Dân Việt

Nghe nhạc buồn cho vui - tưởng đùa mà thật

Quang Minh - HF 12/11/2015 03:00 GMT+7
Bài viết của tác giả Lindsay Holmes, báo Huffington Post cho thấy lí do chúng ta thường nghe đi nghe lại những bản nhạc buồn và cảm thấy tâm trạng tốt hơn.

img

Nữ ca sĩ Adele và bản hit mới nhất mang tên "Hello"

Tôi vừa nghe ít nhất 20 lần ca khúc “Hello” mới nhất của nữ ca sĩ Adele và chưa định dừng lại.

Khi tôi nghe xong một lượt và định chuyển sang bài khác vui vẻ hơn, có thứ gì đó kéo tôi lại. Dù hôm đó không phải là một ngày đen đủi và tôi không ủ dột vì thất tình, tôi vẫn không thể nào kéo mình ra khỏi những ca từ của bài hát và tiếp tục nghe. Và lại nghe tiếp. Rồi nghe thêm một lần nữa.

Bạn có thấy quen không? Nhiều người trong chúng ta thú nhận đã từng nghe một bài hát có khi cả triệu lần. Âm nhạc có một sức ảnh hưởng mạnh mẽ lên cảm xúc. Sau đây là một vài lí do khoa học vì sao chúng ta cứ mãi nghe một bài hát trầm buồn.

Nhạc buồn làm chúng ta bình yên

Có một lí do ẩn sau việc chúng ta thường chọn các bài hát ballad mùi mẫn khi tâm trạng chùng xuống. Một nghiên cứu năm 2014 của tạp chí PLOS One chỉ ra rằng nghe nhạc buồn giúp tạo ra những cảm xúc tích cực cho người nghe. Nhà khoa học phát hiện ra rằng những ai hay nghe nhạc buồn thường dễ cảm thông hơn vì họ đồng cảm với nỗi buồn của người viết nhạc mà không trực tiếp phải chịu đựng nỗi buồn đó trong thực tế. Điều đó cũng giải thích vì sao chúng ta thường chọn các bài hát u sầu sau khi chia tay.

Nhạc buồn làm ta khóc – thấy lòng nhẹ nhàng hơn

Đôi khi âm nhạc làm chúng ta khóc rất nhiều. Hành vi khóc quá mức đều ẩn sâu trong mỗi con người và là một sự gột rửa tâm hồn kì diệu. Nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng "khóc tích cực" giúp tâm hồn nhẹ nhàng hơn. Các nhà khoa học chỉ ra 90 phút sau khi khóc, những người tham gia thí nghiệm cảm thấy nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với việc khóc mà không lí do cụ thể.

Não người sinh cảm giác thân thuộc

Chúng ta tự động kết nối tới những thứ thân quen – và âm nhạc cũng là một điều tương tự.

 “Việc nghe đi nghe lại một bài hát giúp chúng ta tưởng tượng, hát theo ca từ, giai điệu”, Elizabeth Margulis, tác giả cuốn sách On Repeat: How Music Plays the Mind nói. “Cảm giác đồng điệu với bản nhạc sẽ xuất hiện. Người ta hay nói tới cảm giác tan hòa khi ranh giới mong manh giữa âm nhạc và cảm xúc bị xóa nhòa”.

Nói cách khác, khi chúng ta ấn nút “Play”, vòng lặp bắt đầu. Não chúng ta không thể dừng lại được. Vậy nên nếu cần, tôi sẽ nghe tiếp bài Hello thêm một lần nữa.