Dân Việt

Quản lý, sử dụng đất nông-lâm trường yếu kém: “Hóc” nhất là tìm cách thu hồi

Lương Kết (thực hiện) 10/11/2015 15:14 GMT+7
Ngày 10.11, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2014.

Xung quanh nội dung này, phóng viên Dân Việt đã trao đổi với đại biểu Nguyễn Tiến Sinh - Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, thành viên Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện chính sách nói trên.

Là người tham gia Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông-lâm trường, ông thấy vấn đề gì nổi cộm nhất hiện nay?

img

Thu hoạch chè tại một nông trường ở huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu (ảnh minh họa). Ảnh: TTĐNLC 

- Bên cạnh những kết quả đã đạt, được chúng ta thừa nhận thì còn những tồn tại hạn chế, yếu kém nổi lên trong 10 năm kể từ khi thực hiện Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông-lâm trường quốc doanh.

Quản lý đất còn lỏng lẻo, sử dụng còn kém hiệu quả. Lỏng lẻo ở chỗ là kể từ khi nhà nước ban hành chính sách về giao đất, cho thuê đất đối với nông-lâm trường TNHH đã không lường trước được việc sử dụng sẽ không đến nơi đất chốn.

Khi giao đất quyền quản lý thuộc nông-lâm trường nhưng bản chất trên thực địa nông-lâm trường không quản lý được mà đất lại ở trong tay người dân và hộ gia đình. Nhiều trường hợp chỉ mang danh là nông trường viên chứ bản thân họ không thực sự gắn kết với hoạt động sản xuất, kinh doanh của nông, lâm trường nữa.

Hiện nay cho dù chuyển đổi mô hình sở hữu sang hình thức khác thì giải quyết việc câu chuyện hợp đồng giao khoán giữa nông- lâm trường trước đây với hộ gia đình vẫn là câu chuyện phức tạp. Không thể thu hồi đất của người dân bằng hình thức chấm dứt hợp đồng giao khoán, cũng không thể thu hồi đất bằng pháp luật đất đai. Đây là vấn đề "hóc" nhất.

Theo báo cáo của Đoàn giám sát thì hơn 7,9 triệu ha đất đã được giao cho các nông-lâm trường. Việc giao như vậy là quá sức vì khả năng tổ chức sản xuất, năng lực quản trị, địa hình phức tạp... Việc giao đất cho nông-lâm trường cũng nhiều bất cập, giao đất nhưng không có mốc gì cả nên xảy ra tình trạng chồng lấn, xen ghép vào khu dân cư, thậm chí xen ghép vào cả khu đơn vị hành chính. Mặc dù các nông-lâm trường được nhà nước giao quản hơn 7,9 triệu ha nhưng thực tế họ cũng chẳng biết đất của họ có đến đâu.

Chính từ việc giao khoán không đến nơi đến chốn, quản lý sử dụng thì lỏng lẻo dẫn đến hậu quả nặng nề là thất thoát đất đai, còn sử dụng thì hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả. Tồn tại cho đến bây giờ là tình trạng tranh chấp đất đai giữa người dân địa phương với các công ty nông-lâm trường, giữa các nông trường viên và gia đình họ đối với các công ty nông-lâm trường, hoặc các công ty đã chuyển đổi, kể với công ty đã cổ phần nhà nước không còn giữ sở hữu nữa. Đây là những vấn đề rất đáng quan tâm

Có ý kiến cho rằng, có tình trạng "phát canh thu tô" trong việc quản lý, sử dụng đất ở các nông- lâm trường, ông thấy sao?

- Khái niệm "phát canh thu tô" thì tùy theo cách hiểu, nhưng nhà nước đất giao và cho thuê đất đối với các nông-lâm trường, mà họ không sử dụng đi giao khoán là một thực tế đang diễn ra. Có thể nói việc tổ chức thực hiện các nghị quyết của T.Ư, các quy định của Chính phủ về việc giao khoán cho người lao động của các nông-lâm trường là chưa đúng.

Qua kiểm tra, giám sát thấy đất của nông-lâm trường không phải giao cho nông trường viên mà giao cho người dân nơi đó hoặc giao cho người dân nơi khác đến làm và người dân nộp lại một khoản tiền cho nông-lâm trường. Rõ ràng nó không phù hợp với chủ trương khi nhà nước giao đất cho các nông-lâm trường để tổ chức sản xuất, kinh doanh với ý nghĩa là một tổ chức kinh tế của nhà nước.

Có thông tin mỗi ha đất nông-lâm trường trong vòng 10 năm đóng góp cho ngân sách khoảng 90.000 đồng, chưa bằng 10kg gạo. Ông nghĩ sao về thông tin này?

- Nếu đơn thuần về mặt kinh tế thì các nông-lâm trường có đóng góp không lớn, tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế hiện nay, với nhiệm vụ được giao cho các nông-lâm trường, nhà nước cũng đặt vấn đề cả yếu tố ở mặt xã hội, về mặt công ích. Ví dụ các ban quản lý, các lâm trường họ chủ yếu là làm nhiệm vụ bảo vệ rừng, nhiệm vụ phòng hộ, bảo vệ môi trường, tổ chức ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân, giải quyết việc làm cho vùng sâu, vùng xa... Chúng ta đánh giá cả những khía cạnh đó thì nó mới toàn diện. Còn đơn giản nói trên 600 nông-lâm trường và các công ty TNHH sau khi chuyển đổi nộp thuế cho ngân sách nhà nước là không đáng kể.

Qua giám sát ông có thấy một số nơi, đất nông-lâm trường thì nhiều, trong khi người dân thì thiếu đất sản xuất?

- Báo cáo của Đoàn giám sát thể hiện chỗ này rất rõ, chúng tôi cho rằng vấn đề này rất đáng quan tâm. Tuy nhiên tôi cũng đồng tình với báo cáo giải trình của Bộ trưởng Bộ TNMT. Đúng là có những diện đất giao người dân họ không nhận vì  không có điều kiện tổ chức sản xuất. Ví dụ như phải mở đường hàng chục km, rồi suối sâu, đèo cao... chi phí cho sản xuất, khai thác mà lớn thì vượt khả năng của người dân.

Xin cảm ơn ông!

 Theo báo cáo của Chính phủ, có 39/53 tỉnh, thành phố có tình trạng các nông-lâm trường bị lấn chiếm đất đai, với tổng diện tích đất bị lấn chiếm 297.678ha (trong đó đất nông trường 33.309ha, chiếm 5,2%; đất lâm trường 264.369ha, chiếm 5,3%). 24/53 tỉnh, thành phố có tranh chấp đất đai của nông- lâm trường, với diện tích 61.038ha (trong đó đất nông trường 2.238ha, chiếm tỷ lệ 0,4%; đất lâm trường 58.800ha, chiếm tỷ lệ 1,2% diện tích đất các lâm trường được giao quản lý).