Là người công tác trong ngành công an tỉnh Quảng Nam, ĐB Phạm Trường Dân nêu lên một thực tế: "Với những trường hợp không gây trở ngại đến việc điều tra vụ án, có thể giải quyết cho người ta về viếng theo phong tục, tập quán truyền thống khi người thân mất. Tôi nghĩ cũng phải nên quy định, nếu không sau này có những trường hợp như thế không biết giải quyết như thế nào? Nếu giải quyết thì được về tình, nhưng lại sai về lý" - ĐB Dân nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh). Ảnh: T.L
Cũng đề cập đến quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam, ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) phân tích, người bị tạm giữ, tạm giam chia làm 2 đối tượng là người chưa có tội và người có tội. "Tôi đề nghị cần xem lại để quy định theo hướng cụ thể về quyền, nghĩa vụ của 2 nhóm đối tượng là người có tội và người chưa có tội như vậy mới đảm bảo quyền con người, quyền công dân không bị xâm hại" - ĐB Tính góp ý.
Đề cập đến quy định phân loại đối tượng bị tạm giữ, tạm giam để quản lý, ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) cho rằng: Cách phân loại như trong dự luật rất khó thực hiện. Ví như quy định người tạm giữ, tạm giam có thể được bố trí giam giữ buồng riêng như với người đồng tính, phụ nữ có thai...
"Có người hiểu tất cả những phụ nữ có thai có thể giam chung cũng được hay mỗi người mỗi buồng. Trường hợp phụ nữ có thai có thể giam chung được, nhưng người đồng tính mà giam chung thì không được. Nếu như người đồng tính thì phải mỗi người mỗi buồng, họ được giam chung thì quá sướng" - ĐB Châu nói.
Cũng đề cập đến vấn đề này, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) phân tích thêm: Dự luật quy định người bị tạm giữ, tạm giam có thể được bố trí giam giữ ở buồng riêng là người đồng tính, người chuyển giới, người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A, người bị kết án tử hình, người có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần...
“Ban soạn thảo nên làm rõ tại sao chỉ có thể mà không phải là bắt buộc. Khi nào là có thể và khi nào là không thể. Khi có sự cố xảy ra trong quá trình giam chung thì ai là người chịu trách nhiệm” - ĐB Khá đặt dấu hỏi.