Dân Việt

Vì một nền y tế “nhân dân”

Diệu Linh 10/11/2015 09:50 GMT+7
5 năm qua (2011-2015), ngành y tế nước ta đã đạt được nhiều thành tựu, “phủ sóng” tới tận vùng sâu vùng xa, đảm bảo mọi người dân đều được tiếp cận với các dịch vụ y tế.

Đạt tiến độ “thiên niên kỷ”

Đánh giá của Bộ Y tế tại Hội thảo tham vấn về định hướng Kế hoạch 5 năm bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2016 – 2020 do Bộ Y tế tổ chức cuối tháng 10 cho thấy, tình trạng sức khỏe nhân dân được cải thiện rõ rõ rệt,  nhiều mục tiêu đề ra đã “cán đích” sớm hoặc vượt kế hoạch.

img

Tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở để người dân vùng sâu cũng được tiếp cận với dịch vụ y tế. 

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới WHO, Việt Nam là một trong mười quốc gia được Liên Hợp quốc đánh giá “đạt tiến độ” trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ về giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ - trẻ em. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 01 tuổi giảm từ 15,5% năm 2011 xuống còn 14,9% năm 2014; Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 05 tuổi giảm từ 23,3% năm 2011 xuống còn 22,44% năm 2014; Tỷ lệ trẻ em dưới 05 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm bền vững qua các năm, từ 16,8% năm 2011 xuống còn 14,5% năm 2014 và vượt mục tiêu thiên niên kỷ là 20,5% vào năm 2015. 

Việt Nam cũng là nước có tuổi thọ trung bình khá cao so với nhiều nước trong khu vực 73,2 tuổi (năm 2014).

Trong 5 năm qua, lộ trình bảo hiểm y tế (BHYT) đã đạt kế hoạch đề ra trong giai đoạn 2011-2015. Đặc biệt, Luật BHYT sửa đổi đã quy định mọi người dân phải bắt buộc mua BHYT. Diện bao phủ BHYT được mở rộng từ 60,9% năm 2010 lên 71,6% năm 2014, dự kiến đạt 75% dân số năm 2015. Tính đến tháng 9.2015, tỷ lệ này là 73,9%. Quyền lợi của người có thẻ BHYT cũng được tăng lên nên người dân đi khám bệnh nhiều hơn. Tính trung bình một người có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh năm 2014 là 2,1 lần/năm, tăng 8,5% so với năm 2010.

Củng cố y tế cơ sở

Dự thảo Kế hoạch 5 năm bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2016 – 2020 tiếp tục đặt ra mục tiêu xây dựng nền y tế “nhân dân”. Cụ thể, để người dân vùng sâu, vùng xa tiếp cận được với các dịch vụ y tế tốt nhất, Bộ  Y tế tiếp tục củng cố và nâng cao hiệu quả của mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng,  tăng cường tài chính hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Cụ thể, sẽ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phát triển nguồn nhân lực cho y tế cơ sở; giảm tải bệnh viện, phát triển sản xuất và tăng cường đầu tư, sử dụng hiệu quả thuốc nội…

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ thực hiện tăng viện phí với hướng tính đúng, tính đủ. Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn khẳng định, đây là hướng đi đúng nhằm đổi mới chính sách tài chính y tế thông qua BHYT, đặc biệt là định hướng chuyển dần ngân sách cấp trực tiếp cho các bệnh viện sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT. Điều này sẽ giảm tiền túi chi cho y tế của người dân. Hiện nay, tỷ lệ chi tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam còn cao (47%), dễ dẫn đến nguy cơ nghèo hóa vì bệnh tật.

TS Socorro Escalante - Trưởng nhóm Hệ thống y tế, WHO tại Việt Nam cho biết, Việt Nam, thời gian tới, có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân như: môi trường, kinh tế xã hội, văn hóa, hành vi, lối sống… Do đó, Bộ Y tế cần xây dựng kế hoạch, hoạt động nhằm thay đổi các hành vi, lối sống khiến bệnh dịch dễ phát sinh, lây lan. Quan trọng là tăng cường vai trò của y tế địa phương trong việc quản lý, tuyên truyền và chăm sóc sức khỏe…