Bản dịch gây tranh cãi được đăng trong SGK Ngữ văn 7 như sau: "Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Vằng vặc sách trời chia xứ sở/ Giặc dữ cớ sao phạm đến đây/ Chúng mày nhất định phải tan vỡ". Nhiều người cho rằng nhóm biên soạn đã “đổi bản dịch cũ thành bản dịch mới” bởi trong ấn tượng của họ, bản dịch quen thuộc phải là “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”.
Thể thao & Văn hóa có cuộc trao đổi với GS Trần Đình Sử, thành viên nhóm chủ biên cuốn Ngữ văn 7. GS Sử là chủ biên phần Tập làm văn, sách do GS Nguyễn Khắc Phi làm Tổng chủ biên.
Các bản dịch đều có từ lâu
Thưa ông, tại sao có sự xuất hiện của bản dịch “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Vằng vặc sách trời chia xứ sở/ Giặc dữ cớ sao phạm đến đây/ Chúng mày nhất định phải tan vỡ” trong SGK Ngữ văn 7?
- Không hề có chuyện đổi bản dịch cũ thành bản dịch mới. Bản dịch vần trắc này đã được dịch từ năm 1977 trong cuốn Thơ văn Lý Trần chứ không phải là bản dịch mới do nhóm biên soạn Ngữ văn 7 thực hiện.
Về phản ứng của dư luận đối với bản dịch vần trắc hiện nay, tôi cho là có sự nhầm lẫn. Trên mạng xã hội, có thể người ta đọc chưa kỹ nên la lối lên. Tất cả bản dịch bài thơ này đều có từ lâu, được ghi xuất xứ và tên người dịch cụ thể, chứ không ai dịch lại cả. Dịch giả cũng đều là những bậc túc nho nổi tiếng. Nhóm dịch bản vần trắc nói trên là hai học giả Lê Thước và Nam Trân.
Ông đánh giá như thế nào về chất lượng hai bản dịch vần bằng (“Rành rành định phận tại sách trời”) và bản dịch vần trắc (“Vằng vặc sách trời chia xứ sở”) khi so với nhau?
- Tôi cho rằng nguyên tác là những câu thơ bằng chữ Hán và hai bản dịch đều hay. Bản vần bằng nghe êm ái còn bản vần trắc rắn rỏi và gân guốc. Mặc dù nguyên tác là vần bằng nhưng xưa nay không ai quy định là bản dịch thơ phải giữ nguyên cách gieo vần của nguyên tác.
Chẳng hạn, bài thơ đầu tiên trong Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù), không có nhan đề của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong nguyên tác chữ Hán là vần trắc: “Thân thể tại ngục trung/ Tinh thần tại ngục ngoại/ Dục thành đại sự nghiệp/ Tinh thần cánh yếu đại”. Nhưng bản dịch lại là vần bằng: “Thân thể ở trong lao/Tinh thần ở ngoài lao/ Muốn nên sự nghiệp lớn/Tinh thần phải càng cao”. Tùy điều kiện, tùy cách dịch, đây không phải là vấn đề lớn.
Không bản dịch nào là "duy nhất đúng"
Ông nghĩ sao về lý do để nhiều người phản đối là bản dịch vần bằng được coi là Tuyên ngôn độc lập nên bất di bất dịch, không thể thay thế?
- Văn bản được coi là Tuyên ngôn độc lập là nguyên tác chữ Hán của bài Nam quốc sơn hà, chứ không phải bản dịch chữ quốc ngữ Sông núi nước Nam. Không có bản Tuyên ngôn độc lập Sông núi nước Nam nào bằng chữ quốc ngữ cả. Chỉ nguyên tác thì mới không thay đổi.
Để hiểu được nguyên tác thì phải dịch ra chữ quốc ngữ. Nhưng không ai quy định bản dịch nào là duy nhất đúng. Việc lẫn lộn, cho một bản dịch nào đó quyền ưu tiên, quyền “duy nhất đúng” tôi thấy không nên.
Sách Ngữ văn 7 đăng 3 bản dịch Nam quốc sơn hà Trong SGK Ngữ văn 7, có đến 3 bản dịch chữ quốc ngữ của bài thơ Nam quốc sơn hà được đăng tải chứ không chỉ bản dịch vần trắc đang gây tranh cãi. Bản dịch vần trắc có câu “Vằng vặc sách trời chia xứ sở” được sử dụng làm đối tượng chính của bài đọc văn bản trang 62, còn 2 bản dịch khác được đăng kèm để học sinh tham khảo. Hai bản dịch còn lại bao gồm: - Bản dịch trên nguyên bản bức sơn mài ở Viện Bảo tàng Lịch sử: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Sách trời phân định đã rạch ròi/ Cớ sao giặc cướp xâm phạm tới/ Chúng bay thất bại hãy chờ coi”. - Bản dịch của nhà thơ, dịch giả Ngô Linh Ngọc: “Đất nước Đại Nam, Nam đế ngự/ Sách trời định phận rõ non sông/ Cớ sao nghịch tặc sang xâm phạm?/ Bay hãy chờ coi, chuốc bại vong”. |