Ngày 9.11, tại chùa Thiên Phước (TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), gia đình đã tổ chức lễ chung thất (lễ cúng 49 ngày sau khi mất) cho bà Hà Thúy Linh (Giám đốc Công ty TNHH Hà Linh, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Lâm Đồng) trong khi thi thể nạn nhân vẫn chưa được cơ quan chức năng Trung Quốc bàn giao về Việt Nam.
Khám nghiệm lại tử thi
Cùng ngày, phóng viên Báo Người Lao Động đã tiếp xúc với bà Hà Mỹ Châu (chị bà Hà Thúy Linh) sau hơn 40 ngày bà túc trực ở TP.Đông Quản, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) để làm các thủ tục nhận thi hài em gái về nước. Ngay sau khi về Việt Nam, bà Châu cùng gia đình đã lên Đà Lạt để làm lễ chung thất cho em.
Bà Châu cho biết cơ quan chức năng Trung Quốc thông báo rằng Bộ Công an nước này đã vào cuộc để điều tra lại từ đầu vụ doanh nhân Hà Thúy Linh chết tại Trung Quốc. “Việc khám nghiệm tử thi em tôi cũng sẽ được thực hiện lại để bảo đảm tính khách quan, không bỏ lọt những tình tiết quan trọng có thể là manh mối cho công tác điều tra” - bà Châu nói.
Theo bà Châu, Bộ Công an Trung Quốc đã vài lần mời bà tới làm việc, hỏi nhiều vấn đề liên quan đến công việc làm ăn, kinh doanh chè Ô long của Công ty TNHH Hà Linh, trong đó có những câu hỏi về đời tư, cuộc sống tình cảm của nạn nhân. Tuy nhiên, bà Châu không trả lời được nhiều vì không biết rõ việc làm ăn, kinh doanh cũng như đời sống tình cảm của em gái.
Công ty TNHH Hà Linh đang gặp nhiều khó khăn nên chỉ sản xuất cầm chừng.
Về thời gian đưa thi hài bà Linh về nước, cơ quan chức năng Trung Quốc chưa thể xác định được vì vụ án rất phức tạp, cần có một thời gian dài điều tra. “Tôi sẽ trở lại Trung Quốc nhận thi thể em gái khi có thông tin chính thức từ nước này hoặc thông qua cơ quan ngoại giao của Việt Nam” - bà Châu cho biết.
Hiện Trung Quốc chỉ mới cấp giấy chứng tử của bà Linh cho bà Châu đưa về Việt Nam để làm các thủ tục điều hành cũng như giải quyết những vấn đề pháp lý có liên quan đến hoạt động của Công ty TNHH Hà Linh.
Khó khăn chồng chất
Luật sư Trương Quang Quý, người tạm thời điều hành Công ty TNHH Hà Linh, cho biết công ty đang gặp rất nhiều khó khăn dù các cơ quan chức năng TP.Đà Lạt đã tích cực giúp đỡ trong suốt thời gian qua. Hiện lượng chè Ô long của công ty vẫn tồn kho rất nhiều, đầu ra cho sản phẩm gặp khó khăn vì khó kiếm đối tác. Theo ông Quý, khó khăn lớn nhất hiện nay ngoài đầu ra cho sản phẩm chè Ô long còn có vấn đề tài chính vì công ty đã không còn tiền để trả lương cho công nhân. Trong khi đó, các thủ tục làm người đại diện cho công ty cũng đang gặp vướng mắc.
Theo ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, hiện lượng chè thương phẩm của Lâm Đồng đang tồn kho tới gần 5.000 tấn. Trong đó, chè đen đang tồn 2.590 tấn, chè xanh 1.600 tấn và chè Ô long là 668 tấn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do từ cuối năm 2014, kẻ xấu tung tin đồn về việc chè Lâm Đồng bị nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và dioxin. Bên cạnh đó, một số quốc gia, vùng lãnh thổ áp dụng các hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước, dẫn đến việc chè Lâm Đồng không xuất khẩu được trong năm 2015.
Chính khó khăn này nên bà Hà Thúy Linh đi Quảng Đông từ ngày 19.9 để tìm đối tác mới, giải quyết đầu ra cho sản phẩm chè Ô long và bà Hà Thúy Linh tử vong bất thường vào ngày 22.9 tại thôn Cửu Giang Thùy, thị trấn Thường Bình, TP.Đông Quản, tỉnh Quảng Đông.
Theo nội dung văn bản số 726 ngày 23.9 của Sở Ngoại vụ tỉnh Lâm Đồng, bà Hà Thúy Linh được bạn hàng buôn bán mời uống nước, sau đó hôn mê và bị cướp toàn bộ tài sản. Nạn nhân được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi. Chẩn đoán y tế cho thấy bà Linh bị tổn thương tuyến tụy và vỡ trực tràng 12 do ngoại lực tác động. Thi thể bà Linh được bảo quản tại nhà tang lễ TP.Đông Quản.
Hội Doanh nhân trẻ tìm cách gỡ khó Ông Phạm Nguyễn Ngọc Duy, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Lâm Đồng, cho biết hội này đang tìm cách tác động để sớm đưa thi thể bà Hà Thúy Linh về nước. “Chúng tôi cũng tìm kiếm đầu ra để giải quyết hàng tồn kho cho Công ty TNHH Hà Linh và các hộ nông dân hợp đồng bán chè cho doanh nghiệp này. Trong đó có phương án vận động các doanh nghiệp trong ngành chè ở Lâm Đồng hỗ trợ mua chè tươi cho số hộ nông dân ký hợp đồng với Công ty TNHH Hà Linh. Tuy nhiên, việc này đang gặp khó vì nguồn thu chè tươi ở các doanh nghiệp đã ổn định rồi” - ông Duy nói. H.Ánh |