm đen xúm đỏ ở chỗ cổng chợ, rỗi việc, lão cũng ghé xem có chuyện gì xảy ra. Thì ra là người ta đang quay phim. Thấy hay hay, lão len vào tận vòng trong để xem.
Khi cảnh quay kết thúc, người ta dãn ra bớt, bỗng anh đạo diễn đến bên lão nói:
- Cháu muốn nhờ bác một việc có được không ạ?
Lão nhìn anh đạo diễn với ánh mắt ngưỡng mộ, nói:
- Anh nhờ tôi giúp? Tôi thì giúp anh được gì? Đừng bảo là anh nhờ tôi đóng phim đấy nhé.
- Dạ cháu muốn nhờ bác đóng phim thật ạ.
- Đóng phim, anh quả là có con mắt tinh đời đấy.
Lão nói ráo hoảnh, cứ như mình là nhân tài mà bấy lâu nay không ai biết ấy.Tính lão vốn thế mà. Anh đạo diễn thấy lão hào hứng nhận lời thì rất vui. Anh bèn gọi nhân viên hóa trang đến. Người ta bôi râu lên mặt lão, xắn quần ống cao ống thấp cho lão, cái mũ lá thì vẫn được giữ nguyên. Anh đạo diễn đưa cho lão chai rượu rồi nói:
- Bây giờ bác đi khật khưỡng vào kia, vừa đi vừa tu chai rượu này, tu cạn chai rượu, bác quăng chai đi, rồi ôm bụng cười sặc sụa. Cười càng sặc sụa càng tốt.
Cảnh quay diễn ra đúng có một lần, đạo diễn hài lòng không chê vào đâu được. Đạo diễn đến bên lão bảo:
- Trước đây bác đã đóng phim bao giờ chưa mà sao bác diễn đạt thế?
Lão cười bảo:
- Từ thuở bé đến giờ tôi đã diễn với đóng gì đâu.
- Vậy mà bác diễn rất đạt, chứng tỏ bác có khiếu điện ảnh đấy.
- Khiếu với khướu gì, các anh đưa cho tôi chai nước vối bảo là chai rượu, tu nước vối mà bắt con người ta phải khà như tu rượu thật thì bố thằng nào nhịn được cười mà tôi chả cười sặc sụa.
Lúc ra về, anh đạo diễn còn đưa cho lão cái phong bì, nói là tiền cát xê. Lão lâng lâng như đi trên mây về nhà. Đúng lúc cả nhà đang chuẩn bị ăn cơm, đông đủ cả con cháu, lão đập bét một phát cái phong bì tiền cát sê đóng phim lên bàn, rồi kể cho cả nhà nghe sự kiện lớn nhất trong đời lão. Cậu con trai lão bảo:
- Thế bố xem cát sê của bố được bao nhiêu để còn khao cả nhà chứ.
Lão run run mở phong bì, lão ồ lên: “Hai chục nghìn con ạ”.
Con trai lão bảo:
- Thế thì nó đưa nhầm phong bì cho bố rồi, cát sê của bố đáng ra phải bảy chục cơ, hai chục là cát sê của người chỉ đi qua, đi lại trước ống kính thôi. Để hôm nào con bảo thanh toán lại cho bố.
Từ đấy lão rất hay được đóng phim thật, khi thì là vai bảo vệ trường học, khi thì vào vai hành khất đứng ở cửa chùa, khi thì nhập vào đám đông hùng hổ vác cuốc, vác vồ đi đấu tranh...
Cứ mỗi lần xong phim, lão lại điện thoại cho bạn bè trong cả nước lịch chiếu phim của lão, lão tự hào lắm.Từ ngày được đóng phim lão thay đổi hắn cách sống, ăn mặc thì chải chuốt, diêm dúa, lập dị ra phết, lão còn in cả các vi dít, xưng là diễn viên điện ảnh như ai. Một lần trên truyền hình người ta đang phỏng vấn một diễn viên trẻ, nghe anh ấy trả lời là mới tham gia đóng được ba bộ phim. Lão xì một tiếng rõ to mà rằng: Muỗi con ạ, bố mày đây đóng hàng chục phim mà còn chưa thèm lên truyền hình khoe nhé.
Họp tổ dân phố lão cũng nhắc nhở bà con là từ nay phải sống cho có văn hóa hơn, vì trong cộng đồng giờ có cả các nghệ sỹ chung sống nữa. Mọi người hơi bị sốc vì không biết cộng đồng dân cư của mình có văn nghệ sỹ nào mới về ở.
Lão tham gia vào rất nhiều câu lạc bộ: khiêu vũ, bóng bàn, cờ tướng... mục đích chỉ là để quảng cáo lão là diễn viên điện ảnh. Ngồi nói chuyện với bất cứ ai, hễ chuông điện thoại reo thì chưa cần bật máy lão đã dắng một câu rõ to: “Chắc lại của cậu đạo diễn nào gọi đến đây, bây giò bận thế đấy, mang lấy cái nghiệp vào thân cũng khổ”. Nhưng thường là không phải của đạo diễn nào cả, lão lại bảo: “May quá không phải của đạo diễn mời đi đóng phim, chứ không thì lúc này cũng xin kiếu, mệt lắm”.
Cũng có một lần đang ngồi với mấy ông bạn già thì có điện thoại mời lão đi đóng phim thật, lão vội bật loa điện thoại to lên cho tất cả cùng nghe:
- Bố đến hồ ngay để giúp con một cảnh quay nhé.
- Ờ, cảnh gì đấy, có phải chuẩn bị gì không?
- Cảnh xác chết đuối trong phim “Cái xác bên hồ”.
Lão quay sang người bên cạnh:
- Đấy, lại phải vào vai chính, muốn nghỉ ngơi cũng không được.