Dân Việt

Khi 3 tỷ USD xuất khẩu gạo đem... uống bia hết

Diệu Thùy 09/11/2015 17:00 GMT+7
“Việt Nam xuất khẩu gạo được 3 tỷ USD, nhưng chi ra 3 tỷ USD để tiêu thụ bia. Vậy bao nhiêu công sức của hơn 50 triệu nông dân vật lộn với ruộng đồng làm ra gạo chỉ đáng ngang tiền uống bia, như thế có đáng không?

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức khi bước vào hội nhập nhưng hiện nay Việt Nam vẫn đang mải miết sung sướng với thành tích số lượng mà không hề quan tâm đến chất lượng, giá trị mang lại.

Tại Diễn đàn Chính sách nông nghiệp thường niên 2015 tổ chức tuần qua, các diễn giả, chuyên gia kinh tế đã chia sẻ những điều hết sức tâm huyết liên quan đến “số phận” của nền nông nghiệp và người nông dân Việt Nam khi đối diện với thách thức hội nhập. Tuy nhiên nhiều chuyên gia bày tỏ, đáng tiếc một sự kiện lớn như vậy nhưng lại thiếu sự có mặt của những lãnh đạo cao cấp Bộ Nông nghiệp.

img

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Nêu cảm nhận của bản thân về tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ: “Tôi thấy vừa mừng vừa lo nhưng lo nhiều hơn mừng”.

“Người ta nói triển vọng mới, cơ hội mới của hội nhập rất nhiều, nhưng liệu triển vọng như vậy, cơ hội như vậy, chúng ta có đủ sức nắm bắt hay không và ai là người hưởng lợi chính của quá trình hội nhập đó?”, bà Lan bày tỏ.

Bà Lan lo lắng, thực tế nhiều năm qua, ở nước ta có tình trạng có những ngành cứ mãi tự hào với thành tích của mình. Trong nông nghiệp, Việt Nam vẫn tự hào có thứ hạng cao về xuất khẩu một số mặt hàng như gạo, cà phê, điều, hồ tiêu.

Nhưng thứ hạng cao đó vẫn chỉ là về số lượng còn vấn đề cần đặt ra là thứ hạng cao nhưng giá trị thực thu về cho nền kinh tế, cho người nông dân là bao nhiêu?

Bà Lan nêu dẫn chứng: “Việt Nam xuất khẩu gạo được 3 tỷ USD, nhưng chi ra 3 tỷ USD để tiêu thụ bia. Vậy bao nhiêu công sức của hơn 5 triệu nông dân vật lộn với ruộng đồng làm ra gạo chỉ đáng ngang tiền uống bia, như thế có đáng không? 3 tỷ đó có đáng với công sức của nông dân hay không”.

Không những thế, gạo của Việt Nam đang đứng trước đe dọa rất nhiều. Gạo giá rẻ của Việt Nam cạnh tranh rất vất vả với gạo của Ấn Độ và các nước khác còn dòng gạo chất lượng cao đang thua rõ ràng với Campuchia, Thái Lan.

“Việt Nam cứ mải miết sung sướng với thành tích về số lượng mà không hề quan tâm đến chất lượng, giá trị tạo ra được thực chất bao nhiêu, người tạo ra gạo được thụ hưởng bao nhiêu từ kết quả xuất khẩu. Nếu không thay đổi một cách căn bản thì đi vào cuộc hội nhập tới, thua trong ngành gạo là thấy trước được. Tương tự với các mặt hàng khác cũng vậy", bà Lan cảnh báo.

Bà Lan cho rằng khi nói Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất khi gia nhập TPP là chỉ nói đến những con số tăng trưởng về xuất khẩu hoặc GDP, tỷ trọng so với các nước khác. Nhưng phải nhớ rằng Việt Nam là nền kinh tế nhỏ nhất trong TPP, có khi 10% mà Việt Nam đạt được cũng không bằng 1% của nước khác.

"Đừng có nói với nhau rằng vào TPP, Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất, nói như vậy là rất sai lệch, sẽ không thấy được việc mà chúng ta cần làm đâu", bà Lan nhấn mạnh.

img

Các diễn giả phát biểu tại Diễn đàn chính sách nông nghiệp 2015

Cũng theo chuyên gia Phạm Chi Lan, với thực tế đó, nếu nước ngoài mang sản phẩm vào nước ta mà có chất lượng tốt hơn, đảm bảo an toàn hơn thì mình không thể trách họ, cũng không thể đòi hỏi, yêu cầu người tiêu dùng trong nước rằng yêu nước thì phải dùng hàng Việt.

Cuối cùng, vị chuyên gia này bày tỏ: “Tôi cảm thấy đáng tiếc vì một diễn đàn lớn về chính sách nông nghiệp thế này lại vắng bóng lãnh đạo cao cấp ngành nông nghiệp đến nghe các báo cáo nghiên cứu và những phát biểu rất tâm huyết của các chuyên gia đóng góp cho ngành. Những thông điệp này cần đến tai các vị lãnh đạo, đến nhà làm chính sách làm nông nghiệp chứ chúng ta nói, chia sẻ với nhau cũng không quyết định được”.

Là đại diện duy nhất từ Bộ NN&PTNT, ông Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho hay, Cục đã mời lãnh đạo Bộ, nhưng cuối năm có quá nhiều sự kiện nên lãnh đạo Bộ không tham dự được.

Tại diễn đàn, TS.Trần Duy Khanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cũng nêu lên thực trạng: “Trong quy hoạch chiến lược phát triển và tái cơ cấu hiện nay Việt Nam không có đất để sản xuất thức ăn chăn nuôi, không có một mét vuông nào làm thức ăn gia súc, trong khi đó nhập khẩu thức ăn chăn nuôi hơn 4,7 tỷ USD mỗi năm. Trách nhiệm này thuộc về ai?”

Phản hồi ý kiến này, ông Lê Đức Thịnh nói: Không thể nói Việt Nam không có quy hoạch.

“Tôi sợ quá nhiều quy hoạch chứ không phải là không có quy hoạch. Thậm chí, dường như không muốn làm gì thì họ đem quy hoạch. Vấn đề ở chỗ quy hoạch thế nào và ai thực thi nó?”, ông Thịnh cho hay.

Nói rõ hơn về vấn đề này, ông Thịnh lấy dẫn chứng: “Quy hoạch về cây hồ tiêu chỉ 50.000 ha nhưng khi giá tăng lên hơn 200 triệu đồng/tấn thì diện tích cây tiêu đã vượt lên thành 250.000 ha. Nhưng ngược lại chuyện quy hoạch diện tích cây thức ăn gia súc như ngô, đậu tương mãi vẫn không thấy trồng được”.

“Bộ Nông nghiệp và Chính phủ cũng đã mường tượng vấn đề hội nhập. Bộ đã tham mưu tái cơ cấu nhưng nói thật 2 năm vừa qua, mới chỉ dừng ở nhận thức”, ông Lê Đức Thịnh thừa nhận.

Cũng nói về quy hoạch, GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, cả một thời gian dài chúng ta chỉ trồng lúa, chủ trương an ninh lương thực ăn sâu từ trung ương đến địa phương nên động đến đất lúa ai cũng sợ. Theo ông điều này cần phải thay đổi, không thể cứ mãi cứng nhắc như vậy.