Giữ tiếng Việt cho con
Một người quen của giáo sư Thái Kim Lan, có con gái là nghệ sĩ múa tại Đức, sang Đức thăm con, nhân thể ghé thăm nhà giáo sư Thái Kim Lan. Ông vô cùng kinh ngạc kể với mọi người rằng ông cảm thấy một điều đặc biệt đến khó tả trong cuộc sống của giáo sư.
Chẳng hạn như giữa nước Đức, đi vào khu vườn rộng chừng 400m2 của giáo sư thì chỉ thấy cây xanh và tượng Phật. Khi vào nhà ông thấy không biết bao nhiêu tượng Phật được lưu giữ, đếm không xuể. “Tôi khâm phục nhất đó là khi vào nhà, thấy giáo sư đem được cả một cái giường gỗ cũ kỹ ở Huế sang Đức để nằm!”.
Tiến sĩ Thái Kim Lan tại TPHCM, tháng 10.2015.
Tình yêu quê hương của giáo sư đặc biệt đến nỗi khi mang thai, người mẹ Việt Nam này thường trò chuyện với đứa con trong bụng bằng tiếng Việt, để nó được nghe những tiếng nói quê hương gần gũi nhất. Những lúc nghỉ ngơi, đó là lúc người mẹ đọc kinh sách.
Những đồng nghiệp người Đức tò mò khi thấy Thái Kim Lan không sử dụng sữa bò nuôi con như họ mà cho con bú. Buổi tối, bà ấp con ngủ và ru con bằng những làn điệu dân ca ngọt ngào và du dương.
Một lần, bà đã làm mọi người ngạc nhiên khi đưa về Việt Nam triển lãm bộ sưu tập áo dài cổ rất quý hiếm, như một nhà sưu tầm thời trang chuyên nghiệp vậy. Giáo sư Thái Kim Lan không chỉ yêu mến truyền thống văn hóa dân tộc đơn thuần như những người Việt Nam yêu nước khác, mà ở bà, tình cảm ấy được đúc rút từ trong sự nghiên cứu, tìm tòi, khẳng định những giá trị của văn hóa dân tộc. Bà khẳng định rằng: “Văn hóa rốt cuộc là cái hồn dân tộc, hay là lương tri, đạo lý của cả một dân tộc. Bởi vì văn hóa cao nhất của con người giữa loài người chính là vẻ đẹp đạo đức của mỗi cá nhân bộc phát từ sự chiêm nghiệm thành tâm về diện mục quốc gia trong quá trình hình thành trình tự dân tộc, hòa nhịp cùng và theo kịp với lân bang, với toàn hoàn vũ trong mục đích cao nhất là chung sống hòa bình, người người trong ngoài hòa hợp hạnh phúc”.
Trong cái nôi Đông Phương
Giáo sư Thái Kim Lan cho biết công việc yêu thích của bà là giảng dạy triết học phương Đông, đặc biệt là triết học Phật giáo tại Đức. Tôi nghe tiếng giáo sư từ vài chục năm trước, khi trí thức Việt kiều bắt đầu về nước khá nhiều và những ảnh hưởng từ tiếng tăm của họ đối với trí thức trong nước, nhất là những người trẻ tuổi là không thể phủ nhận được. Trong số ấy, những người chuyên sâu về lĩnh vực triết học không nhiều, bởi vậy mà tên tuổi của nữ giáo sư “người Việt nhưng lại dạy triết ở “vương quốc triết học” là nước Đức” lại càng gợi thêm sự tò mò.
Thái Kim Lan sinh ra và lớn lên ở cái nôi Phật giáo Huế. Người sinh viên này đã tham gia vào phong trào đấu tranh Phật giáo những năm 1960 và tận mắt chứng kiến những biến cố lớn của Phật giáo trong những năm tháng khó khăn ấy.
Bà đã kể lại một kỷ niệm thời sinh viên của mình: “Một lần trong thời Pháp nạn, chúng tôi ngồi tuyệt thực giữa sân chùa trong cơn nóng rát lưng tháng 5 ở Huế. Nóng, khát làm tê dại châu thân. Lại thêm mặt trời buổi trưa chói lói đến phải nhắm nghiền mắt, hào hễn thở, gục mặt trong nón lá, cơ hồ ngất lịm. Bỗng có ai sờ lưng với cái vuốt êm mát của một bàn tay thật dịu dàng, tôi nhìn lên, thấy một cái nón rộng vành hầu như che hết cả thân mình, sau dải nón màu lam, có một nét cười mỉm, rất hiền, một tay đưa cho tôi bát nước trong. Đó là lần đầu tiên tôi được gặp, sau này mới biết vị sư ấy là sư bà Diệu Không. Trước đó, tôi chưa lên chùa thường xuyên nên chẳng biết rõ ai là ai. Chỉ biết từ lúc cái nhìn ngước lên, có hiện hữu “một người”, mà “một người ấy” xuất hiện vô cùng nhẹ nhàng, như một cái bóng phất phơ”.
Rất gần đây, giáo sư có cuộc ra mắt cuốn sách mới tại TPHCM, trong cuốn sách có nhiều bài viết về những người đã ảnh hưởng hoặc để lại nhiều ấn tượng với tác giả. Trong số ấy không ít vị là những người chân tu. Với Thái Kim Lan, dường như dù phiêu bạt ở chân trời góc bể hay lạc vào những chốn phồn hoa đô hội của thế giới, thì một chút tĩnh lặng dung dị của chốn huyền không vẫn để lại trong tâm khảm giáo sư những tình cảm thật thanh khiết: “Liêu của Sư bà (sư bà Cát Tường ở Huế) ngăn làm hai căn nhỏ, phía trước thờ Phật và phía sau là giường nghỉ của sư bà. Từ chối mấy cũng không xong, sư bà nhất định nhường cho tôi sập nằm của sư bà, lại còn mang thêm chăn ấm, săn sóc từng 5 phút một xem tôi có ổn không, cứ lo giường chiếu của người đi tu quá đơn sơ.
Nhưng nhà sư có biết đâu kẻ tục lụy đang thấy mình như nhập vào chốn non bồng thoát tục. Cho nên nằm xuống là tôi đã ngủ ngay, một phần vì trái giờ và đi xa mệt mỏi, một phần nhờ hơi ấm trìu mến bao bọc quanh mình. Khi thức dậy đã thấy nước chè xanh để sẵn, nhìn ra thấy sư bà ngồi ở bàn chăm chú trì kinh”.
Mặc áo dài và nhảy đầm
Rất nhiều người, kể cả bạn bè của bà đều nghĩ bà chỉ là chuyên gia về triết học phương Đông nhất là về Phật giáo tại Đức, song hoàn toàn không phải như vậy. Năm 1965 sang Đức du học, rồi trở thành giảng viên triết học tại đại học tổng hợp Ludwig – Maximilian, Munich, Đức tiến sĩ Thái Kim Lan không ngừng nghiên cứu triết học phương Tây. Đề tài luận án tiến sĩ của bà không phải về đạo Phật mà là về Kant, một tượng đài triết học của Đức với tên luận án là “Vai trò giới hạn của cảm năng trong tác phẩm Phê bình lí tính thuần túy của Immanuel Kant”. Chính đề tài này đã giúp bà được giữ lại để giảng dạy triết học ở Đức.
Đọc các bài viết của bà về Phật giáo, người đọc không gặp phải một “tâm thế” tự cao tự đại thường thấy của không ít người nghiên cứu khi cho rằng “Phật giáo đi trước phương Tây”, “Phật giáo đã nói cả rồi”… mà các nghiên cứu của tiến sĩ Thái Kim Lan thường chứng tỏ một quá trình nghiên cứu điềm đạm, trong đó ngoài những tìm kiếm về sự khác nhau giữa tư tưởng Đông và Tây còn có những điểm tương đồng, những gì thuộc về nhân bản và mang tính nhân loại. Bà viết rằng: “Cuộc sống hiện đại chính là thích nghi, đối mặt, cân bằng những sự tương phản”.
Bà là người Huế, thường mặc áo tím Huế, nhưng bà không phải mẫu người luôn cho rằng Huế không được đổi thay, chỉ có như thế mới giữ được Huế. Trong lần trò chuyện với độc giả ở TPHCM mới đây, bà nói: “Người ta chỉ biết tôi hay mặc áo dài, nhưng thật ra khi về Huế tôi còn đi nhảy đầm”.
Áo dài là đặc trưng của người Việt Nam mà đi nhảy là đặc trưng của mấy bà đầm Tây. Sự kết hợp ấy đối với Thái Kim Lan như sự giao thoa văn hóa mà người có bản lĩnh thì không sợ mình bị kẻ khác cuốn đi. Bà chính là người sáng lập và là Chủ tịch Hội Giao lưu Đức-Việt, có trụ sở tại München. Bà được giải thưởng Đào Tấn về bảo tồn bản sắc văn hóa Việt Nam trong việc giới thiệu Tuồng ra nước ngoài, nhưng bà cũng là dịch giả đưa văn hóa Đức vào Việt Nam với Tuyển tập văn học Đức-Việt về B. Brecht và Hermann Hesse (tuyển chọn, dịch và giới thiệu).
Tìm hạnh phúc trong cuộc sống xanh Đi tìm ý nghĩa của cuộc sống thường nhật cũng là băn khoăn lớn của giáo sư Thái Kim Lan. Các cuốn sách, bài viết của bà không khó hiểu, không mũ cao áo dài, không bí hiểm và rắc rối như người ta thường hình dung về các giáo sư tiến sĩ triết. Bà thường đi tìm câu trả lời cho những tình huống, hoàn cảnh, điều kiện bình thường của con người hiện đại đang phải đối diện. Chẳng hạn Hội các bà mẹ, một diễn đàn của các bà mẹ tại TPHCM đã tổ chức giới thiệu sách của giáo sư triết này vì họ thấy trong đó có nhiều kiến thức nuôi con, dạy trẻ thành người. Các thành viên cho biết, cách nuôi dạy con mà bà Thái Kim Lan viết trong sách đều có thể áp dụng và đem lại kết quả tốt cho các bà mẹ hiện nay. Giáo sư tiến sĩ Thái Kim Lan cũng đề xuất một chữ “xanh” trong môi trường sống hiện đại tại Việt Nam. Bà viết: “Xã hội Á Đông trong quá khứ thấm đượm không gian sống xanh và lối sống xanh, tiếc thay kế hoạch đô thị hóa vội vàng trong cuộc đổi mới đã giết chết chữ “xanh” để trơ lại bê-tông dỏm, nhà xây vội vàng, gạch đá lỏng chỏng, mất tất cả sự hài hòa cần có cho một đời sống an sinh. Cuộc sống an sinh của con người là cơ sở của bền vững ngoại cảnh và an vui nội tâm, hai điều kiện cần và đủ cho một xã hội bền vững”. Bản thân giáo sư, với khu vườn 400m2 tràn ngập cây xanh ở Đức, có lẽ bà không thiếu cuộc sống xanh. Điều bà viết ra đó là sự lo lắng cho những con người Việt Nam hiện đại, với thực tế như bà thấy: “Con người bị bóc hết nơi trú ẩn có ý nghĩa, mà chỉ là những nơi tạm bợ, ngay cả những dinh thự nguy nga đều toát lên hiện trạng vô cảm đối với thiên nhiên. Hiện trạng này không thể dài lâu trước những thiên tai, những tai họa đến từ sự vô cảm phá hoại “xanh”, gây thảm họa cho cuộc sống chung. Lối sống xanh cần thiết cho tương lai vì sự an vui của con người. Tôi nghĩ người Âu châu đang trên đường quay về, tại sao ta lại chạy trốn khỏi cội nguồn hạnh phúc?”. |