Lao động tự do dễ mất việc
Theo Mạng lưới Lao động di cư M.Net, ước tính Việt Nam có khoảng 10 triệu lao động di cư tự do (thời vụ). Nhiều nhất vẫn là lao động từ nông thôn ra thành thị làm những công việc tự do, thu nhập thấp.
Người bán hàng rong trên phố Hàng Trống, Hà Nội. Ảnh: Đàm Duy
Chị Nguyễn Thị Lan (Thái Thụy, Thái Bình) và chồng di cư tự do lên Hà Nội đã được 5 năm. Hiện tại chị đi bán hoa quả rong, nhưng trước đó chị từng làm nhiều công việc như thu mua đồng nát, bán quần áo, bán rau... Nghề nào cũng chỉ làm được một thời gian ngắn.
Chị Lan tâm sự: “Trước đây vợ chồng làm ăn khá lắm, trừ chi phí thuê nhà, tiền ăn, tiêu… mỗi tháng còn dành dụm được 6-7 triệu đồng. Từ ngày mấy siêu thị mọc lên quanh thành phố, công việc của vợ chồng tôi bấp bênh nên giờ đi làm chỉ mong đủ ăn tiêu thôi”.
Cũng như vợ chồng chị Lan, hàng nghìn lao động di cư tự do từ nông thôn ra thành phố đang phải hứng chịu tác động từ sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xu hướng hội nhập.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương – Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội và Lao động (Bộ LĐTBXH) cho biết, cũng như các quốc gia khác, khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TTP, khả năng các hệ thống bán sỉ, bán lẻ hàng hóa từ nhiều quốc gia sẽ tràn vào Việt Nam ồ ạt, hình thành chuỗi bán hàng liên kết. Như vậy, dịch vụ hàng rong, hàng chợ sẽ không còn đất để tồn tại. “Bài học từ một số nước cho thấy người nghèo và người có thu nhập thấp có thể mất việc làm một cách tuyệt đối ở khu vực dịch vụ” – bà Hương nói.
Bà Hương phân tích, nhóm lao động nông nhàn này muốn kiếm việc cần được đào tạo tốt hơn để chuyển sang những ngành dịch vụ ở nấc cao hơn. Ví dụ khi kinh tế vỉa hè giảm dần đi, họ sẽ phải chuyển vào các khu công nghiệp, hoặc chuyển sang ngành dịch vụ cá nhân, dịch vụ tài chính.
Lao động phổ thông sẽ giảm cơ hội việc làm
"Cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường các mối liên kết giữa các đơn vị như doanh nghiệp, nhà khoa học với người sản xuất để hình thành các chuỗi cung ứng dịch vụ, từ đó tạo việc làm cho lao động tự do, giảm lao động di cư tự do, lao động bán hàng rong...“. Bà Nguyễn Thị Lan Hương |
Một chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ lao động thì cho rằng, nguy cơ xóa sổ lao động bán hàng rong là không lớn. “Người Việt Nam ai cũng từng ngồi ăn vỉa hè, mua đồ chợ, mua hàng rong vài chục, thậm chí vài trăm nghìn đồng. Như vậy thì làm sao có thể nói việc làm dành cho nhóm lao động này sẽ bị xóa sổ được” - vị chuyên gia này nhận định.
Tuy không đồng tình với nhận định của bà Lan Hương nhưng vị chuyên gia cũng thừa nhận, hội nhập sẽ làm giảm cơ tìm hội việc làm của nhóm lao động phổ thông. Một trong những giải pháp là tăng cường đào tạo nghề cho nhóm lao động này để họ có thể tìm kiếm việc làm có thu nhập ổn định.
Còn theo bà Hương, để thích ứng với nhu cầu hội nhập, rõ ràng Nhà nước cần có những điều chỉnh về mặt chính sách. Cụ thể, Nhà nước cần tăng cường đào tạo nghề cho lao động tự do di cư. Theo đó, lao động tự do có thể tìm được những công việc trong chuỗi cung ứng hàng hóa chuyên nghiệp thay vì cung ứng hàng hóa kiểu “vỉa hè” như hiện nay. “Đầu tiên phải nâng cao nhận thức cho lao động để họ không di cư tự do. Thứ hai cần nâng cao công tác chuẩn bị bằng cách nâng cao tay nghề cho lao động bằng cách đào tạo nghề. Thứ ba, cần nâng cao sản xuất nông nghiệp ở nông thôn, hình thành các chuỗi cung ứng để các sản phẩm vào siêu thị” – bà Hương nói về giải pháp.
Chịu sự cạnh tranh từ nhiều phía Theo tôi, nhận định lao động tự do bán hàng rong có nguy cơ bị xóa sổ là điều hoàn toàn đúng. Điều này không chỉ đúng với lao động bán hàng rong mà còn đúng với cả lao động phổ thông. Việc Việt Nam gia nhập cộng đồng chung ASEAN và thị trường TPP sẽ kéo theo các chuỗi dịch vụ cung ứng vào Việt Nam, khiến cho nhóm lao động tự do này đối mặt với nhiều thách thức, đe dọa mất việc làm. Một số khảo sát của M.Nét và Tổng cục Thống kê về đối tượng lao động này đều cho thấy, đây là nhóm lao động yếu thế, kỹ năng nghề không có, trình độ còn nhiều hạn chế, vì thế họ không có khả năng cạnh tranh tìm cơ hội việc làm. Bối cảnh hội nhập khiến các doanh nghiệp cũng phải chủ động ứng phó bằng cách nâng cao năng suất lao động, tìm kiếm những lao động có tay nghề. Như vậy, cùng lúc họ gặp phải sự cạnh tranh từ nhiều phía, cả trong và ngoài nước. Bà Nguyễn Thu Giang – Phó Viện trưởng Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng Hỗ trợ thành lập các hiệp hội ngành nghề Quá trình nền kinh tế hội nhập sâu và rộng, sẽ có những nhóm lao động yếu thế bị mất việc làm, hoặc ảnh hưởng. Lao động tự do, làm công việc thời vụ như bán hàng rong, kinh doanh vỉa hè... là một trong những nhóm đối tượng đó. Kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển cho thấy, đây là điều tất yếu, không thể phủ nhận. Có điều, cần phải có những chính sách tạo “bước đệm” cho họ cùng hội nhập. Có thể là hỗ trợ tạo việc làm thông qua việc tăng cường đào tạo nghề, hỗ trợ thành lập các hiệp hội trong từng ngành nghề (ví như: Hiệp hội Lao động giúp việc gia đình, Hiệp hội kinh doanh sản phẩm mỹ nghệ...) để bảo vệ quyền lợi cho họ”. Ông Vũ Hữu Kiên – Giảng viên cao cấp Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Nguyệt Tạ (ghi) |